Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Khái niệm về ứng dụng Kinh dịch & lục hào vào đời sống.

Trước hết cần nói thêm khái niệm cơ bản về Kinh dịch là gì?
Kinh, có nghĩa là kinh nghiệm mang tính chất kinh điển, muôn đời không ai có thể thay đổi hay bỏ bớt nó đi. Vì đó là chuẩn tắc dành cho mọi hành vi mang lại lợi ích của con người và Kinh là do trước tác của các bậc Thánh nhân, Hiền triết làm ra. Vì Cổ thư có câu:”Thánh nhân tác kinh, Hiền nhân tác sách”. Và Kinh dịch là trước tác của nhiều bậc Thánh nhân vào bậc siêu phàm, đã bác lãm và thông suốt các quy luật vận hành của vũ trụ mà vài trăm, hay hàng ngàn năm mới có một người diễn được ý của mình vào.
Cho nên Kinh Dịch được viết ra từ thời Phục Hy cho đến đời nhà Minh, suốt bao nhiêu ngàn năm mới được xem là hoàn chỉnh vì gần 600 năm nay chưa có ai thêm, hay bớt được ý vào.
Dịch là gì? Nghĩa chung của Dịch là biến đổi, tức tuỳ thời mà biến đổi cho phù hợp với quy luật của tự nhiên, nhưng được chia ra nghĩa bất dịch và nghĩa biến dịch, theo như lời tựa:” Đó là bộ sách rộng lớn, đầy đủ hầu để giúp cho con người thuận theo lẽ tính mệnh, thông đạt chỗ u minh, hiểu biết tình trạng của muôn vật, nhằm để mở mang các vật làm thành các việc”.

Chữ tính ở đây có nghĩa là tính chất của trời sanh như người có tính thông minh, nhân hậu hoặc ngang tàng, bướng bỉnh hay yếu đuối, chậm, nhanh. Còn mệnh là cái mà người ta thọ nhận như sang hèn, thọ, yểu chứ không phải tính mệnh là sinh mệnh của một con người.

Do đó Kinh Dịch là bộ sách triết học cao thâm, hầu như chỉ để dành cho các bậc thánh nhân hay quân tử là chủ yếu, chứ không hẳn là người có học vị cao, hiểu biết nhiều mà có thể xem và ứng dụng được. Vậy người Quân tử là người gì? Quân tử, trước hết là người trái với kẻ tiểu nhân; là người ưa điều nhân, thích điều thiện, họ luôn vì nhân mà làm, vì nghĩa mà đến, việc không phải nhân, không phải nghĩa thì không làm và là người không màng đến danh lợi…Và họ là người đang học, đang làm theo điều dạy của Thánh nhân và những người trong số họ cũng đang học tập, tu dưỡng để trở thành bậc Thánh nhân.

Cho nên trong 64 quẻ ứng dụng trong 64 đạo lý bao trùm lên mọi lĩnh vực cuộc sống của thế gian và quẻ nào lời Kinh cũng dạy, đấng quân tử hãy xem tượng này mà làm như thế này…như thế này v.v…Ngay trong lời tựa cũng có dạy: ”Người quân tử khi ở yên thì xem hình tượng và ngẫm lời lẽ của nó, khi hành động thì coi sự biến động rồi ngẫm lời mà suy đoán” Có nghĩa là người quân tử khi không làm gì thì xem hình tượng và lời giải của từng quẻ mà tu rèn nhân cách, sống cho thuận theo đạo lý để hành xử trên các mối quan hệ cho thật vuông tròn.

Còn khi mưu sự để hành động thì phải xem sự biến ra kết quả của nó như thế nào? Có thành công, có tốt đẹp hay không? Tốt đẹp thì tiến hành, bằng không thì ngưng lại. Vì mụch tiêu của Thánh nhân tác thành Kinh dịch là nhằm giúp cho con người hành động theo điều tốt, trốn xa điều xấu”xu cát tỵ hung” để dựng thành đại nghiệp và phát triển giống nòi.

Vì vậy, trong quá trình tồn tại cùng xã hội loài người, chúng ta đã thấy những bậc Hiền nhân, Quân tử, những nhà vua anh minh, những lãnh tụ thiên tài, những bậc quân sư xuất chúng…Những vị này đều thông hiểu và ứng dụng nó một cách rộng rãi và đã mang lợi ích về cho mọi tầng lớp người trong cộng đồng nhân loại, cho đến tận ngay nay.

Đặc biệt trong lịch sử phát triển của đất nước Trung Hoa, Kinh Dịch được xem là bộ kinh sách của bậc đế vương, không những họ phải thuộc làu để ứng dụng vào việc trị quốc mà họ còn cho diễn giải, phát triển ra thành bộ tứ thư ngũ kinh, đưa Kinh dịch đứng hàng đầu để làm giáo trình phổ cập kiến thức cho mọi cấp học và dựa trên cơ sở đó mà tuyển dụng nhân tài ra để giúp nước.

Ngoài ra, họ còn dùng những bậc uyên thâm về Dịch học để làm quân sư giúp đỡ cho mình vào việc trị quốc. Như có Chu Văn Vương đã dùng Khương Tử Nha, mà nhà Chu được 800 năm thịnh trị; có Lưu Bang dùng Trương Lương dựng nghiệp mà nhà Hán thịnh trị 400 năm. Lý Thế Dân dùng Từ Mậu Công dựng nghiệp mà nhà Đường cũng thịnh trị được 600 năm…Đến như Tần Thuỷ Hoàng, một vị vua có tiếng là “vua đốt sách, chôn học trò”cũng còn phải kiêng sợ Kinh dịch mà không dám đốt, vì cho đó là Kinh sách của trời. Nhưng vì không ứng dụng được Kinh Dịch vào việc trị quốc, nên chẳng bao lâu là nhà Tần phài bị diệt vong.

