Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

VAI TRÒ NGƯỜI CHỦ HÔN TRONG NGHI LỄ CƯỚI-HỎI

VAI TRÒ NGƯỜI CHỦ HÔN TRONG NGHI LỄ CƯỚI-HỎI
VÀ NGHI THỨC TIẾN HÀNH LỄ DẠM NGÕ.
Việc cưới vợ, gã chồng được tiến hành trong nghi lễ hôn nhân là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì không những nó sẽ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người mà nó còn là một phong tục truyền thống tốt đẹp, mà tất cả mọi người trong cộng đồng cần phải tiếp bước noi theo.
Cho nên nếu nghi lễ này được tổ chức một cách trang trọng, đúng theo phong tục truyền thống của dân tộc, thì sẽ được bà con làng nước đến tham dự ngợi khen và đánh giá đây là gia đình thuộc về tầng lớp có hiểu biết về đạo lý, lễ nghĩa. Và tất nhiên, mọi người sẽ có thiện cảm, quý trọng người chủ gia đình, trong đó có bà con dòng tộc.
Ngoài ra, có thông qua nghi lễ này thì cũng sẽ làm đẹp mặt, đẹp lòng người sống, làm rạng rỡ vong linh của tổ tiên, dòng tộc, đúng theo nề nếp gia phong, bảo tồn mỹ tục của đất nước và nêu gương tốt cho các tầng lớp hậu thế, noi theo.
Đặc biệt chú rễ, cô dâu sẽ là người mang dấu ấn tốt đẹp này sâu sắc nhất, trong suốt cả cuộc đời này.
Cũng vì tầm quan trọng và những giá trị thiêng liêng này mà trong tiến trình nghi lễ, người Chủ của gia đình dù có am tường nghi lễ, họ cũng không thể tự đứng ra Chủ trì và thường phải đi tìm một người có tuổi, lại hiểu biết để nhờ chủ trì các nghi lễ giúp mình.
Nếu họ tự đứng ra, về mặc khách quan thì sẽ bị đánh giá là không biết tôn trọng người khác, nhất là bên thông gia lúc nào cũng có nhờ ông Chủ hôn thay mặt. Và khi đã nhờ người thay mặt, thì quá trình tiến hành nghi lễ, nếu ông này gặp sự cố gì dẫn đến sai sót, thì ông sẽ là người đầu tiên bị họ hàng 2 bên chê trách, rồi sau đó mới đến lượt người chủ nhà. Có nghĩa là người chủ nhà sẽ không bị phê phán trực tiếp, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và sau đó liên lụy đến cả dòng tộc.
Cho nên vai trò của người chủ hôn đứng ra chủ trì nghi lễ, dù bên trai hay bên gái, cũng đều rất quan trọng.Vì vậy, trong quá trình chủ trì hôn lễ nếu có vị nào thiếu hiểu biết về các nghi thức, thì khi tiến hành sẽ bị lúng túng, sai sót hay làm đại khái, chiếu lệ là điều không phải luận bàn.
Nếu chẵng may gặp người chủ hôn như vậy, thì không những bộ mặt và hình ảnh của người chủ gia đình không được tốt đẹp mà việc bảo tồn, phát triển mỹ tục của đất nước do tổ tiên dày công tạo dựng cũng bị hoen ố và sẽ lần bị mai một đi. Vì các vị này là những người trực tiếp thực hành việc phát huy và bảo tồn mỹ tục này của đất nước, trong đời sống xã hội, nêu gương tốt cho mọi người noi theo.
Và dường như điều này cũng đã trở thành 1 thực trạng, nên ở nước ta hiện nay có rất nhiều người không biết phải cử hành hôn lễ cho con cái như thế nào?
Cũng có người băn khoăn nếu làm đúng tập tục xưa, thì có quá nhiều nghi tiết không còn phù hợp, còn đơn giản lại thì phải làm như thế nào để vừa kế thừa truyền thống của dân tộc, vừa mang tính giáo dục cho các thế hệ con cháu mai sau?
Trong khi các bậc trưởng thượng thời nay dù có tổ chức hôn lễ cho con cháu, thì các nghi tiết họ cũng thường đơn giản lại, tùy theo ý tưởng của mỗi người và cuối cùng cũng không biết ai đúng, ai sai?
Lại còn có những người tiến hành nghi lễ mà không rõ được ý nghĩa của từng nghi thức và nếu có ai hỏi, thì họ nói: thấy cha ông làm vậy thì mình cũng làm như vậy?.
Lại còn có nhiều người tổ chức cưới, gã 2-3 lần: một lần ở nhà hàng, một lần ở tư gia? Điều tệ hại này là do một số người chưa qua nghi lễ tại nhà mà lại cho nhà hàng tổ chức hôn sự công nhận dâu, rễ rồi sau đó mới làm lễ tế cáo gia tiên tại nhà.
Trong trường hợp này, nếu cả hai gia đình không có điều kiện tổ chức tại nhà, thì họ làm như vậy là đúng. Nhưng nếu có tổ chức tại nhà thì nơi đây chỉ có thể tổ chức liên hoan lễ thành hôn, hay tiệc ra mắt cô dâu, chú rễ …bên nhà trai; lễ nhóm họ hay tiệc liên hoan chúc mừng lễ vu qui cho cô dâu…bên nhà gái, thì không ai chê trách.
Còn không phải như vậy, thì đó là điều vô tình làm tổn hại nghiêm trọng đến phong tục cưới hỏi truyền thống của dân tộc, vừa làm tủi hỗ vong linh của tổ tiên, vừa làm tổn hại đến nhận thức về lễ giáo cho người chủ của một gia đình.
Và điều đáng buồn hơn, có một số người cử hành hôn lễ cho có lệ để bên ngoài nhìn vào thấy nhà này có đám cưới là được. Thậm chí tổ chức hôn lễ để chụp ảnh, ghi hình là chính chứ không cần biết gì đến truyền thống cưới hỏi của dân tộc. Điều này đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà quay phim, chụp ảnh thao túng, chủ động sắp sếp từ ông chủ hôn đến ông chủ nhà, dâu, rể đều trở thành diễn viên dưới bàn tay đạo diễn của họ.
Tóm lại, trên thực tế cho thấy dù không hẳn là tuyệt đối, có nhiều nhận xét cho rằng: Những cặp trai gái cùng nhau ăn ở dễ dàng, không qua nghi thức hôn lễ thường dể xảy ra đổ vỡ, tan rã hơn vì không có sự ràng buộc tinh thần của hôn lễ, vì thiếu căn bản vững chắc của lễ giáo trong gia đình, trái với thuần phong mỹ tục của xã hội.
Nhưng tổ chức hôn lễ như thế nào để vừa bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa nêu gương tốt cho các thế hệ đời sau mới là điều quan trọng, điều mà tổ tiên đã từng làm cho chúng ta trong suốt mấy ngàn năm qua.
Thiết tưởng với vai trò người Chủ hôn của 2 họ, quí vị mới là người chung tay xây dựng và phát triển tính ưu việt của phong tục cưới hỏi này, trong thời đại ngày nay.
VÀI NÉT VỀ HÔN LỄ
Trong Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho gia, nếu gọi Kinh dịch là bộ Kinh đứng đầu, thì Kinh Lễ được coi là bộ Kinh quan trọng tiếp theo. Vì nội hàm bao quát của bộ Kinh này là nhằm tiết chế những thứ tình cảm của con người khi có điều kiện bộc phát thái quá hay bất cập, trong mọi tình huống của cuộc sống.
Thắm nhuần tư tưởng này nên kẻ sĩ ngày xưa hễ: Không phải Lễ thì họ không đến, không phải nghĩa thì không theo. Và chính vì nhờ Lễ Nghĩa mà gia đình, quốc gia mới giữ được giềng mối, có tôi trung, con hiếu, vợ chồng ăn ở với nhau đến ngày đầu râu, tóc bạc.
Riêng chữ Lễ trong hôn nhân, trước tiên phải xác định đó việc dựng vợ gả chồng và đây là một công việc vô cùng hệ trọng vào bật nhất trong Đạo Tam Can, nhưng bên trong lại còn hàm chứa việc hỷ sự, vui mừng chung trong đó. Cho nên những nghi lễ này là những nguyên tắc, giúp cho con người biết tiết chế mọi hành vi ứng xử của mình sao cho vừa phải, có chừng mực, tránh những hành vi bộc phát theo cảm tính, dẫn đến vui mừng thái quá hay bật cập trong quá trình đón nhận việc hỷ sự vô cùng trọng đại này.
Về nguồn gốc xuất xứ của Hôn lễ, thì trong Kinh Lễ có Gia Lễ, còn Hôn Lễ là từ Gia lễ mà ra. Trong thiết kế công trình này của tổ tiên, phải kể đến người có công lớn là đức Khổng Tử, Giáo chủ của Nho gia người đã biên soạn ra bộ kinh này. Trong đó có các nghi thức cưới hỏi trong việc dựng vợ gả chồng mà một người, trong một cuộc đời ai cũng phải trải qua.
Hay nói theo cách khác, Hôn lễ là ngày tổ chức lễ cưới để dựng vợ gã chồng cho con cái của hai nhà, trong đó có diễn tiến các nghi tiết tổ chức cùng nghi thức khấn vái trong việc dựng vợ, gả chồng theo truyền thống từ ngàn xưa của tổ tiên để lại.
Ngoài ra dựa theo từ hán việt, thì việc tổ chức Hôn lễ này phải được cữ hành vào buổi chiều chạng dạn tối, từ 17 đến 19 giờ. Vì căn cứ vào nguyên lý vận hành biến hóa của qui luật Âm Dương, thời điểm này là thời điểm Dương qua, Âm lại, có nghĩa Âm Dương đang giao hòa khắn khít cùng nhau. Từ đó, mới sản sinh ra một loại linh khí tinh anh, rất cực kỳ quan trọng. Linh khí này sẽ lưu chuyển khắp cùng trời đất trong chu kỳ 24 giờ và nhiệm vụ của nó là sẽ đi sanh hóa, nuôi dưỡng và bảo vệ cho đời sống của vạn vật dưới bầu trời này.
Xuất phát từ nguyên lý trên mà Tổ tiên ta đã ứng dụng vào việc tổ chức hôn lễ vào thời khắc này để thuận theo qui luật của Trời đất trong Vũ trụ, giúp cho đôi trẻ được mãi sống hạnh phúc bên nhau và đời sống luôn luôn được phát triển tốt đẹp.
Tuy nhiên tập tục này ngày nay không còn tồn tại, vì những bất tiện về rào cãn của giờ giấc.
Trình tự các bước tiến hành theo Hôn lễ xưa.
Dựa theo phong tục xưa, để tiến đến ngày Hôn lễ, thì phải tiến hành theo trình tự 6 lễ như sau:
1. Lễ Vấn danh. ( còn được gọi là lễ trao danh thiếp).
Lễ này bên nhà trai biên danh thiếp tên họ, tuổi của người con trai đưa sang nhà gái. Nếu nhà gái bằng lòng thì cũng trao danh thiếp lại cho nhà trai để nhà trai xem 2 tuổi có tốt không, có phạm húy tên họ của tổ tiên không, có trong quan hệ dòng tộc không rồi sau đó mới đồng ý tác thành cho đôi trẻ.
2. Lể Sơ vấn.( lễ Cầu thân hay Dạm ngõ)
Lễ này ông mai, hoặc người Chủ hôn đến nhà gái cho biết bên nhà trai đã bằng lòng kết tình thông gia cùng với bên nhà gái và xin nhà gái cho biết ngày làm lễ hỏi, tức là ngày tổ chức nghi lễ Đại đăng khoa. Đồng thời cũng cho biết nhà trai sẽ đem qua lể vật như thế nào trong ngày lễ trọng này.
3.Lễ Đại đăng khoa
( Lễ hỏi, hay Đính hôn, Đại đăng khoa, Lễ hàng rào thưa)
Lễ này rất quan trọng hơn lễ cưới và chỉ tổ chức bên nhà gái, nhà trai qua một số ít người trong bà con thân thuộc. Trong đó có ông mai hoặc người Chủ hôn của nhà trai, cha mẹ chú rễ, chú rễ và có thể có 1 chú rễ phụ.
Lễ vật Chủ yếu là đôi bộng tai, mâm trầu cau và một đôi đèn.Trên khai trầu rượu đựng 4 miếng trầu tiêm và 2 chung rượu.
Sau khi tiến hành xong nghi lễ bái gia tiên bên nhà gái, thì chú rễ chính thức được tập xưng hô là con rễ tương lai của nhà gái. Và sau đó nhà gái sẽ mời nhà trai cùng nhập tiệc.
Xong lễ này, cô dâu tương lai sẽ đi biếu trầu cau và quà bánh của họ nhà trai cho bà con, hàng xóm để ngầm thông báo rằng :Mình đã sắp có nơi trao thân gửi phận.
Sau đó, cứ 15- 20 ngày là chú rễ qua nhà cha mẹ vợ thăm viếng một lần. Nếu chưa đến ngày cưới mà gặp ngày mồng 5 tháng 5 al hay ngày tết, thì chàng rễ luôn đi tết quà bánh cho nhà gái, cùng với ông mai. Ngoài ra, 2 bên sui gia có những cuộc cúng lễ gì quan trọng, cũng đều mời đến nhau luôn.
4.Lễ Sỉ lời
(cho lễ cưới).
Lễ này ông mai và ông bà sui trai sang nhà gái,chủ yếu hỏi thăm bên nhà gái đòi hỏi những lễ vật, tiền nong như thế nào trong ngày cưới để cho nhà trai lo liệu.
5. Lễ nạp tài và thăm con dâu.
( hay lễ viếng sui và thăm dâu)
Gần đến ngày cưới, nhà trai qua nhà gái đưa trước những thứ cần thiết, theo yêu cầu của bên nhà gái để họ chuẩn bị tổ chức lễ cưới và cũng cho trước con dâu tương lai một số ít nữ trang.
6. Lễ Tiểu đăng khoa ( Lễ cưới, hay Vu qui)
Lễ vật chánh gồm có một đôi đèn, một mâm trầu, cặp rượu trà, tiền đồng thế con heo cưới, 1 khai trầu rượu trên có 2 chung rượu và 6 miếng trầu, sáu miếng cau, tượng trưng cho đủ 6 lễ.
Sau khi qua nhà gái tiến hành nghi lễ xong, thì nhà trai sẽ ra lễ rước dâu và thỉnh họ sang nhà trai để tiếp tục hành lễ. Sau đó nhà trai mời họ nhà gái cùng nhập tiệc, là xong lễ cưới.

Đơn giản hóa Hôn lễ trong các thời đại về sau
Trong các thời đại về sau do cuộc sống nhiều bận rộn, nên việc tiến hành theo lục lễ người xưa cũng không còn thích hợp và đã được các bậc trưởng thượng có hiểu biết đơn giản lại, chỉ còn 3 lễ chính, trong đó có lễ hỏi và lễ cưới là được giữ nguyên.
Ba lể trên tiến hành theo trình tự là : Lễ Dạm ngõ đến lễ Hỏi và sau cùng là lễ Cưới.
Tuy nhiên cho dù đã được đơn giản lại, nhưng vẫn đãm bảo được đầy đủ tinh thần và ý nghĩa mang tính đặc thù truyền thống của dân tộc, trong phong tục cưới hỏi nói chung của người Việt.
Cho nên, trong lễ Dạm ngõ còn có tên gọi là Chạm ngõ, lễ xem mặt và gần như lễ Sơ vấn trong lục lễ xưa và là một nghi lễ không thể thiếu trong tiến trình hôn lễ.
Về ý nghĩa trong buổi lễ này là cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình, do nhà trai chủ động đến đặt vấn đề chính thức cùng nhà gái để cho đôi nam nữ của hai nhà tìm hiểu kỹ càng hơn, trước khi quyết định đi tới hôn nhân.
Do đó, buổi lễ này về bản chất đó là một hành vi ứng xử mang đậm nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua đó, hai gia đình mới biết cụ thể về nhau, như: hoàn cảnh sinh hoạt, nề nếp gia phong hay phong tục tập quán .v.v...và từ đó hai nhà mới quyết định có nên tiến tới quan hệ hôn nhân này, hay không ?
Vì vậy, nên lễ vật trong lễ Dạm ngõ theo truyền thống cũng rất đơn sơ, nhà trai chỉ đem trầu cau, rượu trà qua dạm ngõ là được.
Nhưng nếu bỏ qua lễ này và tiến hành ngay lễ hỏi, thì mọi sự sẽ trở nên quá đường đột, không có thứ tự và bị cảm giác : cuộc hôn sự này không có khởi đầu, không khởi đầu thì sẽ không có chung cùng vậy .
Cho nên, đây không phải là lễ trọng nhưng cũng không thể thiếu trong tiến trình hôn lễ của người Việt nói chung .Hơn thế, nghi lễ này lại không làm cho gia đình 2 bên tốn kém, nhưng nó lại bảo tồn được tinh thần văn hóa trầu cau của dân tộc, được xây dựng từ thời vua Hùng dựng nước. Vì vậy không thể bỏ qua lễ này mà tiến thẳng vào lễ hỏi và lễ cưới được.
Nghi thức tiến hành LỄ DẠM NGÕ
- Vai trò người Chủ hôn bên nhà trai .
Trong lễ này, lễ vật chính là một chục trầu cau, 1 cặp trà, 1 cặp rượu.
Cũng cần mang theo một chay rượu nhỏ, 2 cái chung để qua nhà gái chỉ rót rượu ra trình lễ và khi ra về nhớ bỏ lại hết.
Thành phần qua nhà gái gồm : Ông Chủ hôn, cha mẹ chú rễ và chú rễ.
Khi vào đến nhà gái chào hỏi giới thiệu đôi câu, rồi đem gói trầu cau mở ra, mượn cái dĩa lớn để đựng lên xong , thì rót 2 chung rượu và nói đại loại như sau :
"Kính thưa anh chị (hay ông thân và bà thân của cháu tên gì đó)
Ông bà ta thường dạy, » Không phải lễ thì không đến, người vô nghĩa thì không gần »
Nhưng đối với ngày nay lễ quá nhiều, thì sợ e phiền toái, nhưng lễ ít quá thì không thể nào chuyển tải được những sự kiện trọng đại, đặc biệt là đối với việc hôn sự quan trọng vào bật nhất của một đời người.
Chính vì thế, nên hôm nay gia đình chúng tôi đến đây cũng có mang theo 1 đôi trà rượu và một dĩa trầu cau để xin được tiến hành Dạm ngõ cháu.....là con gái của anh, chị cùng với con trai của chúng tôi là cháu..... .
Vì theo cháu.... con trai của tôi báo lại : sau quá trình tìm hiểu và yêu mến nhau với con gái của anh chị, thì cháu có ý định xin phép cha mẹ để tiến tới hôn nhân cùng với gái của anh chị.
Dựa theo thỉnh cầu này của con trẻ, hôm nay chúng tôi sang đây có chung rượu lạt, cùng phẩm vật trầu cau trước là để cho 2 gia đình được biết mặt, sau nữa cũng là dâng cúng tổ tiên. Đồng thời tôi cũng chính thức cầu thân cùng gia đình của anh chị để cho hay trẻ có thêm điều kiện tìm hiểu nhau cho thật kỹ càng, trước khi quyết định tổ chức hôn sự cho đôi trẽ.
Xin trình qua anh chị và xin anh chị cho biết qua ý kiến."
Thông thường có hai tình huống của nhà gái trả lời :
1/ là chấp thuận ngay, hoặc không nói gì mà xin phép đem lễ vật đem cúng tổ tiên, hoặc nhà gái cùng mời nhau ly rượu, thì cũng coi như là đã chấp thuận.
Trong trường hợp này, Chủ hôn nhà trai đặt vấn đề tiến đến lễ hỏi phải như thế nào, làm riêng hay gộp cùng lễ cưới lại làm một. Và lễ vật, nữ trang cô dâu, tiền nong ra sau, dự kiến ngày tháng năm nào tổ chức là coi như xong phần dạm ngõ.
2/ Nhà gái trả lời rằng 3 ngày sau theo tục lệ, hay sẽ hỏi con gái rồi trả lời sau, thì hay bên không có gì bàn.
Cho nên, 2 bên chỉ còn uống trà và chuyện trò gì đó rồi xin phép ra về).
                                                                                                                                                                                                                                                                                                     transi
Kỳ sau: Vai trò chủ hôn của nhà trai, của nhà gái trong nghi lễ Đại Đăng Khoa.

WP 20150804 007Giả biệt saigon