Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

ĐÔNG Y MỘT ĐIỂM SON ỨNG DỤNH TỪ KINH DỊCH


(Bài trong đặc san 2002 có hệ thống lại và đăng trên Diễn đàn văn hóa phương đông)

CẤU TRÚC ĐÔNG Y Vì SỨC KHOẺ CON NGƯỜI

Nền học thuật Đông y là một ngành khoa học nhằm để chăm lo sức khỏe cho mọi tầng lớp người, cùng với hệ thống tri thức được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống và đã có bề dày lịch sử cùng với con người từ đời thượng cổ đặc biệt là các dân tộc Á Đông.

Đối với dân tộc Việt Nam vai trò của Đông y được khẳng định như lời của vị lãnh đạo cao cấp của Đảng đã nói: “ Từ khi có dân tộc Việt Nam, là có nền học thuật Đông y hiện diện…Dân tộc ta tồn tại và phát triển được như ngày nay, Đông y đóng góp một vai trò quan trọng. Đông y phát triển là nguồn hạnh phúc cho con người…Đông y gắn liền với sự tồn tại của đất nước. Khi Tây y phát triển thì Đông y cũng không thể không phát triển.”

Đạt được thành quả này ngành Đông y từ sơ khai đã biết xây dựng cho mình một cấu trúc học thuật khoa học có cơ sở lý luận, chỉ đạo xuyên suốt từ phòng bệnh đến chữa bệnh và đã góp phần quan trọng mang lại cuộc sống tươi vui hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Cấu trúc ấy được trang bị căn bản trên 4 lãnh vực sau:

LẤY TRIẾT HỌC Á ĐÔNG LÀM CHỦ ĐẠO TRONG Y HỌC.

Đó là vì nền triết học này đã trang bị cho con người từ thuở sơ khai một vũ trụ quan, một nhân sinh quan rất tòan diện trong thế giới vạn vật. Từ đó con người mới hiểu được các nguyên lý vận hành, cấu tạo nên vũ trụ cũng như đời sống của vạn vật muôn lòai mà 2 động lực khí của vũ trụ là âm dương đã nói lên tận tường chân lý ấy.

Âm dương là một hàm số triết học bao gồm các qui luật vận hành, biến hóa khí chất của vũ trụ để sản sinh ra đời sống của vạn vật muôn loài và chính nó cũng đã hình thành nên mối liên hệ chi phối toàn diện đối với sự tồn tại của đời sống vạn vật.

Từ đó âm dương được xem là qui luật của vũ trụ, là kỷ cương của vạn vật, là nguồn gốc của mọi sự biến hóa, là gốc rễ, cội nguồn của sự sinh trưởng và hủy diệt đối với đời sống vạn vật…Cho nên mọi sự vận động của nó đã trở thành nguyên lý khởi nguồn cho vạn vật, vạn sự mà bên trong bao trùm lên một phạm trù rộng lớn nhưng cũng khái quát được tính chất phổ biến của muôn loài do chính nó sanh hóa ra. 

Nhưng muốn phân tích cho tận tường, kỷ lý thì cần phải luận cùng với học thuyết của ngũ hành mới mô tả hết được.

Học thuyết ngũ hành là sự phân tích lý giải mọi cấu trúc, hình thành và phát triển nên của đời sống sự vật, đem nó về yếu tố khởi nguyên cùng với những tính chất riêng biệt của từng loài thông qua 2 vận động lớn của nó là tương sanh cùng với tương khắc.

Từ đó hễ nói đến qui luật của âm dương là phải nói đến qui luật của ngũ hành để ứng dụng, lý giải mọi hiện tượng của tự nhiên và đời sống của vạn vật.

Dựa theo lý giải này, sự sống con người cũng là một vật thể do bẩm thụ khí chất của âm dương trời đất tạo thành. Nhưng con người là vốn quí, là tinh hoa của trời đất cho nên cấu tạo về tâm thể được kết nối tương thông chặc chẽ, cùng một qui luật vận động với âm dương trời đất. Vì thế nên từ lúc chào đời, con người đã có các tổ chức nội tạng bên trong cùng tính cách hành xử bên ngoài đã chứng minh đều ấy. Đại loại như:

-Nếu trời (Hàm số khoảng không) ở trên, chủ sanh, chủ sáng, chủ động… mang tính chất của thể dương cương (-),Đất ở dưới chủ sát, chủ tối, chủ tịnh… mang tính chất của thể âm nhu (--), thì con người nam giới và nữ giới đều mang đầy đủ khí chất này. Đó là khí chất của con người và âm dương trời đất tương thông.