Sau đây, tôi xin tóm lược phương pháp ứng dụng Kinh Dịch vào các mặt của đời sống.

- Trước hết là ứng dụng nghĩa bất dịch:
Ở nghĩa bất dịch, trong xã hội loài người không một quốc gia, dân tộc nào tồn tại và phát triển mà có thể tách rời việc ứng dụng những đạo lý của phần bất dịch này vào đời sống được. Vì đây là những nguyên tắc bất di, bất dịch để cho con người tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân mình để hành xử tốt trên các mối quan hệ.Từ đó nghĩa bất dịch này còn có nghĩa là Giao dịch (Âm dương giao dịch nhau trong trạng thái bình thường).Trong hệ thống Kinh Dịch, nhờ ứng dụng khuôn mẫu này làm tiêu chuẩn đạo lý của con người, trên tất cả các lãnh vực của đời sống, nên kinh dịch được tôn lên làm Chân lý, bao trùm lên mọi Chân lý của thế gian.

Cho nên, ứng dụng về văn là trị được nước, về võ thì yên được dân, giúp cho mọi người trên báo được ơn nước, dưới giúp được muôn dân. Về khoa học ứng dụng được cho mọi ngành như: nông nghiệp, thiên văn, địa lý, quân sự, ngoại giao, y học, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.v.v…nhằm để bảo vệ và phát triển đời sống của cộng đồng xã hội.

Riêng ứng dụng vào y học, thì y tổ của nghành y đã lấy toàn bộ hệ thống của Kinh dịch để làm y đạo, để cho người thầy thuốc biết tu dưỡng, rèn luyện y đức cho cho mình. Đồng thời còn ứng dụng các quy luật vận động cơ bản của âm dương, ngũ hành làm y lý, y thuật để phòng và chữa bệnh mà hình thành nên nghành học thuật Đông y, tồn tại cùng lịch sử phát triển của xã hội loài người, đặc biệt là các dân tộc Á đông.

Cho nên trong kho tàng kiến thức y học, đâu đâu cũng thấy âm dương, ngũ hành; đâu đâu cũng thấy hàn nhiệt, hư thực, chính tà; đâu đâu cũng có thịnh suy, sanh khắc, chế hoá, toàn là từ ngữ triết học trong Kinh Dịch mà thuật ngữ của y học không thể nào thay thế được.

Do đó, Kinh Dịch nếu được ứng dụng vào những việc nhỏ của một cá nhân trong nghĩa bất dịch thì việc tu thân, tề gia đến các chuẩn tắc thuộc về hành vi ứng xử tốt trên các mối quan hệ cũng được phân định rất rõ ràng. Dựa vào cơ sở vững chắc này mà ngành y mới ứng dụng để rèn luyện y đức cho người thầy thuốc. Vì trong ngành y, người thầy thuốc có y đức mới có thể dùng y thuật để cứu người, còn không có y đức thì họ sẽ dùng y thuật để hại người, trên nhiều ý nghĩa?

Lý do, vì không có một ngành khoa học nào lại mang nét đặc thù, như của nghành y học. Đặc thù vì tất cả đối tượng của người thầy thuốc là bệnh nhân và tất cả đều không hiểu biết gì về công việc của một người thầy thuốc, nhưng vẫn sẵn sàng giao tính mạng mình cho họ. Và người thầy thuốc nói bệnh gì, thì người bệnh cũng phải nghe, đưa thuốc gì cũng phải uống, bảo làm gì cũng phải làm, tính bao nhiêu tiền cũng không được trả giá…Do đó các Y tổ của ngành y thường răn dạy học trò mình rằng:”Vô Dịch bất thành y” hay “Học y, trước hết phải học Dịch” là lẽ đó.

Trở lại việc ứng dụng nghĩa bất dịch của Kinh Dịch vào mọi mặc của đời sống. Tỷ như trong quẻ Càn là chuẩn tắc cho mọi hành vi ứng xử của người đàn ông, người quân tử, hoặc dành cho những người có chức vị cao nhất trong 1 tập thể, đoàn thể, của 1 quốc gia, lãnh tụ của 1 dân tộc; là Thiên tử của các chư hầu, người cha, người chủ của 1 cơ sở, của 1 gia đình.v.v…

Quẻ khôn là chuẩn tắc cơ bản cho mọi hành vi của người phụ nữ, người mẹ, người vợ, bậc mẫu nghi thiên hạ, bậc mệnh phụ, bậc tể tướng, người thừa hành mệnh lệnh cấp trên. Là kẻ chư hầu của 1 quốc gia lớn, người con trong 1 gia đình, người dân trong 1 quốc gia, dân tộc hay cộng đồng, tín ngưỡng nào đó.v.v…

Nếu học và làm theo đầy đủ 2 đạo lý này, thì gần như con người đã hoàn thiện được nhân cách của mình rồi. Vì trong 64 đạo lý của Kinh dịch, chỉ có 2 quẻ này là mới có được đầy đủ 4 đức lớn của trời đất là: Nguyên, Hạnh, Lợi,Trinh mà khi được vận dụng thì nó sẽ trở thành 4 đức lớn của con người đó là: Nhân, Lễ, Nghĩa,Trí. Trời đất nhờ có 4 đức này mới được tồn tại mà sanh hoá, nuôi dưỡng vạn vật; có 4 đức này thì con người mới thật sự là 1 con người đúng nghĩa. Còn muốn tu sửa cho thật đầy đủ và toàn diện hơn, thì cần phải hiểu hết các đạo lý có liên hệ còn lại trong Kinh dịch.

Còn các lãnh vực khoa học, thì có đạo lý của quẻ Sư là chuẩn tắc của đạo dùng binh, của 1 vị tướng thống lĩnh quân đội. Làm kinh tề thì có quẻ Ích và quẻ Tổn dùng trong 1 quốc gia, 1 gia đình,1 cơ sở làm ăn nào đó. Nếu như muốn được ích nước, lợi nhà thì dùng quẻ Ích, muốn hại người lợi ta thì dùng quẻ Tổn. Đạo nhà thì có chuẩn tắc của quẻ Gia nhân… Đến như phạm trù của tôn giáo, muồn tu hành thì phải theo chuẩn tắc của quẻ Vô vọng, đắt đạo thành Phật, thành Tiên thì phải hành theo quẻ Cấn.v.v…

Và sau đây, tôi xin được nêu ứng dụng 1 đạo lý cụ thể về Đại đoàn kết, nằm trong quẻ Thủy địa tỷ, có nội dung như sau:

Theo quy luật tự nhiên, trong cuộc sống của nhân loại nếu chỉ có 1 con người đơn độc, thì sẽ không thể nào tồn tại được mà phải có sự liên kết chặt chẽ cùng với mọi người để tạo nên sức mạnh chung, thì mới có thể cùng nhau tồn tại và phát triển được. Do đó sau khi vận động, thu hút được 1 số người qui tụ lại, thì việc tiếp theo là phải thực hành theo chuẩn tắc của đạo Tỷ này.
Tỷ, có nghĩa là mọi người đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, hay còn gọi đây là đạo lý đại đoàn kết theo nghĩa của ngày nay.

Vậy cấu tạo hình thành nên quẻ Tỷ và ý nghĩa của đạo lý này như thế nào?
Đạo lý của quẻ Tỷ này nằm trong 64 quẻ của Kinh Dịch, được kết hợp giữa nguyên lý vận hành của vũ trụ, hay là quy luật của tự nhiên, cùng những hình tượng của tự nhiên để diễn đạt ra mọi lý lẽ về sự biến hóa không ngừng của bộ máy tự nhiên, mà hình thành nên những nguyên tắc của đạo lý này. Các quẻ khác được xây dựng nên cũng đều dựa trên nguyên tắc này, nhằm để giúp cho mọi người sống và làm theo điều thiện (thuận), lánh xa điều ác, (nghịch) vì thuận theo quy luật của tự nhiên thì tồn tại còn nghịch lại là sẽ bị diệt vong (thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong). Do đó toàn bộ hệ thống 64 quẻ của Kinh Dịch hình thành nên 64 đạo lý, bao trùm lên mọi lĩnh vực của cuộc sống cũng đều nhằm vào mục tiêu này.

Nói về đạo Tỷ, đó là quẻ Thuỷ địa tỷ (Nước trên, đất dưới). Đây là hình tượng của nước ở trên, tính của nó chảy xuống dưới, ngấm sâu vào lòng đất và lời Kinh quẻ Tỷ nói: ”Các vật thân liền khắng khít nhau không có gì ngăn cách được, không có thứ gì bằng nước ở trên đất”. Vì nước cần có đất để chảy xuống và ngấm sâu vào lòng đất rồi tụ lại làm thành công dụng của sông suối, để tưới nhuần và nuôi sống vạn vật. Còn đất nhờ có nước thì đất mới được thấm nhuần để sanh hoá, dưỡng nuôi cho muôn loài, vạn vật.

Đời sống của con người cũng vậy, nếu chỉ có 1 con người thì không thể nào tồn tại được. Do đó khi được sanh ra thì ai cũng tự nhiên và đương nhiên, đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau bằng tình yêu thương. Trước hết là tình yêu thương của gia gia đình và khi lớn lên, mỗi người sẽ tự đi tìm cho mình các thứ tình trên các mối liên hệ khác để cùng nhau làm ăn sanh sống. Cho nên 1 gia đình hay 1 cộng đồng, 1 quốc gia dân tộc nào cũng vậy, không thể làm khác đi được.

Vì có tìm được mối liên kết này, thì con người mới đảm bảo cho việc tồn tại và phát triển, còn ngược lại hoặc có ai đó tự cho mình có đủ tài, đủ sức không cần thiết lập nên các mối liên hệ với bất cứ ai, mà họ vẫn tồn tại được là không thể có việc đó bao giờ?.
Như lời Kinh viết:” Những thứ sanh ra trong trời đất, không thứ gì mà không được thân liền khắng khít nhau mà có thể tồn tại.Tuy rất cương cường, nhưng chưa có kẻ nào đứng được 1 mình, cho dù đấng trượng phu cũng hung, huống chi là kẻ nhu nhược”.

Tuy nhiên, lời Kinh cũng nói:”Tỷ cát, nguyên phệ, nguyên, vĩnh, trinh, vô cữu. Bất minh phương lai, hậu vô hung”. Có nghĩa: Đã có nhiều người sống với nhau thì phải thực sự đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau thì đời sống mới được phát triển tốt đẹp. Nhưng phải thận trọng xem mục đích qui tụ cùng nhau để làm gì, rồi sau đó mới tìm đối tượng để liên kết? Đây là 1 yêu cầu quan trọng trước khi thực hành liên kết với bất một cứ ai.

Tỷ như mục đích của ta dùng vào việc ích nước lợi dân, thì phải tìm những người thật lòng yêu nước, cần cho công việc làm ăn thì tìm những người có nhiệt huyết trong lãnh vực của mình làm ăn, cần tìm bạn để tâm tình, thì tìm những người tâm giao, tri kỷ v.v…Nói chung, ta có nhu cầu phát triển ở lãnh vực nào, thì phải tìm người trong lãnh vực đó mà liên kết.

Nhưng sự đoàn kết này, nhất thiết phải nhằm tạo ra lợi ích tốt đẹp chung thì mới đúng vào trọng tâm của đạo Tỷ này và nhất định sẽ được thành tựu. Còn để cùng nhau làm những việc tà mị, vì lợi ích cá nhân hoặc cùng nhau gây phương hại đến lợi ích cho mọi người, thì không thể thực hành đạo lý này được, vì sẽ thất bại to lớn vậy.

Và điều tiếp theo là phải thực hành 3 chuẩn tắc của đạo lý này, thì mới đem đến sự thành công và không bị thất bại hay ân hận sau này vậy.
Chuẩn tắc đầu là phải có đức Nguyên.
Nguyên có nghĩa: Việc trước hết thì người này phải là người có ý chí kiên cường, mạnh mẽ, lại có quyết tâm cao, có lập trường vững chắc, có bầu nhiệt huyết thật sự trong sáng, và họ là người thật sự có tài năng, đức độ trong lãnh vực mà mình liên kết.

Mặt khác, Nguyên còn là đức đầu tiên trong 4 đức của đạo trời(Càn), do đó Nguyên còn có nghĩa là đầu cả. Đầu cả có nghĩa là người đó trước hết phải có đức nhân, vì nhân, là người anh minh, bác lãm được mọi vấn đề. Hoặc đó là bậc Thánh nhân đang thi hành đạo lý của bậc Đế vương, của bậc Quân trưởng, của người lãnh đạo, của 1 vị lãnh tụ, là chủ nhân, là người trên trước, đạo cao đức trọng…

Nguyên đầu còn là Bậc trí nhân, đó là người chủ trì cho mọi việc nhân, việc thiện nếu mình tìm người để tôn thờ, phục vụ dưới quyền họ. Còn mình cần tìm người cộng tác dưới quyền, thì mình phải là người ở vị trí và có đức độ này, thì mới được mọi người tìm đến …

Chuẩn tắc thứ 2 là đức Vĩnh.
Vĩnh có nghĩa là lâu dài. Sau khi được liên kết chặt chẽ với nhau rồi, thì mối quan hệ này phải được nuôi dưỡng lâu dài; đồng cam cộng khổ, hoạn nạn có nhau, luôn trung thành, chung thuỷ, sống chết có nhau.

Chuẩn tắc thứ 3 là phải có đức Trinh.
Trinh có nghĩa là người thật sự chân chính và giữ được sự chân chính này một cách bền bỉ, không thay đổi vì mục tiêu, vì lợi ích chung. Đặc biệt, không lợi dụng chiêu bài đoàn kết, yêu thương nhau để lường gạt, trục lợi bất chính hay câu kết nhau xâm hại đến lợi ích của người khác.

Tóm lại, nếu biết suy tính đắn đo dựa theo 3 chuẩn tắc của đạo lý này, thì sẽ liên kết được với mọi người, thống nhất được thiên hạ, vạn sự đều được thành công. Còn lại, điều cần cân nhắc là: phải xem người nào có đủ 3 đức này thì mới liên kết, không hội đủ thì không gần.
Nhưng với điều kiện là mình cũng có đủ 3 đức này, thì mới nói đến việc liên kết cùng với mọi người được. Duy có khác nhau ở chổ: mình tìm người trên để phục vụ cống hiến, hay tìm người cộng sự, dưới quyền mình mà cân nhắc cho phù hợp.

khi ứng dụng đạo lý này, nếu là kẻ bề trên đi tìm sự liên kết cùng người dưới, thì người xưa gọi đó là” đạo cầu hiền”.Các bậc vĩ nhân từ cổ chí kim dựng thành đại nghiệp, tên tuổi được ghi vào sử sách đều là nhũng người thực hành rất tốt, rất đạt đạo lý nầy.

Còn người dưới muốn liên kết với người trên để được nương nhờ thì gọi là “Tìm chủ để thờ”,mà hình ảnh của câu ca dao” Chim khôn chọn cây lành mà đậu, tôi hiền tìm chủ thánh mà thờ”, đã nói lên hết ý nghĩa của đạo lý này. Ngoài ra khi đã liên kết nhau rồi, thì cũng phải cần tuân thủ những giai đoạn mà lý lẽ trong các hào đã có nêu ra, cũng như kịp thời ứng xử những tình huống bất lợi thường đưa tới.

Tỷ như hào sơ là giai đoạn mới bắt đầu liên kết, thì điều cốt lõi là 2 bên cần giữ cho nhau chữ tín, chứ không thể đòi hỏi gì hơn. Qua đến giai đoạn hào 2, thì cần phải ra sức hoàn thành tốt những việc của mình để chứng tỏ bãn lĩnh và thiện chí của mình, chớ chưa đến lúc phải cần đến lợi ích vội. Đến giai đoạn của hào 5 và thực hành tiêu chí của nó được, thì lợi ích lúc đó mới thực sự, tự nó tìm về cho dù ta không mong đợi v.v…

Tóm lại, trên đây chỉ đơn cử sơ lược 1 quẻ của Kinh dịch được phát triển ra thành 1 đạo lý, ứng dụng vào 1 lĩnh vực hành xử của con người, dựa trên các mối quan hệ thường ngày trong cuộc sống. Và lẽ tất nhiên, muốn thực hành đạo lý này cho thật tốt, thì phải hiểu và thực hành theo các đạo lý khác. Tỷ như muốn thực hành chử Tín, thì phải theo đạo lý của quẻ Phong trạch trung phù, muốn thực hành đức khiêm tốn thì phải học theo đạo lý của quẻ Địa sơn khiêm v.v…thì mới góp phần hoàn thiện được nhân cách…
…………………………………………………
Nói thêm về nghĩa biến dịch:
Xuất phát từ quan điểm của thuyết ”Thiên Địa vạn vật đồng nhất lý”, thì trong quá trình tồn tại và phát triển, mọi biến đổi của quy luật Vũ trụ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi con người. Ngược lại mọi hành vi vận động của con người cũng đều ảnh hưởng đến tiến trình vận động của quy luật Âm Dương, và con người phải đón nhận sự biến động này ở mọi lãnh vực của cuộc sống. Do đó, những hiện tượng của thiên tai, dịch hoạ, gây tang thương chết chóc cho con người đâu đâu cũng có, cũng như cuộc sống của con người luôn phải chịu sự hoạ phúc, thăng trầm luôn nối tiếp nhau, thì ai ai cũng gặp và còn người không có cách nào để thoát ra được.

Lý do là vì khí của âm dương luôn được vận hành theo quy luật, có thứ tự, thuận nghịch, có trên dưới, trước sau…Do đó, con người sống phải thuận theo thứ tự đó thì mới tồn tại và phát triển. Còn ngược lại cứ sống bừa theo bản năng không cần phải trái, chẳng biết đúng sai, là sống theo chiều ngược lại quy luật vận hành của nó và những người này phải bị trừng trị, hay sẽ bị nó huỷ diệt đi.

Về thực trạng này, tuy đã có 64 đạo lý trong Kinh Dịch được ứng dụng triển khai ra đều khắp dưới mọi hình thức, nhằm để giúp cho con người sống và hành xử sao cho thuận theo quy luật của tự nhiên. Nhưng đời sống của vũ trụ không phải lúc nào cũng thuận theo như vậy mãi, mà nó luôn luôn biến hóa, chuyển động thất thường. Và mỗi lần như vậy là nó phải kịp thời sản sinh ra nhiều quy luật khác, để cân bằng mà kết quả của nó đem đến cho đời sống của mỗi con người cũng không thể nào đo lường cho hết được. Vì vậy, nên Dịch mới còn có nghĩa thứ 2 là: Biến dịch.

Nếu ở nghĩa Bất dịch, chỉ dùng 64 quẻ để ứng dụng làm nguyên tắc sống cho 64 đạo lý trong xã hội loài người, thì ở nghĩa biến dịch cũng dùng 64 quẻ này phạm vi ứng dụng của nó còn bao gồm luôn tất cả các quy luật của âm dương, quy luật của ngũ hành thì mới có thể đo lường và tiên liệu được kết quả của mọi tình huống trong từng sự việc và trên từng lãnh vực của cuộc sống .

Sơ nét về phương pháp ứng dụng:

Phương pháp căn bản để ứng dụng nghĩa biến dịch là: dùng định luật thiên địa vạn vật đồng nhất lý làm phương tiện và dùng nguyên lý động, tịnh của âm dương vũ trụ làm cơ sở để biện lý. Và sau đó phải biện đến cùng thì lý sẽ tỏ thông, đã tỏ thông thì kết quả sự việc sẽ được phơi bày ra, ngay trong lý lẽ đó. Như lời Kinh viết :”Thiên địa vạn vật đồng nhất lý; âm dương là khí, động thì sẽ biến ra thành lý của sự việc mà hễ khí nào động thì sẽ biến ra lý ấy, lý nào động thì sẽ biến ra thành khí ấy. Cho nên hễ có khí ấy thì phải có lý ấy, có lý ấy thì phải có khí ấy vậy.

Vì muôn việc, muôn vật ở dưới gầm trời này cái gì không ở lý ấy mà ra ? Cái gì không ở âm dương mà ra ?”. Và ”Vật cùng thì biến, khí mãn thì khuynh. Cho nên vật đã động thì phải biến: dương cực biến thành âm, âm cực biến thành dương. Nhưng hễ biến chỗ này thì tụ chỗ khác, động chỗ này thì tịnh ở chỗ kia và tất cả đều do chữ cực, chữ động mà ra”.

Nhưng theo quy luật của tự nhiên trong trạng thái bình thường là vật cùng thì phải biến, và khi biến thì cũng sẽ biến theo quy luật của nó. Cụ thể như: khí của trời đất đang quá nóng thì lý của nó sẽ biến thành mưa, mưa gió đã cùng cực rồi thì tất cả sẽ biến về thể khí an tịnh, là trời quang mây tạnh. Tuy nhiên cũng thường khi khí của nó nóng cùng cực, nhưng lại biến thành lý của hạn hán thiêu đốt vạn vật mà không biến được thành mưa, cũng như mưa đã cùng cực, lại biến thành lũ lụt lớn v.v…

Còn trong hiện tượng đời sống: lúa giã thành gạo, gạo nấu thành cơm. Nếu chưa giã thì lúa còn nguyên lúa, gạo chưa nấu thì gạo còn nguyên gạo. Nhưng cũng có khi lúa giã thành tấm, gạo nấu thành cơm nhão, cơm khê…Hoặc con người hễ làm việc thiện thì lý của nó sẽ gặp được sự tốt lành, kẻ gian tà phải bị trừng phạt.
Nhưng lại cũng có khi người làm việc thiện, thì lý của nó lại biến thành tai hoạ liên miên, còn kẻ gian tà lại được cái lý là sống giàu sang, phú quý…Tất cả đều đó là do sự biến dời tráo trở của quy luật âm dương ? Cho nên khi biến động thì có khi nó biến thành sự tốt làm cho lòng người toại nguyện. Lại cũng thường khi nó biến thành sự xấu, làm cho con người đau khổ, buồn phiền mà đời sống cũng có lúc thành công, cũng có khi thất bại và được, mất, bại, thành luôn được nối tiếp nhau …

Dựa trên cơ sở này mà Dịch chia làm 2 giai đoạn để ứng dụng :

Giai đoạn thứ nhất là dùng 3 đồng tiền xưa để làm phương tiện truyền đạt tín hiệu, để mang từ trường của người bị động đến nơi được biến hoá, thông qua lực hấp dẫn từ trường của thiên địa và sau đó sẽ được nhận sự phản hồi bằng kết quả của sự việc.

Cụ thể là: bất cứ sự biến động nào mà con người thật sự quan tâm, phân vân, nan giải hay nghi hoặc, ngờ vực bất cứ việc gì, thì dùng 3 đồng tiền nắm trong tay giây lát, rồi tập trung tư tưởng cao độ vào sự việc này. Sau khi 3 đồng tiền nhận được tính hiệu của từ trường biến động nầy, thì sau đó cho từng đồng xuống khoảng không và rơi định vị xuống mặt một bằng nào đó để nhận sự phản hồi của thiên địa, thông qua việc 3 đồng tiền này nằm sấp hay ngửa mà quy nạp nó thành hào động hay tịnh của khí âm dương. Và mỗi quẻ dịch có 6 hào thì phải gieo 6 lần, tính từ dưới lên trên.

Điều cần lưu ý là: căn cứ vào nguyên lý ”vật cùng tắc biến” thì người đến hỏi phải thật sự bất an, việc phải thật sự nan giải, thật sự quan tâm cùng cực thì mới được xem là sự việc đã động. Vì có phát động thì mới biến ra kết quả được, còn không phải như vậy thì đó là trạng thái khí của nó còn an tịnh, hoặc mơ hồ động tịnh chưa phân thì tiên quyết sẽ không có biến hoá. Và tất cả những trạng thái khác, cũng đều không thể dùng được vì nó không phải là qui luật động, biến của âm dương.

Về nguyên tắc này, người xưa có dặn: ”Không có việc không hỏi, không bị ảnh hưởng không xem, không động lòng đến sự việc cũng không xem, việc không cần cũng không xem, không khác thường cũng không xem, xem chơi, hỏi thử cũng không xem…”.

Và chỉ được hỏi 1 lần cho 1 sự việc, dựa theo chuẩn tắc của quẻ Mông. Quẻ Mông là đạo lý của kẻ mờ tối, mông lung muốn được ánh sáng của Âm Dương thông qua trí tuệ của bậc hiền nhân soi sáng. Vì hệ từ quẻ Mông có viết:”Quẻ Mông hanh, chẳng phải ta tìm trẻ thơ mà trẻ đó tìm ta. Hỏi lần đầu ta đã bảo cho, nếu hỏi 2-3 lần là nhàm, ta không bảo. Lợi về sự “chính”. Có nghĩa sở dĩ người làm Dịch chỉ bảo thông suốt được cho người bị động là vì tinh thần của họ đang bị u tối, hoang mang và cũng do chính người đó tự tìm đến hỏi, chớ không phải người làm Dịch bảo họ đến xem.

Nhưng hỏi lần đầu thì lý tụ nên giảng giải rất tận tường, còn hỏi 2-3 lần thì người xem đã sanh ý tưởng nhàm chán, thì lý sẽ không còn tụ và người làm Dịch cũng không nên nói nữa. Và mọi việc đều phải dựa vào lợi ích chính đáng chung mà chỉ dạy, còn hỏi việc tà mị, bất nhân thì chớ có trả lời vậy.

Sang giai đoạn thứ 2.
Sau khi đã lập quẻ xong thì dùng tất cả mọi quy luật của âm dương, cộng với quy luật của ngũ hành để xem xét sự động tịnh của nó mà phân biện, chế hoá . Và chuyển sự động tịnh của nó từ thể khí, biến thành lý của sự việc như thế nào? Vì một khi Lý đã định rồi thì lời lẽ của sự việc cát, hung, hoạ, phúc đều nằm ngay ở bên trong. Như hệ từ Kinh Dịch nói:”Bát quái dĩ tượng cáo, hào tượng dĩ tình ngôn”. Có nghĩa là khi 8 quẻ đã định vị, thì đó là sự kiện vừa thông báo, vừa cảnh cáo cho con người bằng hình tượng của thiên nhiên, và hình tượng âm dương của mỗi hào sẽ nói rõ lý, tình của sự việc đang ẩn tàng ngay bên trong đó.

Còn để thông đạt lý thì trong chương động tịnh âm, dương biến đổi có nói :”Muốn thông đạt lý thì phải làu thông các quy luật của âm dương, sanh khắc của ngũ hành mà chế hoá như: động, tịnh, sanh. phò, cũng, hiệp, hình, xung, khắc, hại, tử, mộ, tuyệt, không; trong sanh có khắc, trong khắc có sanh, xung trung phùng hiệp, hiệp xứ phùng xung…rất nhiều thứ, đó gọi là lý. Phải luận cho đúng, mỗi loại là 1 lý, mỗi lý là 1 định luật không thay đổi.

Cho nên khi lặp quẻ xong, âm dương động biến đã định vị thì phải lấy từ đầu quẻ luận cho đến giữa, từ giữa luận cho đến chót thì mới thông đạt lý. Khi lý đã đạt, thì sự việc của lý ấy nằm ở bên trong”. Không như việc ứng khẩu phán đoán cát hung vô nguyên tắc, không lý lẽ của số người hành nghề mê tín dị đoan, làm mê hoặc lòng người vậy.

Sau cùng xin giới thiệu 2 quẻ đã lập thành:

Quẻ thứ nhất, được ghi trong Tả Truyện là sách lịch sử của Trung Quốc ghi:
Đời Tương Công năm thứ 9, Mục Khương là mẹ của Lỗ Thành Công thông gian cùng quan đại phu Kiều Như và đã cùng âm mưu phế bỏ ngôi vua của Thành Công. Sau khi việc bị bại lộ, Mục Khương bị nhốt vào lãnh cung bà muốn biết vận mệnh của mình ra sao nên xin được quẻ Thuần cấn, biến Trạch lôi tuỳ. Bà hỏi 1 vị quan nọ để tìm lý cát hung, ông xem xong bảo bà trốn đi nhưng bà cũng tinh thông Dịch nên nói:”Tôi là người phụ nữ không đủ tài đức lại chuốc lấy tội ác, làm việc có hại đến mình, loạn quốc hại dân làm sao không có tai hoạ được. Cho nên tôi đành phải chết tại đây thôi, làm sao có thể trốn được”.Về sau đúng như vậy.
Quẻ này được lập như sau:

Thế….O…… Dần….Quan Quỷ………… Mùi Huynh đệ
………X……. Tý……Thê tài…………….. Dần Tử tôn
………X……. Tuất…Huynh đệ………….. Hợi Thê tài
Ứng… O…….Thân…Tử tôn…………….. Thìn Huynh đệ
………//……..Ngọ… Phụ mẫu
………X……. Thìn…Huynh đệ……………Tý Thê tài
Luận giải: Quẻ cấn là núi nghĩa của nó là đình chỉ, bất động không chạy trốn được.Trong quẻ loạn động hết 5 hào, là việc rắc rối không thuận.
Mục Khương là nữ nên ở ngôi âm, nay hào thế của bà lại ở ngôi dương là bất chánh lại không được chỗ trung đó là người bất chánh, bất trung thì sẽ gây nên mầm ác. Nay lại phát động là đã gây nên điều bất trung, bất chánh này rồi vậy.

- Hào thế ở hào lục là bà đang ở ngôi cao cực địa, mà biến động thì sẽ phải đi xuống vậy.

- Hào ứng có thân kim tử tôn là vua Thành Công, con bà đang động đến khắc thế thì rõ ràng tai hoạ này là do con hình phạt mẹ, nên bà bị nhốt vào lãnh cung.

- Hào thế dần mộc hoá mùi thổ động hoá nhập mộ, mộ là lao ngục, là tự bà hành động đưa đến kết quả mình phải vào tù tội và chết trong lao ngục.

Quẻ thứ 2:

Có người đang làm máy che trên sân thượng, đến ngày lợp thì nghe đài khí tượng thủy văn báo khẩn là cơn bão số 7 đang kéo về thàng phố, với cường độ gió từ 200-300km/giờ. Đồng thời có kèm theo mưa to, trong 2 ngày tới và cảnh báo mọi người phải chằng chóng nhà cửa cho thật kỹ, bằng không thì sẽ không chịu nổi sức tàn phá của cơn bão này.

Người chủ nhà cùng người thầu nghe xong hoảng sợ và họ thống nhất nhau ngưng thi công lợp máy, chờ cho cơn bão đi qua. Vì tấm lợp bằng nhựa cao cấp, mỗi tấm lại có diện tích rất to, nếu đang thi công bị giông bão thì rất nguy hiểm và không thể thực hiện được?.

Có người am tường Dịch vội lần tay tính quẻ, xem cường độ và sức tàn phá của bão vào nơi nầy có nguy hiểm như đài đã cảnh báo không?
Tháng hợi, ngày kỷ mùi, giờ quí dậu. Được quẻ Sơn địa bác biến Khôn.

……..O…… Dần….Thê tài…….Dậu….Huynh đệ
Thế….//…….Tý……Tử tôn
……..//……..Tuất… Phụ mẫu
………//……..Mẹo…Thê tài
Ứng….//…….Tỵ…….Quan quỉ
………//……..Mùi….. Phụ mẩu

Đoán rằng: xem phong ba bão tố có tỵ hỏa quan quỉ trì lâm hào ứng, thì đài khí tượng cảnh báo có bão thật đúng không sai. Nhưng tỵ hỏa đang bị tuyệt, bị chơn không ở mùa đông lại còn bị nguyệt kiên xung phá, thì uy lực và sức tàn phá của nó sẽ không lo ngại như lời cảnh báo.

Xem bão kèm mưa to vào ngày thân dậu, thì mùi thổ phụ mẫu tuy lâm nhật thần nên quang cảnh bầu trời rất ảm đạm, như có bão dữ sắp kéo đến nơi. Nhưng mùi thổ lại an tịnh, bị hưu tù ở mùa đông, nguyên thần quan quỉ cũng an tịnh lại còn bị thương tổn nặng thì ngày thân dậu không thể có mưa to?

Duy có dần mộc thê tài sanh hiệp với nguyệt kiên, nhưng nhập mộ tại nhật thần lại động hóa dậu kim hồi đầu khắc trở lại, thì nó không thể đến khắc phụ mà cũng chẳng sanh được quan mà lại động hóa huynh, thì đó là cơn bão chỉ dừng lại quang cảnh mặt trời, mặt trăng bị mây cao che khất và gió nhẹ kéo mây bao phủ ngày đêm.

Đến ngày thân xung khai dần mộc, thì mặt trời sẽ xuất hiện và bão cũng dứt chớ không phải ngày thân dậu có mưa to như đã báo.

Sau quả y lời, không có giông bão mưa to nào cả mà chỉ thấy mấy ngày liền không có thấy mặt trời, mặt trăng vì gió mây giăng tứ phía. Sáng ngày thân đài khí tượng thông báo cơn bão đã suy yếu và tan biến dần vào lúc 2-3 giờ sáng nay.

Cho nên, ai đã làu thông và ứng dụng được Kinh Dịch vào đời sống thì có thể tự tin mà nói như Khương Tử Nha vào đời nhà Châu rằng: ”Tay áo đựng được càn khôn, cái bầu thâu được nhật nguyệt”.Thật vậy, vì trên họ thông được thiên văn, biết được các hiện tượng gió mưa, sấm chớp, lụt lội bao giờ đến, đến vào ngày tháng năm nào và khi nào nó sẽ đi!?

Dưới họ am tường được địa lý, giữa hiểu được sự thịnh suy, bĩ thái, được mất, bại thành của mọi sự việc trên thế gian này. Như lời cổ thư nói:“Âm dương bát quái định Càn Khôn, 6 hào thấu đáo việc như thần: trên đoán trời, dưới đoán đất, thiên hạ cát, hung điều hiện rõ”.

Trong thời đại ngày nay để tìm thấy người ứng dụng được hoàn toàn 2 nghĩa này của Kinh Dịch, thì riêng tôi chưa được thấy. Còn nếu chỉ ứng dụng nghĩa biến dịch này, thì thật sự tôi chỉ biết được 2 người. Đó là ngài Thiệu Vĩ Hoa cháu 29 đời của Thiệu Khang Tiết _ nhà triết học Phương Đông nổi tiếng thời nhà Tống. Hiện nay là tổng giám đốc trung tâm dự đoán Thiệu Vĩ Hoa của 3 thành phố lớn ở Trung Quốc, là thành viên hội Dịch học quốc tế được nhà nước Trung Quốc xếp ông vào hàng danh nhân đương đại của Trung Quốc. Sách ông viết để ứng dụng nghĩa biến dịch này, được bày bán trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam chúng ta.

Sách của ông dịch ra từ bố cục cho đến từ ngữ rất dễ coi, dễ hiểu theo thời đại ngày nay. Nhưng nếu để nghiên cứu, học tập thì còn thiếu vài chương, nhưng rất cực kỳ quan trọng và tất cả những văn tự cổ, quí giá của sách ông viết ra cũng chỉ trích tản mạn có vài đọan. Điều đó cũng có nghĩa là người học chỉ biết những điều mà ông đã diễn dịch, chớ không còn cơ sở nào để nghiên cứu để phát triển thêm, hiểu biết thêm nữa được.

Còn một vị,1995 tôi nghe người miền Tây tôn ông thầy Tư Luỹ là Thánh sống ở vùng 7 núi, vì ông đã dùng Dịch nói đâu là trúng đó. Đến năm 1998 tôi mới được gặp ông, hiện ông ngoài 90 tuổi và hiện đang là cố vấn đặc biệt cho vài công ty lớn ở TPHCM. Ông xuất thân là 1 tu sĩ, do là môn đồ thứ nhì của vị giáo chủ của 1 tôn giáo ở miền Tây. Và hiện nay ông vẫn còn rất khỏe mạnh.

Sau bài viết này hy vọng mọi người sẽ có một khái niệm cơ bản, đúng về Kinh Dịch cũng như ứng dụng được vào đời sống. Đặc biệt nhất là đối với những người có nhiệt tâm, lòng đam mê yêu thích môn học này. Qua đây cũng rất mong được giao lưu, học tập cùng với những bậc cao minh, bác lãm trong lãnh vực này của Kinh dịch. Vì đây là kho tàng tri thức quý, là “túi khôn” mà Thánh nhân đã ban tặng cho mỗi con người.
Trân trọng lắm thay!


Mùa Đông năm Đinh hợi năm 2007.

transi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét