Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Thông điệp gửi các bạn yêu thích Kinh dịch & lục hào

Thân gửi các bạn yêu thích, ứng dụng Kinh dịch & lục hào vào đời sống.

Xin chào và rất vui khi gặp lại các bạn. Trước hết tôi có lời cảm ơn đến các bạn đã thư về địa chỉ email của tôi cùng với những lời lẽ rất chân tình, dễ tạo mối liên hệ tốt giữa chúng ta lại với nhau. 

Các bạn thân mến! 
Có lẽ các bạn chưa biết tôi là ai và cũng có ý muốn biết, thì điều nầy cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, những thông tin về cá nhân có lẽ sau này nếu có duyên hợp thì chúng ta sẽ hiểu, còn tạm thời điều có thể nói với các bạn tôi chỉ là một người bình thường đang công tác trong ngành y và một tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên tại thành phố HCM này. 

Điều tiếp theo tôi sẽ tâm sự cùng các bạn về sở thích, vâng 1 sở thích lớn nhất của tôi từ trước đến nay là đam mê học tập và nghiên cứu Kinh dịch, một bộ kinh đứng đầu trong tứ thư ngũ kinh, là kho tàng quý của nền triết học cổ phương đông để ứng dụng nó vào 1 số lĩnh vực của cuộc sống. 

Có được sở thích nầy, vì tôi sinh ra trong 1 gia đình chịu sự chi phối hòan tòan vào chủ thuyết của Nho giáo và cũng chính từ môi trường nầy lòng đam mê, sự yêu thích Dịch học của tôi ngày càng được nhen nhúm lên. Các bạn cho phép tôi được khái lược về quá trình nầy để chia sẻ cùng  các bạn! 

Nói đến đạo Nho thì chắc các bạn cũng biết tôn chỉ mục đích chính của tôn giáo nầy là : Tổ chức, sắp xếp đời sống xã hội con người vào cùng một khuôn khỗ, có hệ thống và có trật tự chung trên tất cả các mối quan hệ, tất cả mọi lĩnh vực từ một cá nhân cho đến mỗi gia đình, một quốc gia, dân tộc. Lấy mục tiêu chung là :”Quốc thái dân an, nước nhà hưng thịnh”. 


Để đạt mục tiêu này, Nho giáo đã xây dựng trên nền tảng: Nước có Quốc pháp, Nhà có Gia qui. Người nam thì lấy Tam cang, Ngũ thường làm mục tiêu để tu dưỡng. Cho nên câu :”Tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ” luôn là lý tưởng của kẻ sĩ thời xưa mà kẻ sĩ thời nay hay bất cứ người nào có nhiệt tâm yêu nước cũng đều phải noi theo truyền thống tốt đẹp này cả. 
Còn phận nữ nhi thì lấy câu Tam tùng, Tứ đức, nội trợ tề gia để ra sức hòan thiện cho bản thân mình… 
Sống trong môi trường này, lớn lên tôi bắt đầu chiêm nghiệm lại tất cả mọi chuẩn tắc này theo kinh sách của Nho gia và nhận thấy rằng tôn chỉ này nếu được tất cả mọi người chấp nhận, tuân thủ cho thật tốt thì đời sống của con người, trật tự của xã hội sẽ được tốt đẹp biết bao nhiêu! 

Nhưng dù vậy, càng lớn lên tôi càng không chịu dừng lại ở các chuẩn tắc nầy mà trong đầu luôn hình thành câu hỏi: Những khuôn mẫu này biết rằng do đức Khổng Tử xây dựng nên, nhưng đó là do Ngài trải nghiệm trong cuộc sống hay dựa trên nền tảng của 1 chủ thuyết hay cơ sở khoa học nào? Câu hỏi nầy luôn ám ảnh và theo đuổi, thúc đẩy tôi tìm tòi để tìm ra đáp số. 

Đầu tiên là tìm hiểu kỹ chủ thuyết của các tôn giáo mà tôi biết được, trong đó có 3 tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Còn lại các tôn giáo khác hầu như họ cũng đều dùng tôn chỉ, mục đích của những tôn giáo lớn và trực tiếp hay gián tiếp ứng dụng để phát triển cho phù hợp với hòan cảnh của tôn giáo mình, ngòai ra không thấy có điều gì khác biệt lớn. 
Sau khi nghiên cứu kỹ các chủ thuyết này, tôi nhận thấy tất cả đều có cùng mục tiêu chung là nhằm giúp cho tất cả mọi người hướng về những điều chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Mặc dù tôn chỉ và phương pháp hành đạo thì có khác nhau, thần tượng cũng khác nhau, tỷ như: 

+ Nho giáo thì có đức Khổng Tử là thần tượng, dùng hình ảnh của bậc thánh nhân, người quân tử để mọi người tự nguyện học tập, rèn luyện. Và chỉ chú trọng đến vai trò của mỗi cá nhân, mỗi gia đình cùng tòan thể cộng đồng xã hội để, tất cả mọi người hình thành nên một khối đòan kết, thống nhất không thể tách rời nhau trong quá trình tồn tại và phát triển cuộc sống. Có thể nói Nho giáo đã lập được đại công trong sự nghiệp đào tạo con người và xây dựng được xã hội thành 1 tổ chức chính trị khuôn mẫu,  đầy lòng nhân ái. 

+ Công giáo thì dùng thập tự giá làm biểu tượng, lấy đức Chúa Giêsu, đức Chúa trời làm thần tượng để mọi người tin tưởng làm theo lời Chúa. Lấy cảnh giới nước trời, thiên đàng làm nơi đến và cũng nhằm giúp cho mọi người đòan kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. 
Về tổ chức thì chỉ chú trọng đến cộng đòan giáo dân đã theo đạo và tổ chức các nghi lễ rất thường kỳ cũng như việc đào tạo tu sĩ rất hàn lâm chặt chẽ, có hệ thống từ trên xuống dưới.
Có thể nói đây là một tôn giáo đã xây dựng được hệ thống tổ chức kỹ luật thật nghiêm nhặt và được cộng đòan giáo dân tuân thủ nhiệt thành, trong phạm vi tôn giáo mình mang đầy tình thương yêu, bác ái rất khâm phục. 

+ Phật giáo thì dùng hình tượng của bánh xe luân hồi, lấy đứcThích ca làm thần tượng cùng 6 vị tổ làm chuẩn mực để tín đồ tôn kính làm theo lời Phật dạy, dùng cảnh giới niết bàn làm nơi đến. 
Đầu tiên là hướng cho mọi người tu nhân tích đức, làm theo điều phước thiện để được hưởng nhiều phước báo trong cuộc sống. Sau đó tiếp tục hướng cho họ tu hành để giải thóat ra khỏi vòng sinh tử, chứng quả niết bàn thành Phật. 

Về tổ chức thì Phật giáo dường như không chú trọng lắm mà chỉ dựa trên cơ sở tự giác, tự nguyện của mỗi cá nhân, mỗi tông phái. Hệ thống kinh sách thì rất đồ sộ, có hệ thống chặt chẽ từ thấp đến cao tùy theo trình độ của tín đồ. Như kinh tiểu, trung, thừa thì dành cho những người mới học, căn bản giúp cho những người này làm theo điều thiện, tránh xa điều ác để được hưởng quả lành theo thuyết “nhân nào quả nấy”. 

Khi tu học đến kinh thượng thừa và tối thượng thừa thì mục tiêu đó lại chuyển sang việc giải thóat cho chính mình ra khỏi vòng luân hồi, sinh tử. Nhưng kinh thượng thừa thì khó có ai hiểu nổi vì bộ kinh được dịch ra từ của triết học quá nhiều, làm cho người tu khó lãnh hội và họ thường rất mơ màng, thường bị ngộ nhận là mình đã làm đúng theo lời Phật dạy, mình đã có phép mầu, mình đã được chứng quả nào đó, đã được giải thóat thành Phật v.v… Đây là một thực trạng mà trong những giai đọan sau này, Phật giáo phải thường xuyên đón nhận như lời của một vị tổ đã nói đó là thời kỳ mạt pháp nên mới sanh ra hiện tượng này vậy. 
Như các bạn và nhiều người cũng biết với sự nghiệp phi thường của Phật giáo mà các vị cổ Phật đã dày công tạo dựng cùng với hệ thống kho tàng kinh các đồ sộ như thế, phi phàm như thế, nó có thể giúp cho con người tu luyện chứng quả thành Phật, cướp được công của tạo hóa, lấn cả máy huyền vi của nhật nguyệt âm dương, chuyển con người từ chỗ bị nó kiềm tỏa theo dòng sanh lão bệnh tử để trở thành 1 con người có thân kim cang bất họai, bất sanh, bất diệt thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi thì bộ kinh sách này thiết nghĩ: Con người cho dù có bác lãm đến đâu cũng không thể nào tự tu theo đó mà thành chánh quả được, mà nhất thiết phải có những vị đã thành chánh quả trực tiếp hướng dẫn thì người đó mới có thể đạt thành. 

Cho nên ngạn ngữ có câu “tu tiên phải có tiên dẫn, tu Phật thì phải có Phật tiếp độ mới thành, còn không như vậy thì chưa có ai thành tiên, thành Phật bao giờ” mà tất cả đều do ngộ nhận mà ra. 

+ Chủ thuyết của đạo Lão thì lấy đồ hình thái cực âm dương,bát quái  làm biểu tượng, lấy đức Lão tử là thần tượng để mọi ngượi học tập, noi theo. Dùng bồng lai tiên cảnh làm nơi đến, lấy mục tiêu tu luyện được kim đơn mới đắc đạo thành tiên và không chú trọng đến cuộc sống chung của cộng đồng xã hội mà chỉ chú trọng đến mục tiêu giúp cho những người có phước đức lớn, tu hành đắc đạo thành tiên.

Do đó hầu hết những tín đồ của đạo giáo đều là những người tiêu biểu trong xã hội, những người học rộng hiểu nhiều, những bậc đức cao vọng trọng do chính những người này sau khi ý thức được lý sanh tử trong cuộc sống của thế gian này là không thực và muốn xa lìa nó để tu hành đắc đạo thành tiên, trường sanh bất tử, thóat khỏi vòng kiềm tỏa của âm dương hưởng cuộc sống ung dung tự tại, vui cùng cảnh vật của thiên nhiên mà họ tự tìm đến đạo. 

Còn những tầng lớp dưới thì rất hiếm người theo tôn giáo này, lý do vì kinh sách của họ hầu hết đều dùng từ ngữ của triết học trong kinh dịch. Do đó, nhiều người không am hiểu cho đây là một tôn giáo thần thọai hay một đạo giáo yểm thế chớ không nhập thế, hấp dẫn như các tôn giáo khác. 

Điều đặc biệt là hệ thống kinh điển của đạo Lão tất cả đều dựa trên nền tảng triết học cổ của Á Đông xuất phát từ kinh dịch, họ lấy đó làm tôn chỉ và phương châm hành đạo cũng như ứng dụng tòan diện từ lý luận cho đến thực tiện xuyên xuốt quá trình hành đạo của một người đạo sĩ.
Có thể nói đây cũng là một đạo rất phi thường nên chỉ có những người phi thường họ mới tìm đến vậy.

Các bạn thân mến, nếu các bạn đã nghiên cứu kỹ thì kinh đại thừa, kinh đốn ngộ của Phật giáo cũng cùng đi theo chiều hướng này. Đặc biệt là kinh pháp của sư tổ Đạt ma. Tôi còn nhớ trong các bài sưu tầm của các bạn trên trang web Phật giáo, có bài nói về kinh pháp này. Tuy nhiên tác giả chỉ trích có đọan đầu còn đọan sau thì dừng lại có lẽ vì họ không biết tổ sư nói gì, dạy gì vì tổ đã dùng tòan là từ ngữ triết học trong kinh dịch, không giống chút nào so với kinh của nhà Phật. Và điều đó có lẽ đã làm cho người viết cũng như hầu hết các phật tử khác phải hụt hẫng, mơ màng khi xem đến những bộ kinh sách này và điều khó hiểu hơn đối với họ là chính do người tổ đã thành Phật của họ đã viết ra, rồi thôi không trích đăng tiếp đọan sau nữa?...

+ Công giáo thì lấy hình tượng Thập tự giá cũng là tên gọi riêng của đồ hình thái cực trong kinh dịch có tên gọi là Thập tự lộ, Thập tự nhai.
Sở dĩ có tên gợi này vì Thái cực là hình tượng của 1 chấm nhất điểm  trong một vòng tròn bao trùm cả càn khôn, vũ trụ.Từ nhất điểm này mới sinh ra muôn hình, vạn tượng mà nó vẫn đứng giữa âm dương mà có tên gọi này.

Dùng hai quẻ càn, khôn trong kinh dịch để làm danh xưng thần tượng cho tôn giáo mình để tín đồ tôn kính cụ thể như: Hàm số của quẻ càn trong kinh dịch bao gồm các danh hiệu : càn vi thiên, càn là trời, là chúa, là đấng tạo hóa, là cha, là thiên, là thần … công giáo gồm các danh hiệu này lại gọi là Thiên- chúa, đức chúa -trời, đức chúa -cha, đức chúa Giêsu, là thiên thần. Còn tu sĩ, tín đồ cũng phải gọi là cha. 
Hàm số của quẻ khôn trong kinh dịch bao gồm: khôn vi địa, khôn là mẹ, mẹ của muôn lòai. Công giáo cũng tôn thờ hình tượng của đức mẹ….Khôn thuộc âm cũng có hàm số là địa ngục, ma quỉ v.v…
 
Vì thế nên tôi lại đặt vấn đề: Có phải tôn chỉ mục đích của các tôn giáo đều xuất phát từ cội nguồn của nền triết học cổ Á Động mà kinh dịch đã diễn đạt? Tuy trước đây tôi cũng biết được đôi điều về kinh dịch và giờ đặt vấn đề này tôi lại bắt đầu chú ý nhiều hơn mà ra sức tìm tòi, nghiên cứu để tìm câu kết luận. 
Quá trình này giờ kể lại cho các bạn nghe tôi thật sự còn tưởng như mình đang nằm mộng? Vì chỉ một người bình thường như tôi mà phải đối diện với những pho sách cổ, chữ Hán có, chữ Việt có với vô vàn lời lẽ như lên đồng lên cốt, tựa như có như không, như còn, như mất, trừu tượng mơ màng, y như trước đây tôi đã từng gặp trong kinh sách hầu hết của các tôn giáo.

Trong những đọan có liên quan đến lĩnh vực này mà các vị giáo chủ không thể dùng thuật ngữ của tôn giáo mình thay thế được để truyền đạt lại cho môn đồ. Cho dù trước đây tôi cũng thừa biết có rất nhiều, nhiều người có học vị uyên thâm nhưng vẫn không tài nào hiểu được, còn những người thường mới xem qua đều cho đó là thứ kinh sách dành cho bói tóan, nói năng lộn xộn không có cơ sở khoa học nào và chỉ nhằm để mê hoặc lòng người. 
Vậy mà tôi vẫn cố gắng vượt qua những rào cản này nhưng cuối cùng vẫn không thể nào vượt nổi. 
Tuy nhiên những điều đó cũng không làm tôi nản chí, ngược lại nó còn khích lệ tôi bôn ba khắp nơi để tìm bậc cao minh, bác lãm môn học này, từ các vị chức sắc tu hành cho đến những bậc đạo cao đức trọng đang ẩn cư ở khắp nơi cho dù đó là hang cùng ngõ hẻm. 

Và người xưa có câu: “Hòang thiên không phụ hảo tâm nhơn”.Với quyết tâm như thế, dần dần tôi cũng tìm ra được những người có ít hoặc nhiều là thông hiểu môn học này chỉ dạy. Được học tập, gần gũi  những vị này tôi mới được phân tích tỉ mỉ, cũng như được giải đáp tất cả những điều mà tôi muốn hiểu, kể cả việc ứng dụng vào mọi mặt của đời sống. 
Sau khi cơ bản thấu đáo môn học này, tôi mới hiểu hết được ý nghĩa sâu xa từ kinh sách của các tôn giáo lớn mà trước đây tôi rất mơ màng mỗi khi nhìn thấy chúng. 

Và vấn đề của tôi đặt ra được kết luận như sau: Nền triết học cổ của Á Đông trong kinh dịch không những đã ghi lại tất cả các nguyên lý  dành cho sự sống của vạn vật ở dưới bầu trời này mà nó còn chỉ rõ uy quyền tối thượng của vũ trụ mà hệ thống của bộ máy âm dương, nó đã bao trùm, chi phối tòan diện lên tất cả mọi hành vi tâm thể của mỗi con người, từng cộng đồng xã hội của từng quốc gia dân tộc.Từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngọai giao… không một lĩnh vực nào trong đời sống con người nằm ngòai vùng kiềm tỏa của nó. 
Đồng thời ngược lại, con người còn phải dùng các nguyên lý vận động này theo chiều hướng tích cực của nó để làm kim chỉ nam, dùng nó để định quốc an dân, dùng nó để phát triển đất nước, phát triển giống nòi thì mới tồn tại và phát triển. Còn như xa rời nó hay ứng dụng lệch lạc thì sẽ bị nó làm cho thương tổn, bị mai một hay sẽ bị hủy diệt đi. Trong đó phạm trù tôn giáo hay thần linh gì cũng không là ngọai lệ. 

Điều đó đã cho thấy, trật tự của xã hội lòai người bao gồm tất cả các tôn giáo, đòan thể chính trị, thể chế xã hội, đều phải dựa trên nền tảng này của Kinh dịch mà ứng dụng cho thật tốt thì mới có thể đem đến sự thành công và tồn tại lâu dài được. Vì đó là quy luật của tự nhiên, của thế giới vạn vật muôn lòai đã được các nhà bác học siêu phàm đắc đạo cổ xưa ghi lại, nhằm để ban tăng cho xã hộ lòai người chứ không phải là công trình của một riêng ai.
Lại càng không phải là sản phẩm của thế giới thần linh, huyền thoại nào đem đến cho ta cả? 
Cho nên nếu nói riêng ở phạm trù cuả một cá nhân khi các bạn đã thông hiểu kỹ và ứng dụng được vào đời sống thì chắc rằng, các bạn sẽ không thể nào bị động trước bất kỳ tình huống nào đưa đến, cho dù đó là việc gì, người đó là ai. Vì bạn đã biết được vì sao nó đến, đến để làm gì, là phúc hay hoạ và chừng nào nó sẽ đi? Điều đó sẽ giúp cho các bạn rất nhiều trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, kiến thức này vì nó được trang bị bởi nền tảng cuả triết học, có phân tích, có lý giải rất minh bạch, rõ ràng. Cho nên kết luận mà các bạn đưa ra đều phải căn cứ vào cơ sở lý luận này và được mọi người thông hiểu nó chấp nhận, chứ các bạn không thể phán đoán một cách tuỳ tiện, ứng khẩu không chứng minh được lý lẽ cuả nó với bất cứ ai, mà chỉ một mình mình biết thôi như chúng ta thường gặp. Thì đó lại là một hình thức khác, hình thức dị đoan mê hoặc lòng người hay muốn cho mọi người biết ta đây là ông này bà nọ chớ không phải là lý giải cuả triết học trong kinh dịch? 

Các bạn có biết, ở phạm trù này tôi đã từng suy nghiệm từ cổ chí kim tất cả những bậc thánh nhân, dựng thành đại nghiệp đi vào sử sách không một ai là không bác lãm hay ít ra cũng được người bác lãm phò tá, giúp đở để ứng dụng thành công môn triết học này. 
Cũng như các vị chơn tu, bác lãm đã ứng dụng nó mà tu hành đắc đạo, người không còn duyên với thế gian thì ẩn dật, người còn duyên thì lập giáo để dạy bảo cứu độ, dìu dắt mọi người. Hay ít ra cũng giúp cho mọi người sống sao cho thuận với quy luật cuả tự nhiên, có nghhĩa là làm theo điều đúng, điều phải và tránh xa điều dữ, điều ác. 

Vì đó là hành vi ngược lại với quy luật cuả tự nhiên, người sống theo điều ấy nếu tránh được sự trừng phạt cuả con người thì cũng không thể nào tránh được sự trừng phạt này của quy luật vũ trụ vậy. 

Tóm lại, trong tất cả các lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng có người cao minh bác lãm, đem ra ứng dụng thành công vào trong lĩnh vực đó và họ đã để lại cho chúng ta thừa hưởng cho đến tận ngày nay. Cụ thể như ở phạm trù đời sống xã hội thì đó là tôn ti trật tự, kỷ cương phép nước, luật pháp quốc gia, tiêu chuẩn đạo đức xã hội, cuả mỗi con người…. Ở phạm trù đời sống tín ngưỡng thì đó là tôn chỉ, giáo điều của các tôn giáo chân chính mà ta thấy nơi nào cũng có, đi đâu cũng gặp… Tuyệt đối không phải là một ngành học có gía trị tầm thường để cho mọi người lạm dụng hoặc có một tầm nhìn sai lệch về nó vậy. 

Các bạn thân mến! 
Tâm sự cùng các bạn đến đây tôi lại phát sinh 1 băn khoăn mới, đó là vấn đề tôi nêu ra đã quá thật lòng, trước mắt có thể làm cho vài bạn nào đó không vui. Nhưng các bạn hiểu cho, chúng ta là những người kế thừa 1 di sản văn hóa phi thường của nhân loại, một đại công trình được cấu tạo bằng tư duy hiện thực của các nhà bác học siêu phàm, dầy công để lại thì chúng ta không có cách chọn lựa nào hơn là: Cũng phải dùng tư duy của mình mà học tập, lý giải theo chiều hướng đó.
Tuy nhiên, nếu đi theo chiều hướng nầy thì như trong lời kinh:”Hoàng thiên vô tư,quái lên hiễn hiện”.Trời đất thì vô tư, lý đã tụ trong bát quái rồi là lý giải, không tư vị bất cứ một ai kể cả trời đất cũng vậy. Do đó, chỉ có bạn nào tán thành chủ thuyết của Lão giáo, hoặc đã nghiên cứu thật sâu bên phật giáo nhất là các bạn am tường Dịch học thì những dòng tâm sự nầy của tôi mới được hoan nghênh, còn trong số các bạn có người nào ở các hệ phái khác xin vui lòng bỏ qua cho. 

Và có lẽ cả tôi cùng các bạn cũng đều thấm mệt rồi, hẹn lại lần sau chúng ta sẽ bàn luận nhiều hơn. 
Chúc các bạn nhiều sức khoẻ, thành công trong cuộc sống. 

Thân chào và hẹn gặp lại

VŨ TRỤ LÀ TỰ NHIÊN, CON NGƯỜI LÀ NHÂN NHIÊN

Có một nền Triết học bao trùm lên mọi hiện tượng của vũ trụ.
 Một Chân lý bao trùm lên mọi Đạo lý nhân bản của thế gian.
 Một quy luật tất yếu muôn đời của đời sống tự nhiên và con người trong mọi thời đại, mặc cho con người có biết nó hay không nhưng nó vẫn tự nhiên và đương nhiên tồn tại, chi phối mọi hành vi vận động của mỗi con người mãi mãi với thời gian.
 Xin mời bạn cùng tham gia nghiên cứu kho tàng KINH DỊCH và chia sẻ những hiểu biết để cùng nhau nghiên cứu, khám phá những thành tựu diệu kỳ của tri thức nhân loại đã có từ 5000 năm qua, nhưng vẫn còn nguyên giá trị và luôn hiện diện ngay trong thời đại văn minh vật chất này.