-Nếu âm dương trời đất vận hành tạo ra 5 nguyên tố cơ bản là Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ thì nội tạng con người có Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận là các chất căn bản tương thông.

-Nếu khí của trời có phong, nhiệt, thấp, táo, hàn ; đất có các chất đắng, cay, chua, ngọt, mặn ; thì con người cũng có giận, vui, buồn, nghĩ, sợ là cái tình của trời đất và con người tương thông.

-Nếu trời đất có thái dương, thái âm hợp nhau, ngày đêm xoay xoã, hoà quyện cùng nhau để sinh thành, dưỡng nuôi vạn vật… thì con người có nam nữ vợ chồng phối ngẫu, sinh con đẻ cái và cùng nhau nuôi dưỡng con cái nên người; bên trong nội tạng lại có thái dương tâm hoả làm chủ nhiệt khí, chủ vận hành huyết mạch… một mặt cùng thái âm thận thuỷ tành chứa tính khí, chủ thông điều thuỷ đạo để sanh hoá nuôi dưỡng toàn thân. Mặt khác tâm hoả còn là chủ thần chí, vui mừng khoái lạc, hợp cùng thận thuỷ chủ sanh tinh và hệ sinh dục kết hợp nhau sanh hoá giống nòi. Là hệ sanh hoá tương thông.

-Trời có thiếu dương lớn lên ở mùa xuân và buổi sáng trong ngày để khởi đầu cho một chu kỳ hoạt động, thì con người có nam giới ở độ tuổi thanh xuân đang tràn đầy năng lực hoạt động, bên trong tạng phủ có có thiếu dương đang lớn ở tạng can chủ quản gân cơ, làm chủ hệ vận động toàn cơ thể. Là động lực hoạt động con người và trời đất tương thông.

-Đất có thiếu âm lớn lên vào mùa thu và buổi tối trong ngày, để khởi đầu cho tiến trình vận động khí hoá của trời đất sắp hoàn thành, thu liểm lại để vận hoá, thì con người có nữ giới đang ở độ tuổi thanh xuân chủ thu nạp thành quả hoạt động của tráng niên để chế biến, phục vụ cho đời sống và sanh sản giống nòi. 

Còn bên trong cơ thể con người có thiếu âm lớn lên ở tạng phế chủ hô hấp thu nạp khí trời cùng với tỳ thổ chủ thu nạp vận hoá, tiết xuất vật chất là năng lực thu nạp vận hoá cùng trời đất tương thông.

-Nếu trời có thái dương, đất có thái âm cùng vận hành nói lên sự tương tác của hai thế lực lớn đối lập, mâu thuẫn nhau nhưng cũng lại là nguồn gốc của mọi sự tiến hoá theo khuôn mẫu lý nào thì khí ấy, khí nào thì lý ấy… Con người có nam giới bẩm thụ khí chất của trời, nên từ thể chất cho đến tinh thần, đến mọi hành vi ứng xử trên mọi lãnh vực trong cuộc sống, đều mang đầy đủ nguyên lý vận động của thể dương cương thuộc tính chất của trời.

Nữ giới bẩm thụ khí chất của đất, nên mọi hành vi vận động của tâm thể đều mang đầy đủ nguyên lý vận động của thể âm nhu, đối lập, mâu thuẫn lại nam giới là thể dương cương, là nguyên lý vận động tương tác của trời, đất cùng con người nam, nữ tương thông.

-Nếu gọi hàm số âm dương là khí chất của bản thể vũ trụ chưa thành, hàm số triết học ngũ hành là khí chất của bản thể vũ trụ đã thành, và vận hành bằng nhiều quy luật tương tác mà căn bản là vận động tương sanh, tương khắc, thì con người bên trong có 5 tạng chủ yếu tâm, can, tỳ, phế, thận ; bên ngoài cuộc sống có 5 mối quan hệ là phụ mẫu, huynh đệ, quan quỷ, tử tôn, thê tài. Mỗi tạng bên trong hay mối quan hệ bên ngoài đều mang hai quy luật vận động lớn này.

Bên ngoài giúp con người thuận lợi để hoạt động cung cấp nhu cầu ăn uống cho cơ thể, (làm việc), bên trong giúp cho cơ thể tiếp nhận nguồn năng lượng này (ăn uống) để nuôi dưỡng, khí chất cơ thể nhằm duy trì và phát triển sự sống. Vì vậy cả bên trong, bên ngoài đều có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời nhau là 5 vận động của ngũ hành sanh khắc con người và trời đất tương thông.

-Nếu trời có 3 bảo vật là nhật, nguyệt, tinh ; đất có 3 bảo vật là thuỷ, hoả, phong để làm nguồn dưỡng mệnh thì con người cũng có 3 bảo vật là tinh, khí, thần là 3 bảo vật của con người cùng trời đất tương thông…

Qua các mối liên hệ tương thông căn bản này cho thấy, mọi mặt họat động của con người không những không thể tách rời được các quy luật vận động của cỗ máy âm dương mà ngược lại còn bị lực hấp dẫn này thu hút chặt xung quanh mặt đất và chi phối toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của tâm thể từ lúc con người mới mở mắt chào đời cho đến ngày chấm dứt cuộc sống.

Dựa trên những lý giải đặc thù này của triết học, cổ nhân đã dùng nó làm nền tảng, làm tôn chỉ để cấu tạo nên ngành học thuật Đông Y cũng như dùng nó để chỉ đạo mọi tình huống rắc rối, phức tạp trong y lý, y thuật trên thực tế lâm sàng và ngành Đông Y cũng nhờ đó mà luôn tồn tại, luôn phát triển mà không sợ mất đi định hướng.

Cổ nhân gọi đây là con đường lớn, căn bản cho một người làm thuốc là phải đi qua ( Y đạo)

Y LÝ Y THUẬT
Dựa theo lý giải của triết học, âm dương vũ trụ là một cỗ máy của tự nhiên và qui luật vận hành của nó cũng theo lẽ đương nhiên để sanh hóa ra muôn loài vạn vật và vạn vật được sanh hóa ra từ khí chất cho đến qui luật vận động cũng đều đương nhiên tuân theo khuôn khổ này của nó.

Tuy nhiên, dù là thiên nhiên vũ trụ hay đời sống của muôn loài, trong quá trình vận động để tồn tại cũng không làm sao tránh khỏi những thời điểm trục trặc bất thường về qui luật vận động. Nhưng đối với thiên nhiên, khi gặp tình trạng này thì khả năng của nó sẽ tự điều chỉnh để cân bằng ngay trạng thái ấy, do nguồn sinh lực của bản thể vũ trụ lúc nào cũng viên mãn tròn đầy.

Còn đối với đời sống con người, sức khoẻ chỉ có trong điều kiện chính khí của cơ thể cũng được viên mãn tròn đầy thì mới có khả năng cân bằng được trạng thái ấy. Còn ngược lại chính khí bị hao mòn, âm dương thiêng lệch thì khả năng này sẽ bị suy giảm, và bệnh tật sẽ hình thành đe doạ đến sự sống.

Xuất phát từ lí giải đặc thù này mà ngành Đông y từ đời thượng cổ đã nỗ lực ứng dụng quy luật này của cỗ máy âm dương để ngành đông y xây dựng nên một hệ thống lí luận cụ thể và chặt chẽ bằng nhiều phương pháp, trong nhiều lĩnh vực chẩn đoán, trị liệu cũng như phòng ngừa bệnh tật. Lấy mục tiêu điều chỉnh cân bằng trạng thái âm dương làm căn bản, làm yếu tố tích cực cho sức khoẻ, lấy sự thiên lệch của âm dương làm yếu tố tiêu cực có hại cho sức khoẻ.

Ngoài ra, ngành Đông y còn ứng dụng nó vào y lí, y thuật để phân tích nhận dạng nguyên nhân cũng như cơ chế phát triển bệnh, lấy đó làm cơ sở chỉ đạo lâm sàng khắc phục mọi thiên lệch thái quá hay bất cập của âm dương bên trong cơ thể.

Tuy nhiên, đó cũng là giải pháp tiêu cực, còn giải pháp tích cực đặc thù của Đông y là: “không chữa một bệnh nào, nhưng không bệnh nào mà không chữa” nhằm điều trị bệnh tật trước khi nó đe doạ đến sức khoẻ con người.

Như trên đã nói: con người là tinh hoa của vạn vật, do đất trời sinh ra. Cho nên đầu của con người được hướng lên, khác với loài động vật bị ngang đầu, cũng như loài thực vật bị sống lộn ngược đầu xuống đất. Vì thế con người có đặc quyền hơn, là được suy nghĩ, phân rành phải trái, thấy rõ đúng sai và hành động độc lập nhưng phải theo lí lẽ của trời, nhằm khống chế lại bản năng sinh vật để con người góp phần cùng trời đất thống trị vạn vật, cân bằng sinh thái, tô điểm cho vẻ đẹp của thiên nhiên.

Cho nên con người cần phải biết, phải hiểu mối quan hệ mật thíêt này để xây dựng một quy luật hoạt động thuận theo lẽ phải một cách tích cực, lành mạnh, phù hợp với qui luật âm dương và biến hoá của ngũ hành. 

Điều này sẽ giúp cho con người thành công trên các mối quan hệ làm ăn sinh sống bên ngoài, và trực tiếp làm cho bộ máy tạng phủ của cơ thể được cân bằng, không bị nhiễu loạn bởi tình chí tác động. Đó cũng là yếu tố căn bản để chính khí của con người vững mạnh, mà bệnh tật không có chỗ để chen vào.

Ngược lại, con người lạm dụng mình có quyền suy nghĩ và hành động riêng, hành xử bừa bãi trên các mối quan hệ, vặn tròn phải trái đảo ngược đúng sai, làm đảo lộn các mối quan hệ thì âm dương tạng phủ sẽ bị thiên lệch, chính khí sẽ hao mòn và bệnh tật sẽ phát sinh. 

Ngoài ra, hành xử theo chiều tiêu cực thì con người phải nhận lấy hai nguy cơ: Bị thất bại trên các mối quan hệ làm ăn sinh sống và nguy cơ bệnh tật ào ạt tiến vào. Một khi các mối quan hệ bên ngoài bị phá vỡ, thì cuộc sống sẽ gặp phải trở ngại khó khăn và đói nghèo bệnh tật sẽ xảy đến. Lúc này tình chí con người bị bức bách, mà sanh ra đau khổ buồn rầu, mà buồn rầu sẽ hại đến công năng vận hành của phế khí, phế khí mất tuyên thông thì con người sẽ xuất hiện bệnh ở đường hô hấp, vì khí uất. Do bị thất bại trên các mối quan hệ nên con người phải ngày đêm lo nghĩ, mà lo nghĩ sẽ làm mất chức năng thu nạp và vận hoá của tỳ, làm bệnh cho con người ở đường tiêu hoá..v.v.. và ..v.v..

Ngoài ra, việc sinh hoạt ăn ở không lành mạnh, thái quá hay bất cập, như dầm sương dãi nắng bất luận đêm ngày, tạo cơ hội cho tứ thời bất chính chi khí len vào, cộng với bên trong chính khí rời rạc thì bệnh tật sẽ phát sinh. Đó là cái quả mà con người phải nhận do hành động chủ quan không theo khuôn mẫu tích cực của âm dương vũ trụ.

Nắm bắt được nguy cơ này, trong phạm trù y học ngành Đông y luôn đề cao và cổ vũ cho mọi người hành xử trên các mối quan hệ bên ngoài lành mạnh theo nguyên lý tích cực của quy luật tự nhiên, giúp cho các mối quan hệ làm ăn được trọn vẹn, đời sống được ấm no, bên trong chính khí được sung túc, dù họ có gặp phải tứ thời bất chánh chi khí do biến động của quy luật âm dương trong nhất thời cũng không thể nào gây tổn thương cho sức khoẻ được.

Cho nên trong trạng thái bình thường ngàng Đông y luôn cổ vũ mọi người thường xuyên tập luyện cơ thể, điều chỉnh những khiếm khuyết trong sinh hoạt thường ngày, làm khí huyết được lưu thông, bảo tồn sức khoẻ để sống hết tuổi trời trong yên vui hạnh phúc. Do đó y thuật dưỡng sinh của Đông y được chú trọng hàng đầu, xem nó là phương pháp chữa bệnh khi bệnh còn ở từ xa. Đó cũng là điểm độc đáo và cũng là giải pháp tích cực của ngành đông y. Còn khi bệnh tật đã thành thì y thuật chữa bệnh cũng có mặt nhưng đó là giải pháp tiêu cực không vẹn toàn. Vì mục tiêu xuất hiện của ngành đông y là: không muốn nhìn thấy con người đau khổ vì bệnh tật, chứ không phải chờ con người bị bệnh tật mới xây dựng nên ngành y học này để chữa trị.
Nghệ thuật trong y học.

Ngành đông y là một tiểu đạo. Tiểu đạo là vì chỉ có một số ít người trong cộng đồng là họ phải đi qua. Nhưng Đông y là ngành đã nắm bắt được qui luật vận hành, biến chuyển của âm dương vũ trụ đã ứng dụng một cách chuẩn xác vào trong y học để lo cho sức khoẻ của mọi người, thông qua các qui luật vận hành biến hoá của âm dương. Cho nên những y gia xuất chúng của ngành đều có một nhân sinh quan về sự sống con người hết sức rạch ròi, lành mạnh. Vì mọi hành vi tâm thể của họ đều thuận theo vòng sanh hoá tích cực của qui luật âm dương, trong y học cũng như trong đời sống trên các mối quan hệ cùng với mọi người.

-Trong y học, họ luôn thực hành và khuyến khích, hướng dẫn mọi người thực hiện phương châm phò chánh khí ngăn trở tà khí ( phò chánh khu tà) bằng rèn luyện thân thể, tịnh dưỡng tinh thần, sinh hoạt ăn ở lành mạnh, điều độ, thích nghi với khí hậu 4 mùa, để nuôi dưỡng bảo tồn chân khí, giúp cho tạng phủ được vận hoá nhịp nhàng cùng quy luật tự nhiên nhằm tăng cường sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật. 

Còn khi chính khí đã bị hao mòn, tạng phủ bị rối loạn, âm dương khí chất cơ thể bị thiên lệch, bệnh tật phát sinh, thì phải dùng y thuật để điều chỉnh, cân bằng: Nếu âm dương thái quá thì khu tà, nếu âm dương bất cập thì ôn bổ, khuôn phò chính khí. Dựa trên quy luật cân bằng sinh thái của âm dương: “ Thái quá dã tổn chi tư thành, bất cập dã ích chi tắc lợi”, thì trật tự sẽ được vãn hồi, bệnh tật sẽ dần dà bình phục.

- Về mặt xã hội thì luôn nêu cao tính tận tuỵ, trung thành chánh trực; vì nhân mà đến, vì nghĩa mà làm, hễ nói là có, hễ làm là được, từ đó nghĩa lợi được khắng khít cùng nhau và các mối quan hệ bên ngoài đều thuận, đặc biệt là quan hệ với bệnh nhân. Thêm nữa họ cũng động viên mọi người nỗ lực làm theo việc đúng, việc phải đề cao tính nhân nghĩa hội nhập vào khuôn khổ của pháp luật, trật tự kỉ cương xã hội, cũng như khuyến khích mọi người thực hành tín ngưỡng theo các tôn giáo lớn có truyền thống nhân bản lâu đời. Đó là những khuôn khổ để hướng mọi người thuận theo vòng sinh hoá tích cực của âm dương, trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống.

- Đối với bệnh nhân, lĩnh vực này còn có ý nghĩa khác, liên quan mật thiết đến tiến trình điều trị của người bệnh mà Đông y gọi đó là yếu tố tình chí là một yếu tố mà con người thường dễ buông lơi, đi đến thái quá mỗi khi được thành công hay thất bại lớn trong cuộc sống. Một khi yếu tố này bị buông thả, nó sẽ làm rối loạn các chức năng tạng phủ, làm thiên lệch khí chất âm dương, làm đầu mối sanh ra nhiều bệnh tật.

Cơ thể con người, một khi chính khí bị tổn thương, tuy đã được chữa trị tích cực nhưng thiếu sự hướng dẫn, giúp đỡ để bệnh nhân ổn định yếu tố này thì có điều trị tích cực đến đâu cũng khó triệt tiêu được mầm móng bệnh. Còn ngược lại người bệnh sẽ cảm thấy lạc quan, yên lòng chữa trị và kết quả mang lại rất tích cực,sức khoẻ sẽ được nhanh chóng phục hồi.

Do đó, đặc trưng ưu việt trong y thuật chữa bệnh của Đông y là: chữa trị toàn diện cho người bệnh từ thể chất đến tinh thần, vì hai yếu tố này liên hệ ảnh hưởng trực tiếp nhau. Cho nên, người thầy thuốc Đông y không những họ giỏi về chuyên môn y học, mà họ còn giỏi về chuyên môn xử thế, do được trang bị quy luật muôn đời này của bộ máy âm dương.


Y Tâm, Y Đức Trong Y Học

Cổ nhân xưa thường dạy: Thuở tiên thiên khi trời đất chưa thành Vũ trụ này là một bầu hỗn độn mà bên trong chỉ tồn tại 2 khí âm dương trà trộn vào nhau. Đến một chu kì nhất định, hai khí này bỗng nhiên phát động khí nhẹ bay lên làm trời. Sau 10.800 năm thì khí nặng mới lắng xuống hoàn toàn làm đất. Khi trời đất định vị thì có nhật nguyệt âm dương, ngày đêm vận hành biến hoá và sản sinh ra cỏ cây côn trùng, chim muông cầm thú. Tính ra cũng hết một chu kì 10.800 năm thì con người mới bắt đầu xuất hiện…

Vì vậy con người chính là tinh hoa của vạn vật sau quá trình thăng tiến do trời đất sanh ra. Vì thế nên con người có tư duy sâu sắc, có hành động độc lập cùng với trời đất, góp phần làm hiển dương chân lý của vũ trụ và dự phần vào việc an bài số phận của vạn vật, mà vạn vật không làm gì được đối với con người, cũng như con người không thể làm được gì đối với âm dương trời đất. (” Nhật thương hào( vạn vật) chơn la kỳ hoạ, hào thương nhật( trời) đồ thọ kì danh”). Nếu có thì cũng chỉ là danh gọi, còn thực sự là không thể làm gì.

Bởi âm dương trời đất là 1 cỗ máy vô tình, được sanh ra từ bản thể vũ trụ mà bản thể này không ai hiểu nó có từ bao giờ và nguồn gốc của nó cũng không ai được tường tận. Chỉ biết từ thời cổ đại con người thấy nó hiện diện một cách tự nhiên, hoạt động một cách đương nhiên, mà bản chất thì rất thường thanh thường tịnh, không tiếng không hơi, không màu không sắc, không thiện không ác, không chính không tà, không thêm không bớt, không diệt không sanh… và cứ như có, như không, như còn như mất, nhưng lại trường cửu đời đời, vững bền tuyệt đối. 

Lúc bình thường thì như như tịch tịnh, lúc vận hành thì phân chia bản thể của mình ra đi sanh trời, sanh đất cùng vạn vật muôn loài mà nó vẫn không bị hao mòn hay thêm bớt…
Từ đó con người mới biết, gọi tên đó là âm dương, một động lực khí chất của vũ trụ và nó vận hành để huy động, phân chia khí chất từ lòng bản thể vũ trụ ra để trực tiếp sanh hoá ra muôn loài vạn vật.

Tuy nhiên, một khi động lực đó đi vào hoạt động, thì tiến trình này cũng là tiến trình phân cực, chia cắt tính nguyên vẹn của bản thể, hình thành nên hai thế lực tương phản, đối kháng quyết liệt nhau. Cho nên từ bản chất thường thanh thường tịnh, nay trở thành thường **c thường động, từ không tiếng không hơi nay trở thành có tiếng có hơi, từ không phải không trái nay có trái có phải… có chánh có tà, có thiện có ác, có sanh có diệt.v.v.. trong đời sống vạn vật.

Nhưng nó lại là một động lực mang sự tròn đầy viên mãn của bản thể vũ trụ, làm hạt nhân khởi đầu cho tiến trình tạo dựng thế giới hữu hình. Vì vậy, dù bị chia cắt nhưng tiến trình này vẫn được tiến triển thuận lợi, thông suốt mà vạn vật cũng được nối tiếp nhau trường cửu đời đời.

Đó là quá trình tạo dựng của quy luật tự nhiên, thì đương nhiên nó phải là như vậy. Nhưng đối với đời sống con người thì đó lại là một tiến trình tạo dựng nên một thứ tình sâu nặng. Cũng vì đem lại lợi ích cho sự sống vạn vật, mà nó phải hy sinh chia cắt bản thể mình ra để dựng trời tạo đất, cùng sự sống của vạn vật muôn loài. Cho nên từ đời cổ đại nó được con người xem đó là chân lý tối thượng cao cả, đứng đầu mọi chân lý sống của cả muôn loài.

Vì vậy con người đã đưa hình ảnh này hiện diện trên tất cả các phạm trù của thiên nhiên cũng như đời sống bằng nhiều phương diện, trạng thái và tên gọi khác nhau, nhằm giúp cho mọi người chuẩn mực hoá hành vi và tư tưởng của mình trên tất cả các phạm trù của cuộc sống.

Gọi đó là Âm Dương.
Âm dương là một hàm số triết học để lí giải động lực khí chất của bản thể vũ trụ đang đi vào hoạt động, tạo dựng nên thế giới vạn vật và lồng bản thể vũ trụ vào trong vạn vật. Tiến trình này nó cũng đã tự phân chia bản thể ra thành 2 thái cực tương phản đối kháng nhau trong lòng vạn vật, nhưng nó cũng lại là một quá trình tương tác để giữ gìn cho vật thể được tồn tại và phát triển, thăng tiến không ngừng.

Gọi đó là trời đất. 
Trời là một hàm số lí giải về khoảng không bao la, là nơi tàng chứa khí chất tiên thiên, cũng như dương khí, nhiệt khí của hậu thiên do hoạt lực khí chất dương cương của bản thể tạo thành. 

Đất là một hàm số lí giải sự sống của quả địa cầu là nơi tàng chứa khí chất hữu hình, cũng như âm khí, hàn khí do hoạt lực khí chất âm nhu của bản thể vũ trụ lắng xuống tạo thành. Từ đó còn gọi trời là cha của vạn vật và đất là mẹ của muôn loài…

Gọi đó là Thượng Đế.
Hàm số này nhằm lí giải trên khoảng không bao la, có một uy lực dũng mãnh, phi thường được sanh ra từ bản thể vũ trụ, tạo nên một uy quyền tối thượng, để cai quản điều hành sự cân bằng của trạng thái tự nhiên, cũng như sự cân bằng sinh thái của đời sống vạn vật, giúp cho thế giới vạn vật được sống trong thanh bình, an lạc. Uy quyền nầy vượt lên trên mọi uy quyền và thế lực của thế gian.

Gọi đó là Bậc Chí Tôn là Đấng Tạo Hoá.
Các hàm số này được lí giải trên khoảng không bao la kia còn có sự hiện diện của bản thể vũ trụ, là nơi tàng chứa một năng lực biến hóa vô cùng tận để tạo dựng nên thế giới hữu hình, cho đời sống của muôn loài vạn vật mà vẫn đảm bảo tuyệt đối tính độc lập, kỉ cương, trật tự của vạn vật cho dù đó là vô tình hay hữu tình, vô hình hay hữu hình…Loài nào theo loài ấy, giống nào theo giống ấy, dựa theo năng lực tiến hoá của mỗi loài mà không hề lang chạ và đều có một đời sống riêng cho nên con người không thể sinh ra côn trùng thảo mộc, cầm thú không thể sinh ra con người, cây xoài không thể sinh ra trái ớt.v.v…Và quyền năng tạo dựng này cũng có danh gọi là bật chí tôn cao cả của thế giới vạn vật vậy.

Gọi đó là Quỉ Thần
Là hàm số trực chỉ trên khoản không bao la kia còn có 1 uy lực khác, có chức năng thưởng phạt rất công minh. Nhằm mục tiêu là để cân bằng sinh thái, bảo vệ sự tồn tại và phát triển của đời sống vũ trụ cũng như đời sống của vạn vật muôn loài.
Do vậy mà nó có toàn quyền trừng phạt hay hủy diệt đi mọi thế lực nào làm xáo trộn, đe dọa đến đời sống vạn vật , đi ngược lại qui luật vận hành của vũ trụ nên có danh xưng là Quỉ.
Ngược lại nó sẽ ban phát ơn huệ xứng đáng cho bất cứ ai đã có công bảo tồn, phát huy phát triển đời sống vạn vật, thuận theo qui luật vận hành, biến hóa của âm dương và có danh hiệu là Thần.

Gọi đó là các bậc Phật Thánh Tiên.
Đây là một hàm số triết học của các tôn giáo chân chính cũng như Chân Nhân là hàm số trong y học Đông y. Các hàm số này bao gồm những con người đã thành công và tiêu biểu nhất trong đời sống vì họ là những người đã hành xử tuyệt đối tuân theo quy luật của chân lí vũ trụ và đã hội nhập được vào lòng bản thể vũ trụ, được tiêu diêu tự tại vui cùng cảnh vật của thiên nhiên.

Vì thế họ đã thành công về mọi mặt, xa rời được vòng kiềm toả phân cực của âm dương, cũng như những đều sai trái, khổ đau của thế tục. Cho nên đức của họ cao hơn trời mà cũng không trái, cao hơn mọi người mà cũng chẵng hề sai. Họ nói là có, họ làm là được vì đức độ của họ đã được tròn đầy hòa cùng bản thể, làm hiển dương chân lí và thọ hưởng cuộc sống an nhàn của chân hạnh phúc, mà cũng là đỉnh cao cho cả loài người cùng vươn tới, noi theo.
Tuy nhiên, cho dù những người này được hội nhập vào chân lý bản thể, nhưng là con người, cho nên đối với nhân loại họ luôn thể hiện cái tình của chân lí bản thể vũ trụ là rất mực yêu thương đời sống con người. Nhưng vì không còn duyên với thế tục nên họ thường lập ra chủ thuyết hình thành những tôn giáo, dựa theo đặc điểm tín ngưỡng để cổ vũ mọi người cùng đi theo chiều thuận, vòng đúng của quy luật tự nhiên, nhằm đưa con người đến sự an lành, thảnh thơi trong cuộc sống.

Đó là hàm số của pháp luật Quốc gia. 
Vì hàm số này bao gồm những điều lệ để đưa con người cùng vào 1 khuôn khổ nghiêm ngặt, buộc mọi người sống là phải có kỷ cương, tôn ti trật tự, qui tắc của xã hội cũng là để thuận theo vòng sinh hoá của qui luật tự nhiên. Và mục tiêu cũng là làm cho con người yêu thương gắn bó nhau, làm lành mạnh hoá các mối quan hệ, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngoài ra nó còn thể hiện bằng nhiều từ ngữ khác, trên nhiều phương diện, trong từng lĩnh vực, từng giới tính khác nhau như: nhân nghĩa, nhân từ, nhân đức, lễ độ, trung thành, trung tín, trung nghĩa, trung hiếu, hiền đức, hiền thục, hiền tài, hiền lương, khoan dung, độ lượng, vị tha, bác ái, thiên tâm, thiện tâm, nhân tâm, tích cực, sức khoẻ, tốt đẹp, năng nổ, chuyên cần, chuyên tâm.v..v… Nó hiện diện cùng khắp mà con người phải va chạm nó từng ngày song song với thế lực tương phản lại, dù con người có biết nó hay không, có làm theo nó hay không? Vì đó là quy luật tất yếu của khí chất vũ trụ đang hoạt động để cấu tạo hình thành nên sự vật, cũng như gìn giữ cho sự vật được tồn tại và thăng tiến.

Đối với đời sống con người có suy nghĩ và hành động độc lập, nếu tuân theo nó thì cuộc sống sẽ được thuận lợi mà phát triển, thế lực tương phản không những không thể làm trở ngại gì, mà ngược lại nó còn hỗ trợ tích cực cho cuộc sống được tốt đẹp hơn. Còn nếu con người đi theo thế lực tương phản, thì nó lại hoàn toàn bất lực trước những khó khăn, tai hoạ do chính con người đi theo thế lực ấy tạo nên.

Ngành Đông y tuy không phải là con đường lớn, nhưng lại được trang bị và nắm bắt được các qui luật sinh tồn, để vận dụng nó vào kho tàng y học, trực tiếp đem lại sức khoẻ cho con người. Mặt khác lại ứng dụng nó để trau dồi phẩm chất, đức độ một cách tích cực của người thầy thuốc. Với công việc thì tận tâm, vẹn tòan chức trách vì mục tiêu đem đến lợi ích về sức khoẻ cho cuộc sống con người.

Cho nên người hành nghề y chân chính luôn nỗ lực, lấy quy luật vận động của khí chất bản thể vũ trụ làm phương châm cho mọi hoạt động; lấy sự tròn đầy viên mãn của chân lí bản thể làm đỉnh cao cho tài năng và đức độ của riêng mình. Vì: khí chất của bản thể vũ trụ chỉ đem đến sự sống cho muôn loài là cùng tột, thì năng lực và hành vi tâm thể của một con người hoạt động cũng đem đến được chữ Nhân là đức độ ấy cũng được tròn đầy, góp phần làm hiển dương chân lí hiếu sanh của bản thể vũ trụ, làm hiển dương sự tồn tại và phát triển của đời sống con người.

Ngành học thuật Đông y nhờ trang bị các lĩnh vực này mà luôn vững bước tồn tại với thời gian, xứng đáng là một ngành học thuật do trời đất sáng lập nên để thực hành mục tiêu đem lại lợi ích vì sức khoẻ cho đời sống con người vậy./.

                                                                                            transi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét