Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Một bài nói về Gia đình VN của Tạp chí Triết học

Gia đình được ví như một nước nhỏ. Nho giáo cho rằng, gia đình có vị trí quan trọng trong sự ổn định của xã hội. Vì vậy, những hành vi ứng xử và giao tiếp của mỗi thành viên trong gia đình được Nho giáo quy định chặt chẽ, phụ thuộc vào danh phận mỗi người. Những quy định này, nếu loại bỏ những yếu tô bảo thủ, mất dân chủ thì cho đến nay, vẫn còn có giá trị. Do đó, kế thừa những tư tưởng tích cực của Nho giáo về gia đình trong việc xây dựng gia đình mới ở Việt Nam, là việc làm cần thiết.

Khác với các học thuyết triết học Phương Tây, triết học phương Đông nói chung và đặc biệt là Nho giáo nói riêng, luôn xem xét con người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Ở Nho giáo, chúng ta thấy, không tồn tại một con người cá nhân, một cái tôi tách khỏi xã hội. Chính việc nhìn nhận con người trong các mối quan hệ xã hội đã giúp Nho giáo đề ra được những giải pháp bình ổn xã hội.

Theo quan niệm Nho giáo, mọi người trong xã hội đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ tự nhiên. Đó là quan hệ cha - con, vợ - chồng, anh - em, vua - tôi, bạn - bè. Năm mối quan hệ này phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ gia đình được củng cố bằng chế độ tông pháp và chế độ gia trưởng, còn các quan hệ xã hội thì được duy trì bởi chế độ chính trị đẳng cấp. Đi cùng với các mối quan hệ đó là những yêu cầu giao tiếp bắt buộc mà mỗi thành viên trong xã hội phải thực hiện.

Tương ứng với mỗi quan hệ, Nho giáo đặt ra những yêu cầu mang tính quy phạm đạo đức và được pháp luật ngầm bảo trợ. Tất cả những mối quan hệ trên và các phương thức ứng xử hội tương ứng với nó, theo Nho giáo, là cái trời đã định sẵn cho con người. Đã là gia đình thì phải có vợ - chồng, cha - con, anh - em. Trong gia đình thì vợ - chồng phải hòa thuận, phu xướng thì vợ phải tùy, là cha - con thì cha phải hiền từ biết thương yêu và nuôi dạy con cái, biết làm gương cho con cái học tập.

Ngược lại, phận làm con phải biết ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết hiếu thuận với cha mẹ. Đã là anh em thì phải biết đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, là anh chị thì phải biết nhường nhịn, thương yêu, là em thì phải biết nghe lời và lễ phép với anh chị. Trong quan hệ xã hội, Nho giáo đòi hỏi trước hết phải có lòng trung thành trong quan hệ vua tôi và trên dưới. Người dưới phục vụ người trên phải lấy chữ trung làm đầu. Kẻ trên đối xử với kẻ dưới phải lấy chữ nhân làm đầu, phải biết giữ lễ và phải có lòng tín thật. Xét chung trong mọi mối quan hệ, Nho giáo yêu cầu mỗi cá nhân phải lấy mình làm mốc mà yêu cầu đối với người. Cái gì mình muốn thì cũng làm hết lòng cho người khác và ngược lại, cái gì mình ghét thì cũng đừng đem lại cho người khác.

Bên cạnh đó, Nho giáo còn quan niệm rằng, mọi sự bất ổn trong xã hội đều có nguyên nhân từ việc ứng xử không tốt các mối quan hệ xã hội. Để bảo đảm sự ứng xử được đúng, Nho giáo yêu cầu mỗi người phải làm tết vai trò của mình. Vai trò đó được xác định bởi danh phận của mỗi người do xã hội quy định. Đó là phận làm vua, phận làm tôi, phận làm cha, phận làm con.... Danh phận của mỗi người quy định cách ứng xử của họ. Cách ứng xử theo danh phận Nho giáo gọi là lễ. Theo Nho giáo, nếu trong xã hội mỗi người đều làm tất bổn phận của mình thì xã hội sẽ thái bình. Nếu xã hội thái bình thì mọi người ai cũng được an cư lạc nghiệp. Khi đó tất cả những người già cả, trẻ nhỏ và những người cô quả sẽ được mọi thành viên trong xã hội quan tâm giúp đỡ. Cảnh tranh giành và chém giết nhau vì cái lợi sẽ không còn. Để làm được điều đó, Nho giáo đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của gia đình.

Nho giáo cho rằng, gia đình chính là một cái nước nhỏ. Vì thế, nếu "một nhà nhân hậu thì cả nước nhân hậu. Một nhả lễ nhượng thì cả nước ăn ở đều có lễ nhượng. Một người tham lam thì cả nước bị rối loạn" (Đại học, chương IX). Do đó, một xã hội muốn thanh bình thì trước hết cần phải có những gia đình hòa thuận. Gia đình hòa thuận là gia đình mà mọi thành viên luôn quan tâm đến nhau, chăm lo cho nhau.

Trong gia đình đó, vợ chồng sống hòa thuận thương yêu nhau, cùng nhau chăm lo nuôi dưỡng dạy dỗ con cái nên người. Cha mẹ phải luôn giữ gìn lời ăn tiếng nói cũng như tác phong làm việc của mình để làm tấm gương cho con cái noi theo. Ngược lại, con cái phải luôn hiếu kính với ông bà, cha mẹ, biết phụng dưỡng chăm sóc ông bà, cha mẹ, biết làm cho ông bà, cha mẹ được rạng rỡ và không làm việc gì khiến cho ông bà, cha mẹ phải tủi hổ với hàng xóm láng giềng. Một gia đình hoà thuận còn là một gia đình mà anh em biết bảo ban nhau cùng tiến bộ, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, biết em ngã thì chị nâng.

Để làm được điều đó, Nho giáo đòi hỏi mỗi người trong gia đình phải biết giữ gìn và tuân theo lễ, bởi cho rằng, chỉ có lễ con người mới trở thành con người xã hội: "Chim anh vũ có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài chim, con tinh tinh có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài cầm thú. Làm người mà không có lễ thì tuy biết nói đấy nhưng có khác gì loài cầm thú? Chỉ có loài cầm thú là không có lễ, cho nên cha con ở lẫn lộn với nhau. Vì vậy việc làm của bậc thánh nhân là lấy lễ dạy người khiến người ta ai cũng biết lễ để tự phân biệt mình với cầm thú" (Kinh Lễ, Khúc lễ thượng).

Nhờ có lễ, con người mới có thể biết được như thế nào là có hiếu với cha mẹ, là kính với người trên, là từ đễ với anh em thân thích, là bạn hiền của bằng hữu, là nhân với người chung quanh, là tín thực với thân thuộc. Theo lễ, người con có hiếu và biết lễ phép thì "Khi ở trước mặt cha mẹ ruột hoặc cha mẹ chồng, nếu có lệnh phải vâng dạ kính cẩn, tiến thoái phải chu toàn thận trọng, lên xuống ra vào phải cung kính, không dám ho hoẹ, đằng hắng hay ngáp dài, không được đứng dựa nghiêng ngả liếc ngang liếc dọc, không dám phun nước bọt chùi nước mũi… Nếu như cha mẹ có lỗi lầm gì, mình vẫn phải vui vẻ hoà nhã dùng lời nói ôn hoà mà can gián. Nếu can mà (cha mẹ) không nghe lại càng phải giữ thái độ hoà nhã cung kính hơn, đợi cha mẹ nguôi ngoai rồi lại can gián. Nếu cha mẹ không nghe để đến nổi phạm lỗi lầm có

tội với bạn bè hàng xóm, ta vẫn phải ôn hòa khuyên can. Nếu cha mẹ nóng giận đánh ta đến chảy máu, ta vẫn không dám giận oán mà vẫn phải kính trọng hiếu thuận với cha mẹ" (Kinh Lễ, Chương XII, tiết 2). Ngược lại, ngay từ khi con cái đến tuổi biết ăn cơm, cha mẹ "cần thiết phải dạy nó biết sử dụng tay phải, con trai phải biết thưa dạ, con gái phải biết nhu hòa… Khi con lên sáu tuổi, hãy dạy chúng về số học và đếm số… Tám tuổi, dạy chúng khi ra vào hay khi ngồi vào bàn ăn, nhất nhất phải theo sau bậc trưởng thượng, bắt đầu dạy cho chúng biết nhường nhịn...

Mười tuổi, cho ra ngoài học thêm sách vở khác… bắt đầu hướng dẫn chúng về lễ, sớm tối tuân theo nghi thức của trẻ nhỏ… Hai mươi tuổi là làm lễ đội mũ, bắt đầu học lễ… dạy chúng thuần hậu về hiếu lễ" (Kinh Lễ, Chương XII, tiết 3). Nho giáo khẳng định, nếu xây dựng được một gia đình hoà thuận, con cái biết hiếu đễ cha mẹ biết từ nhượng thì đó cũng là làm chính trị rồi. Bởi nước cũng chỉ là một cái nhà to. Các căn nhà nhỏ - gia đình mà hòa thuận thì căn nhà to cũng sẽ hòa thuận. Vì thế, làm chính trị không cứ là phải ra làm quan.

Những tư tưởng trên của Nho giáo, ở một mặt nào đó có thể nói rằng, phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước của chúng ta. Chúng ta cũng coi "Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách". Vì thế, đòi hỏi "Các chính sách của nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người".

Với tính cách tế bào xã hội, vườn ươm các nhân tài của đất nước, nơi nuôi dưỡng những công dân mới cho tương lai, gia đình có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành công nền kinh tế thị trường. Sự tốt xấu của mỗi gia đình đều có ảnh hưởng tới sự ổn định của xã hội... Gia đình mới mà chúng ta xây dựng cũng đòi hỏi vợ chồng phải có lòng chung thuỷ, làm cha, mẹ phải có đức nhân từ, làm con phải có đức hiếu kính, làm anh em phải có sự thương yêu nhường nhịn. Hạt nhân của mỗi gia đình ấy chính là vợ và chồng...

Thứ hai, là một gia đình con cái biết hiếu kính với cha mẹ, ông bà bởi đức hiếu kính của người làm con để thờ cha mẹ cũng là cái gốc của đức nhân. Nói tới đức nhân là nói tới lòng yêu thương người. Cái gốc của yêu thương người trước hết chính là yêu thương cha mẹ mình, anh em của mình. Người mà không biết yêu thương cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục mình thì cũng không thể có được lòng yêu thương đồng chí, đồng bào mình.

Vì vậy, chúng ta ngày nay cũng yêu cầu người làm con cần phải biết phụng dưỡng cha mẹ. Khi phụng dưỡng cha mẹ phải kính cẩn và có lễ phép. Chúng ta cũng kiên quyết phê phán những hành động ngược đãi cha mẹ già, không muốn làm nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già mà đùn đẩy cho xã hội hoặc con cái đun đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ cho nhau, hoặc có nuôi cha mẹ thì như nuôi vật cảnh mà thiếu sự kính trọng lễ phép.
Đức hiếu ngày nay cũng đòi hỏi người làm con trong hành động và việc làm phải làm sao để cho cha mẹ có thể được tự hào với bà con lối xóm. Việc lười lao động, ham cờ bạc rượu chè chỉ biết đến của cải, lo liệu cho vợ con mà không nghĩ đến cha mẹ, không phải chỉ Nho giáo mà ngày nay chúng ta cũng cần lên án là hành vi bất hiếu.

Thứ ba, anh em trong gia đình phải biết bảo ban nhau, yêu thương nhau trên tinh thần em ngã chị nâng. Là người anh, người chị thì phải biết bao bọc che chở cho em, nhường nhịn em. Là người em phải biết kính trọng anh chị, nghe lời anh chị dạy bảo. Xã hội xưa cũng như nay không chấp nhận việc anh em chỉ biết yêu thương nhau qua đồng tiền, nhìn tình cảm anh em dưới lăng kính vật chất thuần tuý.

Như vậy, gia đình mới thực sự là một gia đình mà mỗi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với danh phận của mình. Do đó, việc xây dựng gia đình mới cần dược gắn liền với việc giáo dục trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người theo đúng danh phận của họ. Đó là cha phải ra cha, con phải ra con, anh phải ra anh, em phải ra em. Cần kiên quyết lên án những người cha không còn ra cha bởi lối sống ích kỷ, thực dụng đã để lại tấm gương xấu cho con cháu, cũng cần lên án và có biện pháp nghiêm khắc đối với những người con không còn ra con, chỉ biết tiền mà không biết tình, chỉ biết tới quyền lợi mà không biết tới nghĩa vụ khiến cho cha mẹ phải tủi hổ.

Vì vậy, việc xây dựng thành công một gia đình mới có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dụng nền kinh tế hùng mạnh và phát triển của đất nước. Bởi gia đình mới chính là nền tảng của sự ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc, là nơi phòng chống có hiệu quả nhất mọi tệ nạn xã hội đang làm phương hại đời sống tinh thần của con người. Gia đình mới còn là nơi có khả năng nhất trong việc bảo lưu, giữ gìn những bản sắc truyền thống văn hoá của dân tộc. Ngoài ra, đây còn là nơi cung cấp những công dân mới có đức, có tài cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới.

Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta tiến hành xây dựng một nền kinh tế hội nhập với thế giới thì gia đình càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Mô hình gia đình vợ chồng hoà thuận, cha từ con hiếu, anh em thương yêu đùm bọc nhau chính là thành trì để ngăn cản sự xâm hại những tư tưởng thực dụng, vị kỷ, lối sống gấp ăn xổi ở thì chỉ biết hôm nay mà không cần biết đến ngày mai.

Như vậy, có thể nói rằng, nếu mọi người đều loại bỏ được những tư tưởng bảo thủ của chính mình, thì việc kế thừa những giá trị luân lý tích cực của Nho giáo về gia đình để xây dựng gia đình mới nhằm đáp ứng được sự phát triển đất nước là điều rất cần thiết và phải nên làm. Gia đình mới chính là nơi kế thừa những tinh hoa của gia đình cũ kết hợp với những chuẩn mực đạo đức mới của xã hội mới. Những tinh hoa đó, trước hết, là tư tưởng vợ chồng hoà thuận, cha từ con hiếu, anh em thương yêu đùm bọc nhau… của Nho giáo.

Thực tế những lý tưởng nhân đạo, khát vọng hoà bình của Nho giáo cũng là lý tưởng và khát vọng của chúng ta hiện nay. Mặc dù bị hạn chế do lịch sử, song những tư tưởng cũng như biện pháp mà Nho giáo đề ra cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị... Do đó, kế thừa các tư tưởng nhân văn trong ứng xử và giao tiếp giữa người với người của Nho giáo là một việc làm hết sức cần thiết

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Cấu trúc&Nguyên tắc hành xử trong gia đình của các dân tộc Á đông

Gia đình, gia đình, niềm vui gia đình, hạnh phúc của gia đình, tổ ấm của gia đình và hơn thế nữa... Thật vậy chỉ có hai tiếng gia đình thôi, rất mộc mạc đơn sơ nhưng ai nghe cũng cảm thấy nó rất đỗi thiêng liêng, rất nồng nàn và ấm áp. Và điều này dường như nó đã ăn sâu vào huyết quản, vào tiềm thức của mỗi con người dù cho họ là ai, đang sinh sống ở nơi nào trên khắp thế gian này.
Vì chỉ có gia đình, con người mới có thể thừa hưởng được trọn vẹn tình yêu thương, sự chở che, bảo bọc từ khi mới cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày thành nhân chi mỹ. Cho nên một con người khi được sinh ra, nhưng chẵng may thiếu đi tổ ấm này thì quả đó là một bi kịch, một điều bất hạnh lớn không gì có thể bù đắp được.

Thế nhưng, sau hàng ngàn năm tổ ấm gia đình đã mang lại hương vị ngọt ngào cho cuộc sống của mỗi con người và đời sống xã hội thì cũng hàng chục thập kỷ qua, hương vị này đã bị biến chuyễn sang thời kỳ cùng cực do vạn vật, vạn sự dưới gầm trời này đều phải ngược xuôi, tuần hoàn theo qui luật của tự nhiên trong Vũ trụ. Cho nên những giá trị ưu việt, độc đáo của gia đình ngày nay đã không còn giữ được nguyên vẹn. Thay vào đó, con người đã tô vẽ lên khuôn mặt của gia đình bằng những nét chấm phá được lấy từ các nền văn hóa khác, làm cho khuôn mặt của gia đình ngày nay càng trông, càng thấy thật đau lòng và cũng tất nhiên những giá trị tích cực nhất dành cho cuộc sống cũng bị mờ nhạt đi.

Chính vì vậy nên các tiêu chí dùng để xây dựng gia đình như: Một gia đình là một đất nước nhỏ; một nhà nhân hậu thì cả nước sẽ nhân hậu; một nhà có lễ nghĩa, khiêm tốn, nhường nhịn thì cả nước cũng sẽ ăn ở đều có lễ nghĩa, khiêm nhượng và một người tham lam thì cả nước cũng sẽ bị nạn tham nhũng, rối ren.v.v...dần cũng không còn và ý nghĩa của một gia đình nó chỉ còn lại một khái niệm rất trừu tượng, mơ màng so với giá trị thực của nó.

Nhưng có lẽ vì vật cùng thì cũng phải biến, cho nên trong vài thập niên qua cộng đồng xã hội cũng đã nhiều lần lên tiếng, cảnh báo về thực trạng này. Đồng thời họ cũng có đưa ra lời kêu gọi các nhà nghiên cứu, những nhà hoạch định chính sách, người có trách nhiệm xây dựng đất nước đặc biệt quan tâm hơn về quốc sách, về chiến lược để cấu trúc lại hình ảnh của gia đình. Nhằm để đảm bảo cho các tế bào của xã hội được lành mạnh, trả lại những giá trị, những hình ảnh tốt đẹp của gia đình mà trước đây nó đã là một thần tượng tốt đẹp nhất của cộng đồng dân tộc, trong suốt mấy ngàn năm qua.
Riêng phạm vi của chủ đề này, người viết cũng không có tham vọng vì hơn ngoài những ý nghĩa như trên đã khái lược. Tuy nhiên, bài viết cũng sẽ phân tích thêm về ý nghĩa và cấu trúc hình ảnh thực sự của một gia đình, dựa vào cơ sở nền triết học cổ của Á đông. Vì chính nền triết học này đã cấu tạo và cho ra đời những giá trị to lớn, đích thực về một gia đình mà các dân tộc Á đông đã thừa hưởng được.
Vì thế, nên đối với những bức xúc có liên hệ đến thực trạng của gia đình mà xã hội quan tâm hiện nay, nếu không dùng lý giải này của triết học để thẩm định và tìm ra đối sách, thì sẽ không còn một lập luận, một chủ thuyết nào có thể làm thay đỗi được...
Cho nên, chỉ có dựa vào cơ sở này thì mọi người trong xã hội mới dễ dàng nhìn thấy được những khiếm khuyết, những bất cập đang tồn tại trong mỗi gia đình. Và sau đó họ mới có câu trả lời thỏa đáng nhất về những điều bất cập nêu trên, cũng như chính họ sẽ là những người tìm ra các giải pháp thích hợp nhất để trả lại cho gia đình những giá trị thật sự hoàn hảo, tốt đẹp mà nó đã dành cho đời sống của con người và đời sống xã hội trong suốt mấy ngàn năm qua.

Để nghiên cứu, tìm hiểu thêm về chủ đề này xin mời các bạn ghé sang chuyên mục kinh dịch-lục hào...trong diễn đàn này để chúng ta cùng nhau tham khảo. Và sau bài viết, rất mong được sự chỉ giáo và chia sẻ của quí vị, đặc biệt là những nhà nghiên cứu, những nhà bác lãm về nền triết học cổ của Á đông chúng ta vậy.
Rất trân trọng

transi

Phần I. CẤU TRÚC VÀ NGUYÊN TẮC HÀNH XỬ CỦA GIA ĐÌNH CÁC DÂN TỘC Á ĐÔNG, XUẤT PHÁT TỪ GIA NHÂN QUÁI TRONG KINH DỊCH.

I/ Nhu cầu bức thiết của đời sống con người về một tổ ấm Gia đình.

Thực tế từ ngàn xưa đến nay, cuộc sống của mỗi con người từ lúc sanh ra và lớn lên không thể tự hoàn thiện nhân cách cho mình, nếu không có môi trường giáo dục của gia đình và xã hội, được xây dựng dựa trên một khuôn mẫu tích cực nhất. Ngoài ra, gia đình còn là một thể chế đầu tiên và cũng là môi trường quan trọng nhất, để cho con người hình thành dấu son nhân cách ngay từ lứa tuổi còn rất thơ dại, khi con người chưa ý thức được điều gì.

Cũng chính vì thế nên khi con người vừa xuất hiện chẵng được bao lâu, thì các bộ tộc sơ khai đã ý thức được tầm quan trọng này. Cho nên tất cả mọi người đều nỗ lực, tìm kiếm một giải pháp nào đó để giúp cho mỗi người sau khi được sanh ra, ai ai cũng đều có một tổ ấm. Chính nơi này sẽ vừa là nơi an toàn nhất cho sự sống, vừa làm nơi dừng bước để nghỉ ngơi lâu dài nhất trong suốt một đời người mà bên trong, có đủ mọi người thân yêu nhất của họ.

Do đó, tổ ấm này đã xuất hiện từ các thời đại rất xa xưa, cho dù con người đang sanh sống ở nơi đâu, tập tục truyền thống như thế nào thì mỗi người ai cũng đều có một tổ ấm của gia đình, mà bên trong đã bao hàm được mọi tiêu chí đó.
Tuy nhiên, gia đình trong các thời kỳ này về tổ chức, quản lý cũng còn rất thô sơ, cho đến khi nền văn minh trí tuệ của con người phát triển, thì cấu trúc của gia đình mới được hoàn thiện. Trong đó phải đặc biệt kể đến sự xuất hiện của nền triết học cổ của Á Đông, được ghi lại trong kho tàng của Kinh dịch. Dựa vào nền tảng này mà người xưa đã từng bước hoàn thiện được phần căn bản của đạo nhà và từ đó được ứng dụng rộng khắp trong mọi gia đình của các dân tộc, thuộc khu vực của Á đông.

Có thể nói, công trình nghiên cứu và biên soạn thành bộ Kinh dịch này là một đại công trình của các nhà bác học, được xếp vào hàng Thánh nhân của các dân tộc Á Đông. Vì bên trong các Ngài đã xây dựng được một phạm trù thuộc về khí hóa của qui luật tự nhiên, trong đó có ghi lại tất cả mọi biến chuyển không ngừng của vũ trụ , có liên hệ trực tiếp đến đời sống của vạn vật đang tồn tại dưới gầm trời này. Đây cũng là một công trình mang tính lịch sử vĩ đại nhất, tiêu biểu cho nền văn minh tinh thần của các dân tộc Á đông nói riêng và của nhân loại nói chung.
Sau khi đã được con người ứng dụng công trình này, thì mới thấy phạm vi của nó đã bao trùm lên được tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống của tự nhiên và cũng như đời sống của mỗi con người. Do đó, đây là một công trình mang ý nghĩa cực kỳ to lớn, vĩ đại nhất vì nó đã đem lại những lợi ích toàn diện về mọi mặc của đời sống con người mà chưa hề có một nền triết học nào, một chủ thuyết nào có thể làm thay được.

Và cũng dựa trên cơ sở lý luận của nền triết học này, thì sở dĩ nó xuất hiện ở khu vực Á đông, là bởi vì trời Đông là nơi xuất phát nguồn năng lượng của dương khí trong Vũ trụ, mà dương khí là hình tượng của nền văn minh thuộc về yếu tố tinh thần. Chính vì thế, nên khu vực này tinh hoa về trí tuệ của con người mới được xuất hiệm sớm và cũng luôn được phát triển không ngừng. Và cũng nhờ vậy nên đạo nhà của người Á đông mới từng bước được hoàn thiện trong mỗi gia đình, sau các thời kỳ đó.

Ngoài ra, công trình này sau quá trình ứng dụng nó cũng đã trang bị cho tư duy, nhận thức của con người Á đông về mối tương quan giữa cuộc sống con người và đời sống của Vũ trụ; cũng như giữa đời sống gia đình và môi trường của xã hội là vô cùng mật thiết, không thể tách rời nhau.
Từ đó, vai trò của một gia đình nó đã tự nhiên và đương nhiên trở thành một tế bào của xã hội. Vì thế nên từ bên trong của mỗi gia đình có sung túc, hưng thịnh thì bên ngoài xã hội mới được thái hòa, đất nước mới được phát triển... Ngoài ra, sự phát triển này nó cũng được hình thành theo một qui luật, cũng như được diễn tiến theo một trình tự nhất định là: Từ bên trong mới tiến ra được bên ngoài và từ dưới thấp mới tiến lên được trên cao…

Điều này khi ứng dụng vào xây dựng đạo nhà, thì có nghĩa: Nếu con người muốn xây dựng cho mình một tổ ấm gia đình sung túc, hưng thạnh thì trước tiên là họ phải biết tu sửa bản thân. Cũng như trước khi họ muốn tiến ra bên ngoài trị nước, thì điều kiện trước tiên là họ phải xây dựng thành công cho được gia đình mình. Còn ngược lại, hoặc không theo đúng trình tự này thì họ sẽ không thể nói đến việc tề gia và cũng không thể nào nói đến việc bước ra ngoài để phục vụ cho đất nước được. Vì đó là qui luật vô cùng khắc nghiệt của cuộc sống vậy.
Cho nên, qui luật này nó luôn hiện diện tại bất cứ nơi đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính vì thế, nên trong mỗi gia đình còn được xem như là một động lực chủ yếu, tác động trực tiếp vào môi trường của xã hội mà xã hội đương nhiên phải đón nhận vô điều kiện, song song với hai chiều hướng xây dựng tích cực, lẫn tiêu cực từ mỗi gia đình.
Vì thế, nếu xã hội tiếp nhận được những con người từ phía gia đình theo chiều hướng tích cực, thì xã hội sẽ được lành mạnh và phát triển không ngừng. Còn ngược lại, thì không những không phát triển mà nó còn làm cho đời sống của xã hội bị tha hóa...bị băng hoại đi vậy...
Vì đây là một môi trường đặc biệt, vừa trực tiếp sản sinh ra cho xã hội những nhân tài ra để phục vụ cho đất nước, nhưng lại cũng chính là nơi cung cấp, sản sinh ra những con người ra để hại dân, hại nước.

Cho nên nếu xã hội nào không coi trọng và nhanh chóng tổ chức, xây dựng nên những gia đình theo khuôn mẫu tích cực này, thì xã hội đó sẽ bị khánh tận nguồn nhân lực có tài năng, đức độ thực sự. Và tất nhiên, đất nước phải đối mặt trước những cảnh tượng nghèo nàn, lạc hậu, nước mất, nhà tan do phải đương nhiên tiếp nhận nguồn nhân lực từ những gia đình được xây dựng theo chiều hướng ngược lại. Hoặc chỉ xây dựng dựa trên bản năng tự phát một cách duy ý chí của mỗi người.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, thì việc xây dựng gia đình theo khuôn mẫu tích cực là điều mọi người cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Và chỉ có thể dựa theo khuôn mẫu này, thì mới đáp ứng được lòng mong đợi mà cũng là một nhu cầu bức thiết của tất cả mọi người trong xã hội nói chung, và cho đời sống của mỗi gia đình nói riêng.
Hơn nữa, công trình này không phải là một công trình phiến diện nhằm để đáp ứng theo tình thế, hay của một cá nhân, một chủ nghĩa nào mà ai cũng có thể tùy tiện thêm bớt, sửa chữa.
Như trên đã nói, đây là một đại công trình nghiên cứu chung của các nhà bác học đã thông suốt về Nhân sinh quan, về Vũ trụ quan và họ đã liên tục nối tiếp nhau thực hiện, qua nhiều thế kỷ mới xây dựng nên được.
Dựa trên cơ sở này, họ mới ứng dụng hình tượng của thiên nhiên và nguyên lý vận hành cũng của tự nhiên. Trong đó họ có chú trọng đặc biệt đến vai trò vận hành, biến hóa của hai khí âm dương nên họ đã cơ cấu 2 thế lực này vào trong mỗi gia đình và từ đó khuôn mẫu của một gia đình mới được hoàn thiện.
Cho nên sau khi ứng dụng vào cuộc sống, không những đã đảm bảo được các tiêu chí của một tổ ấm gia đình, mà nó còn đảm bảo cho việc hội tụ những yếu tố nhân bản, đầu tiên dành cho sự sống của mỗi con người. Nhằm tạo dựng cho họ một môi trường thân yêu và lành mạnh nhất, giúp định hình và phát triển nhân cách của họ được toàn diện nhất.

Ngoài ra, sống trong môi trường này sau khi lớn lên hầu hết mọi người ai cũng được đảm bảo sẽ trở thành những con người có đầy đủ phẩm chất về đức lẫn tài, để sau này ra phục vụ cho gia đình và cho cộng đồng xã hội. Đây cũng là kết quả sau khi ứng dụng khuôn mẫu này vào cuộc sống mà kỷ cương, trật tự của xã hội, gia phong nề nếp của gia đình của các dân tộc Á đông mới được hoàn thiện và liên tục phát triển cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, cũng cần đi vào phân tích về qui mô và cơ chế của hai mối quan hệ này của gia đình và xã hội khác nhau như thế nào, để tạo nên mối liên hệ mật thiết nhau như vậy?
Trước hết, nếu xét qui mô về quản lý trong một gia đình và xã hội, thì đương nhiên gia đình không thể rộng lớn bằng xã hội. Cho nên, lẽ đương nhiên cơ chế quản lý trong phạm vi của một gia đình cũng nhỏ hơn nhiều, so với cơ chế quản lý trong xã hội. Nhưng, bên trong vẫn phải đảm bảo có đầy đủ hệ thống quyền hành để lãnh đạo, quản lý mọi mặt về đời sống của một gia đình. Chính vì thế, nên cuộc sống của mỗi con người luôn tồn tại song song hai cơ chế quản lý này, nếu bị thiếu đi một thì cũng không đãm bảo cho tiến trình hoàn thiện được nhân cách.
Cho nên trong một đất nước thì phải có Quốc pháp, trong một Gia đình thì phải có Gia qui để mọi người, mọi nhà cùng theo đó mà hành xử nhau trên các mối quan hệ.

-Riêng về hệ thống lãnh đạo trong một gia đình thì được căn cứ vào đặc điểm, tính chất của mỗi thành viên, sau đó mới phân chia ra tôn ty, thứ bậc để xác định ai là người lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên do ảnh hưởng cấu tạo, và chi phối của vùng miền địa lý trên thế giới, nên các dân tộc ở khu vực thuộc vùng miền lãnh thổ của Á Đông, thì người cha, người chồng trong mỗi gia đình đều có vai trò lãnh đạo và có quyền hạn cao nhất. Còn người mẹ, người vợ thì có vai trò tham mưu, phò tá và trực tiếp quản lý, điều hành công việc trong nhà, chăm sóc dạy bảo con cái theo mục tiêu mà vợ chồng đã bàn bạc, thống nhất dựa trên đặc điểm và nguyên lý vận hành biến hóa của hai khí âm, dương.

Vì xét về giới tính, thì người đàn ông:
-Do được cấu tạo bởi khí chất của thể dương cương, cho nên về thể chất người đàn ông hầu hết đều có thân hình lực lưỡng, cao to và một sức lực rất mạnh mẽ. Thể dương cương còn là thể động và tính chất của nó rất nhẹ nhàng trong sáng, ánh sáng này có tính bao trùm lên mọi hiện tượng của sự vật.. Do đó về trí tuệ, người đàn ông họ rất thông minh, sáng suốt, có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng và hành xử mọi việc đều rất chính trực, quang minh; Họ luôn hăng hái trong mọi hoạt động, có khả năng tiên liệu, ứng phó được mọi tình huống có thể xảy ra cũng như xử lý, quyết đoán tốt mọi vấn đề có kiên hệ đến cuộc sống...

Ngoài ra, họ cũng là người rất ưa điều nhân, thích làm việc nghĩa cùng với tấm lòng luôn rộng mở. Họ cũng ưa đi chinh phục, thích làm những việc lớn lao đại sự, thường ra tay nghĩa hiệp, cứu khổ phò nguy, thương yêu và khoan dung độ lượng với tất cả mọi người.
Đối với bạn bè họ mong muốn có một tình bạn, tình tri kỷ tâm giao để cho họ cùng chia sẻ, cùng giúp đỡ nhau xây dựng nên sự nghiệp.

Đối với người vợ, thì họ rất thích có một người vợ hiền thục, đoan trang có đầy đủ tố chất của nữ tính để cho họ được yêu thương và cũng để giúp cho họ trong việc tề gia, nuôi dạy con cái, làm hưng thịnh cho giòng tộc.
Bên cạnh đó, người đàn ông cũng có những yếu điểm là nóng tính, hay côc cằn, không thích hoặc làm không tốt những việc lặt vặt, tỉ mỉ của nữ giới và tâm trí của họ cũng rất ít quan tâm đến những sự, việc này...

Riêng người đàn bà: Do bẩm thụ khí chất của thể âm nhu, mềm thuận nên cấu tạo về thể chất, người phụ nữ nào cũng đều có thân hình mảnh mai, dịu dàng và yếu đuối. Cho nên họ rất thích được người đàn ông, người chồng có sức lực mạnh mẽ, có trí chí sáng suốt của người quân tử, bậc trượng phu để cho họ được chở che, được nương tựa sau này. Do vậy, nên hầu hết người phụ nữ nào họ cũng thích được trang điểm, ưa làm đẹp để thu hút những người đàn ông này. Đồng thời, để chuẩn bị cho vai trò làm vợ và thiên chức làm mẹ nên họ cũng ra sức học tập, rèn luyện về: Công, Dung, Ngôn, Hạnh để làm tốt công việc của mình.
Vì thế nên những việc lặc vặt, tỉ mỉ như các việc nội trợ, chăm sóc chồng con....họ đều làm rất tốt, rất khéo léo, chăm chỉ cũng như họ rất thích thú và mãn nguyện khi được làm những công việc này.
Về trí tuệ, do được cấu tạo từ thể âm nhu, nặng trọc cho nên hầu hết người đàn bà họ đều không có một tầm nhìn sâu rộng, như người đàn ông. Nhưng họ lại rất nhạy bén, giỏi xét đoán, nhiều lý luận để xử lý những việc nhỏ, việc trước mắt trong phạm vi chức phận của mình. Đồng thời họ cũng có tấm lòng nhân hậu, từ tâm, từ thiện và rất chịu thương, chịu khó hy sinh vì chồng con, vì công việc mà không hề kể công hay than vãn với bất cứ ai.

Về tinh thần do bẩm thụ khí của thể âm, nên họ rất mềm yếu, nhu nhược, ưa thụ động, thiếu kiên định lập trường và khi hành xử mọi việc thường thiên về tình cảm hơn là lý trí. Cho nên người đàn bà họ rất dễ bị mềm lòng, bị sa ngã, lôi cuốn bằng những thứ tình, bằng những yếu tố tâm linh từ mọi phía...

Còn xét về tôn ti, thượng hạ của hai thể thì người đàn ông thuộc thể dương cương, do thể dương cương tính của nó rất thích được bay trên khoảng không bao la vô cùng, vô tận. Cho nên, nếu có môi trường thuận lợi, thì đó là cơ hội và cũng là nguồn động lực chính để thúc đẩy nó hăng hái tiến lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mang lại lợi ích lớn lao về phục vụ cho sự sống.
Còn ngược lại, nó không thích bị kềm hãm, gò bó hay bị quản thúc, bị hạ xuống trong bất cứ hoàn cảnh hay môi trường nào. Nếu rơi vào những tình huống này, thì nó sẽ không thể phát huy được tác dụng và tất nhiên cũng sẽ không mang lại lợi ích lớn lao gì cho sự sống.

Do bẩm thụ tính chất này, nên người đàn ông họ cũng có chung cùng một tính cách và hành vi tương tự, đang tìềm tàng trong tâm thức của họ.
Chính vì vậy, nên người đàn ông họ rất cần đến sự tôn vinh, khích lệ của tất cả mọi người hơn là bị coi thường, hay bị kềm chế lại. Nếu như vậy, thì sẽ làm cho khí thanh dương đang tồn tại trong người của họ sẽ bị ức chế lại vì nó không được tự do thăng phát lên trên. Điều này sẽ dẫn đến nguồn năng lượng khí dương cương tồn tại trong người đàn ông sẽ bị thương tổn, và hậu quả là họ không còn đầy đủ nguồn động lực, thúc đẩy họ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cho dù đó là những việc khó khăn, gian khổ gì họ cũng không thể vượt qua. Và từ đó, họ cũng không thể mang được lợi ích gì về cho gia đình và xã hội...
Đây cũng là điều xuất phát từ nguyên tắc: Dương tôn, Âm ty dành cho mọi hành vi ứng xử của con người Á đông xưa nay và mãi mãi cũng không bao giờ thay đổi vậy.

Trái lại người đàn ông, người đàn bà thuộc về thể âm nhu, mềm thuận:
Do thể khí này vốn rất nặng trọc, cho nên tính của nó thường thích lui xuống, không thích được tiến lên. Vì thế nên nó rất cần đến một môi trường không gian thích hợp, để cho nó được giới hạn và kiềm chế sự thăng phát lại hơn là cần có điều kiện thuận lợi để tiến lên trên. Được như vậy thì khí âm nhu mới tạo được động lực thúc đẩy nó hoạt động đúng sở trường và sẽ đem lại được nhiều lợi ích lớn lao về để nuôi dưỡng sự sống. Còn trái lại, hoặc vì một lý do nào đó buộc nó phải tiến lên trái với đặc điểm, tính chất cố hữu này, thì kết quả sẽ gây nhiều phương hại đến lợi ích chung hơn là có lợi.
Do người đàn bà bẩm thụ tính khí này, cho nên đó cũng là tính cách đặc thù riêng của người phụ nữ vậy.

Từ những phân tích trên, đủ để thấy rằng: Nếu xét về vai trò lãnh đạo cao nhất trong một quốc gia, hay trong một gia đình thì đương nhiên chỉ có người đàn ông họ mới có đầy đủ các yếu tố cần thiết để đảm đương trọng trách này và đó mới là sự lựa chọn phù hợp, công bình nhất dựa theo qui luật của tự nhiên.

Nhưng dù vậy, trong thế giới tự nhiên nếu chỉ có một âm thì cũng không sanh, một dương cũng không thể lớn. Cho nên trong đạo nhà người đàn ông làm cha, làm chồng được làm chủ thì phải có người mẹ, người vợ phò tá giúp đỡ cho chồng thì người đàn ông mới có đủ điều kiện để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, cũng như họ sẽ đem hết tài năng của mình ra đi giúp ích cho đời, tạo dựng nên sự nghiệp... Cho nên ngạn ngữ có câu: Đàng sau sự thành công của người đàn ông, người chồng thì đều có hình bóng của người phụ nữ, người vợ xuất hiện ở trong đó.

Còn trái lại, nếu một người vợ luôn chống đối, không phục tùng tài năng trí tuệ của người chồng hoặc có thái độ bất cộng tác vì bất cứ lý do gì, thì người đàn ông cũng không thể nào xây dựng được một máy ấm gia đình, mà sự nghiệp bên ngoài xã hội họ cũng không thể hoàn thành tốt được.

Ngay trong một đất nước cũng vậy, là một vị vua anh minh thì lúc nào cũng phải có sự phó tá, giúp việc của người tể tướng giỏi dưới quyền thì luật vua, phép nước mới được thi hành và quốc gia mới giàu mạnh. Còn trái lại, người tể tướng do tài hèn sức mọn hay vì bất cứ lý do gì mà không hoàn thành được nhiệm vụ, hoặc có thái độ bất phục tùng mệnh lệnh của vua, hay cứ tìm mọi cách để chống bán, tìm cách lật đổ thì cho dù vị vua này có tài giỏi, có anh minh đến đâu cũng không thể nào xây dựng nước nhà cho hùng mạnh được.

Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà đó là cơ chế quản lý chung của gia đình và xã hội, tuy phạm vi của gia đình có nhỏ hơn so với một môi trường xã hội trong một đất nước. Chính vì vậy nên người cha, người chồng trong gia đình họ đang thủ giữ vai trò lãnh đạo cao nhất như một vị vua, còn người mẹ, người vợ đang giữ vai trò tể tướng của một triều đại. Do đó vua có nhiệm vụ ban hành luật vua, phép nước và có thẩm quyền cao nhất trong mọi lĩnh vực thuộc về quốc kế dân sinh, còn tể tướng là người có nhiệm vụ thi hành luật vua phép nước, và quyền hạn thì chỉ dưới vua mà được đứng trên cả vạn người trong thiên hạ. Đây cũng là một trong những yếu tố để nói lên mối liên hệ mật thiết giữa gia đình và xã hội. Cho nên hễ nước mất thì nhà tan, nước giàu thì dân mạnh… hai mối quan hệ này không thể tách rời nhau.

Vì thế, sau khi đã xác định được đặc điểm về giới tính, xác định được tôn ty, thứ bậc dựa theo đặc điểm của tự nhiên, thì vai trò vị trí của người chồng phải là người chủ, là trụ cột chính có quyền hạn cao nhất trong một gia đình. Đồng thời chịu trách nhiệm chung về mọi mặt, đảm bảo cho đời sống của gia đình luôn được ấm no, hạnh phúc cũng như đảm bảo sự phát triển toàn diện về nhân cách của đàn con cháu sau này.
Còn vai trò, vị trí của người vợ là phò tá, giúp đỡ chồng trong việc nội trợ tề gia, quản lý nhà cửa, chăm sóc dạy bảo con cái dựa theo tiêu chí của gia phong đã được qui định sẵn.

Cho nên, đây là những nguyên lý của tự nhiên được ứng dụng để tổ chức, xây dựng thành khuôn mẫu cho mỗi gia đình và cho cộng đồng xã hội theo chiều hướng tích cực nhất. Và nhờ vậy nên mới qui tụ được mọi người trong xã hội cùng bước vào một khuôn khổ chung của chính lý và gia đình mới đi vào trật tự, có nề nếp, có người trên, kẻ dưới, có tôn ty, thứ bậc để ai cũng có bổn phận, ai cũng có trách nhiệm của riêng mình. Đồng thời cũng giúp cho tất cả mọi người ai cũng đồng tâm hiệp lực, ai cũng thống nhất ý chí và hành động để cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho riêng mình và cho cộng đồng xã hội.

Thế nhưng, khi một gia đình đã được quản lý bằng cơ chế thì tất nhiên trong đó phải có những quy định, và để đảm bảo thực hiện tốt những qui định này thì đương nhiên cũng phải có người làm chủ để lãnh đạo như đã nêu trên. Kế đến là phải có người trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công việc đối với những người còn lại trong gia đình, như cơ chế lãnh đạo trong một đất nước. Nhưng thực chất công việc lãnh đạo một gia đình không hề đơn giản vì nó rất cực kỳ khó khăn, vô cùng nan giải hơn là lãnh đạo một đất nước.

Khó khăn ở chỗ, gia đình toàn là người trong một nhà và tất cả đều là người có cùng một huyết thống, có chung một thâm tình. Còn những người trong một đất nước, đều là chỗ thân sơ. Chính vì thế, nên muốn lãnh đạo một đất nước cho thật tốt thì chỉ cần đề ra kỷ cương phép nước cho thật nghiêm, ai vi phạm thì thẳng tay trừng tri là được. Còn với người trong một gia đình thì không thể như vậy, không thể nói chém là chém, xử chết là chết được? Do đó, đạo nhà tuy nhỏ mà việc lãnh đạo lại rất cực kỳ khó. Nhưng một khi người chủ đã tề trị được gia đình mình, thì việc họ bước ra bình trị người trong thiên hạ thật là điều không hề có khó khăn gì vậy.

Chính vì thế, nên một trong những tiêu chí của đạo nhà là đòi hỏi vai trò lãnh đạo , chỉ đạo của người vợ lẫn người chồng đều phải được thống nhất, ngay từ mới xây dựng ra nền móng của gia đình, được thể hiện bằng nội dung của gia pháp. Còn khi đã ban hành, thì ai cũng phải lo hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của riêng mình:

- Người chồng thuộc thể cương dương, cho nên cần phải tận dụng và phát huy tốt để lãnh đạo và quyết đoán được mọi việc trong gia đình, cương quyết không để cho tình thắng lý, không để cho ân tước đoạt nghĩa, không để cho lòng tư ái làm sai lệch đi chính lý tại chính gia đình mình

- Người vợ thuộc thể âm nhu mềm thuận, nên cần phải tôn vinh, ủng hộ, thuận theo mọi ý tưởng sáng suốt của chồng; phải lấy gia đình làm trọng vì đó là giang sơn riêng của người phụ nữ, người vợ. Đồng thời cũng phải ra sức làm tốt nhiệm vụ của mình, thay chồng trong đạo tề gia, chăm sóc nuôi dạy con cái để cho người chồng ra ngoài được yên tâm mà xây dựng sự nghiệp.

Tóm lại, đạo lý này nó chỉ đơn thuần là những nguyên tắc về tổ chức, điều hành trong phạm vi của một gia đình, xây dựng dựa trên nguyên lý vận hành, biến hóa của qui luật tự nhiên. Do đó, khi ứng dụng thì nguyên lý vận hành của hai thế lực khí của âm dương sẽ tác động trực tiếp vào đời sống của vợ chồng, được thể hiện qua tình cảm yêu thương, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để hai người cùng xây dựng cuộc sống của một gia đình dựa theo chiều hướng tích cực nhất.

Cho nên có thể nói đây là một giải pháp, một cứu cánh tối tối ưu nhất dành cho đời sống con con người để dùng vào việc tổ chức, xây dựng nên cuộc sống của gia đình nói chung và cho đời sống tình cảm vợ chồng nói riêng. Vì khi được ứng dụng đúngthì nó sẽ giúp cho mọi hành vi ứng xử của nam, nữ, vợ, chồng đều đạt đến chỗ hoàn thiện nhất. Nhờ vậy mà nó vừa đảm bảo được tình cảm yêu thương nồng ấm của vợ chồng, vừa đảm bảo được mối quan hệ bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau, không để cho bên nào bị thua thiệt hay không thể phát huy hết năng lực, hoặc sở trường riêng dựa theo tính chất, đặc điểm của mỗi người.

Tuy nhiên, đạo lý này cũng có quan hệ mật thiết đến đạo lý của đời sống vợ chồng được ghi bên Phong hằng quái. Vì trong đạo lý này đã ghi lại đầy đủ các nguyên tắc, giúp cho hai người cùng hành xử tốt với nhau trong đời sống vợ chồng. Riêng đạo lý này, chỉ nêu lên bước phát triển tiếp theo khi hai người đã cùng nhau xây dựng đời sống gia đình. Vì thế, bên trong chỉ nêu những nguyên tắc nhằm giúp cho hai người vừa xây dựng được hạnh phúc gia đình, vừa qui tụ được mọi người thân yêu nhất của họ cùng vào một khuôn khổ. Từ đó, người nào cũng biết được mình là ai, nam hay nữ có đặc điểm gì, hiện tại đang ở vị trí nào và phải làm gì để ai cũng ra phận nấy; người nào cũng làm tròn trách nhiệm, ai cũng phát huy hết năng lực sở trường riêng của mình mà bên trong có sự giám sát nghiêm ngặt của người thân, có đầy đủ tình yêu thương và trách nhiệm.

Chính vì thế, nên hai đạo lý này nó đã tách rời được ranh giới, giữa việc hai người cùng hành xử với nhau trong đời sống tình cảm vợ chồng, vưà xây dựng tổ ấm thành hai lĩnh vực riêng biệt, không thể nhầm lẫn vào nhau để có thể hành xử bừa lên hai mối quan hệ này được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là: Dù hai người có hành xử trên lĩnh vực nào, thì nguyên tắc của lĩnh vực đó cũng đảm bảo cho mối quan hệ này luôn được bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không để cho bên nào bị thua thiệt.

Duy có điều, mục tiêu của hai mối quan hệ này có khác nhau, cho nên nguyên tắc của nó cũng có sự khác nhau.
Cụ thể như: trong quan hệ vợ chồng là do hai người cùng đến với nhau bằng tình cảm, tình yêu để xây dựng, thì nguyên tắc hành xử trong đạo vợ chồng cũng sẽ dựa vào cơ sở này để xây dựng nên mối quan hệ yêu thương, bình đẳng nhau trong đời sống của vợ chồng.
Còn khi bước vào xây dựng nề nếp của gia đình, thì nguyên tắc hành xử của nó cũng phải dựa trên nền tảng chính trị hay còn gọi là chính lý của một gia đình. Và khi gia đình đã được hành xử bằng chính lý, thì đương nhiên trong đó phải có tôn ty, thứ bậc phải có người trên, kẻ dưới… Khi người trên ban ra mệnh lệnh, thì người dưới phải nghiêm chỉnh chấp hành… đó mới được gọi là chính lý.

Cho nên trong hai mối quan hệ này, nếu hai người không ý thức tách rời ra, hoặc cứ ung dung hành xử bừa lên trên hai mối quan hệ này, thì tất nhiên sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn trong đời sống của gia đình. Đồng thời nó cũng sẽ vừa gây ra nhiều bi kịch trong tình cảm vợ chồng, vừa gây bất lợi to lớn trong xây dựng đời sống gia đình do sự ngộ nhận, cào bằng quyền bình đẳng của hai mối quan hệ này gây ra vậy.
Do đó, mọi người không nên xem đây là một công trình phiến diện, hay một tư duy thiển cận, hoặc cho đó là sự áp đặt độc đoán từ một phía nào. Lại càng không thể xem đây là một quan điểm lạc hậu, phong kiến, không hợp thời như một số người duy ý chí thường hay ta thán được!

Tuy nhiên để thực hiện tốt đạo lý này, thật ra cũng không hề đơn giản vì một trong những điều kiện của nó đặt ra, cũng không phải dễ dàng gì. Tỷ như các đòi hỏi: Cả hai người nam, nữ, vợ, chồng đều phải đảm bảo được tính chất đặc thù riêng của giới tính. Có nghĩa là nam phải cho ra nam, nữ phải cho đúng nữ. Còn nếu chỉ một trong hai người bị lai tạo về tính chất đặc thù này, thì điều đó cũng sẽ không thể nào thực hiện được?
Vì điều này cũng có nghĩa: Chính bản thân của người vợ, hoặc người chồng họ cũng không biết mình là ai, là nam hay nữ, là vợ hay chồng thì làm sao họ còn có thể biết mình phải làm như thế nào để thực hiện cho đúng bổn phận và trách nhiệm được?…

Do đó nó rất cần đến tư duy, nhận thức của cả vợ lẫn chồng, nhất là về đặc điểm chung của giới tính. Cũng như về thiên chức làm cha, làm chủ, làm vua của một nước, làm thủ trưởng một cơ quan… đối với người đàn ông và thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm mẫu nghi thiên hạ… đối với người phụ nữ. Và tất cả các kiến thức cơ bản này, họ đều phải biết trước khi bước vào đời sống vợ chồng. Nhưng kiến thức cơ bản này đều đã được ghi trong hai đạo lý: Càn và Khôn quái. Cho nên, chỉ có thông qua hai đạo lý này thì cơ bản mới có thể giúp cho hai người nam, nữ vợ, chồng có đầy đủ những kiến thức cần thiết để hành xử tốt với nhau để thực hiện vai trò, vị trí của mình trong gia đình, cũng như bên ngoài đời sống xã hội.

Còn đối với các dân tộc mà nền tảng gia giáo của gia đình đã không còn gìn giữ được, hay đã bị lai tạo bởi nhiều phong tục khác... thì điều này rất cần đến sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Đặc biệt là những người đang nắm giữ vai trò lãnh đạo, điều hành cơ chế của một đất nước cùng phối hợp để thực hiện chiến lược này một cách đồng bộ, từ trong gia đình ra đến bên ngoài xã hội thì mới đảm bảo được mục tiêu này.

Hay nói theo cách khác, đạo lý này không những nó đòi hỏi cả hai vợ chồng đều phải đạt cho được về đặc điểm của giới tính, mà nó còn cần đến sự hiểu biết cơ bản của họ về các mối quan hệ bên trong, cũng như bên ngoài cuộc sống. Do đó, họ rất cần đến gia đình và xã hội cùng phối hợp, đào tạo cho họ một cách chính qui, bài bản theo định hướng này ngay từ lúc vừa đặt chân vào ghế nhà trường. Nhằm giúp cho họ có đủ điều kiện cần thiết, trước khi nói đến việc hai người nam, nữ cùng nhau bước vào xây dựng đời sống gia đình.

Cho nên, chỉ có thông qua quá trình đào tạo một cách toàn diện và liên tục này, thì trong gia đình họ mới đủ tư cách để làm một người chồng cho ra chồng, người vợ cho ra một nguời vợ. Cũng như họ có đầy đủ những kiến thức cần thiết để hành xử tốt trên các mối quan hệ, cùng với mọi người.

Ngoài ra, người đàn ông sau khi được đào tạo thì họ cũng có đầy đủ tư cách và năng lực để xây dựng, cũng như làm chủ được một gia đình. Từ đó, họ mới thực sự có nền tảng vững chắc để bước ra quản lý, điều hành tốt một đất nước.

Còn như không đãm bảo được tiến trình này, thì cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng xã hội phải đương nhiên tiếp tục nhận những con người không có đầy đủ đức, tài vào hệ thống lãnh đạo của đất nước. Và khi xã hội phải tiếp nhận những con người như thế này, thì không có gì đảm bảo họ sẽ không bị biến thành những kẻ tiểu nhân đắt thời, đắc chí khi họ nắm được quyền lực trong tay. Khi điều này đã xảy ra, thì hậu quả tiêu cực do những người này đem lại cho đời sống xã hội, cũng không ai có thể đo lường cho hết được.
Điều này không những trong thực tế đã chứng minh, mà ngay trong lịch sử của các dân tộc Á Đông, mọi người ai cũng đều nhìn nhận vậy.

Cho nên, những điều kiện khắt nghiệt trong Đạo lý này xem ra cũng không phải là không có luận cứ về khoa học. Nhưng nếu con người không thỏa mãn được những yêu cầu này, thì cũng không thể nói đến việc cùng nhau xây dựng đời sống tốt đẹp cho hạnh phúc của gia đình và người đàn ông cũng khó có thể nói đến việc thực hành sự nghiệp bình trị thiên hạ, hay làm nên những việc lớn lao gì để ghi danh vào sử sách được.

Ngoài ra trong thực tế cũng còn có một số rào cản khác, khiến cho điều mong muốn chính đáng này khó có thể thực hành tốt được và hậu quả thường dẫn đến nhiều bi kịch trong cuộc sống trong mỗi gia đình nói riêng và cho đời sống của xã hội nói chung.
Những rào cản này, thường thấy trong các trường hợp sau:

1/- Đạo nhà hưng thịnh chỉ có trong thời kỳ dương khí của đất nước hưng thịnh
Dựa theo lời kinh: Âm Dương là hai khí nặng nhẹ, sáng tối, đục trong… được sanh ra từ lòng bản thể của vũ trụ. Khi hai khí này còn trong trạng thái an tịnh thì vũ trụ này sáng tối, trong đục chưa phân và thế giới hữu hình cũng chưa được thiết lập. Cho đến một chu kỳ nhất định, hai khí này cùng phối họp nhau vận động, thì trật tự, kỷ cương của vũ trụ mới được hình thành và sau đó đời sống của muôn loài, vạn vật từng bước mới được sanh thành, biên hóa nên.

Về nguyên lý vận động: Do hai khí này sanh ra từ lòng bản thể Vũ trụ, của thế giới tự nhiên. Cho nên, khi vận hành thì nó cũng vận hành bằng qui luật của tự nhiên, và khi biến hóa ra đời sống của vạn vật muôn loài cũng đều biến hóa theo lý lẽ của tự nhiên. Vì vậy, cũng có thể gọi đây là một cồ máy vô tình của Vũ trụ. Vì khi nó vận hành, biến hóa ra không một thế lực nào hay của bất cứ ai có thể làm chủ và sai khiến nó được, mà ngay cả chính nó cũng không thể nào làm sai lệch đi những qui luật này của nó được.

Cho nên, có thể gọi âm dương chỉ là một hàm số của triết học mà bên trong nó bao hàm được tất cả mọi sự vận động, biến chuyển không ngừng của qui luật tự nhiên. Như lời kinh viết:

”Âm Dương là Khí. Hai khí này luôn phối hợp nhau vận động không ngừng để sanh hóa ra muôn loài, vạn vật và sự biến hóa này nó đều dựa trên nguyên lý: Hễ vật bẩm thụ khí nào, thì khi biến hóa, sanh thành sự vật đó ra nó cũng đều dựa theo lý ấy. Vì có khí ấy thì mới có lý ấy, và có lý ấy thì nhất định phải có khí ấy. Cho nên, muôn vật, muôn việc dưới gầm trời này không có thứ gì là không từ khí ấy mà ra, không có thứ gì là không từ Âm Dương nhị khí mà ra”. Cho nên, trong từ ngữ triết học hễ nói đến âm dương thì ai cũng đều hiểu đó là hàm số của hai thế lực khí này trong vũ trụ và còn có tên gọi đầy đủ khác là: Âm Dương nhị khí vậy.

Sau khi con người ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, thì cũng phải dựa vào mọi hiện tuợng được nó biến hóa ra để thẩm định và hình thành nên các đạo lý của thế gian. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến vai trò cùng những đặc điểm, tính chất của hai thế lực này dành cho sự sống để phân chia ra tôn ty, thứ bật trong việc xây dựng, tổ chức các ngành khoa học phục vụ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đời sống của mỗi gia đình.

Và sự phân chia này được khái lược như sau: Thể dương cương là nam, thể âm nhu là nữ, người quân tử thuộc dương, kẻ tiểu nhân thuộc âm và tinh thần thuộc dương, vật chất thuộc âm; Cũng như dương thì cần tôn, âm thì cần ty, dương thượng, âm hạ, dương trên, âm dưới, dương trước, âm sau, dương chính, âm tà, dương sanh, âm sát v.v...

Từ đó, có thể hình dung và khái lược được âm dương nhị khí là hai động lực chính của guồng máy vũ trụ, dùng để huy động nguồn năng lượng khí của Tiên thiên, phối hợp cùng khí của Hậu thiên để vận hành, biến hóa ra đời sống của vạn vật và cũng là nơi trực tiếp dưỡng nuôi, bảo bộc cho đời sống của vạn vật, muôn loài...

Còn nói về đặc tính của hai thể thì dương khí rất ưa đi sanh thành, tạo dựng và rất thích được tiến lên, không thích dừng lại hay đi xuống. Còn khí của thể âm thì trái lại, nó rất ưa đi sát phạt và thích được đi xuống không thích được tiến lên trên. Cho nên dương khí thì cần đến môi trường rộng lớn bên ngòai, bên trên để hoạt động còn âm khí thì rất cần đến môi trường bên trong, bên dưới để hai thể này cùng phối hợp nhau làm thành công dụng lớn cho đời sống của vũ trụ.

Ngoài ra, khi được ứng dụng vào lĩnh vực nào thì những đặc điểm, tính chất này cũng đều được ứng dụng và hình thành nên những nguyên tắc, nhằm giúp cho con người hành xử trong lĩnh vực này được thuận lợi, dễ dàng hơn không để bị vấp ngã vì sai đường, hay lỗi đạo. Thế nhưng, nếu muốn đảm bảo thực hiện tốt những nguyên tắc này, thì điều trước hết là phải tôn phò dương khí lên trên và phải đưa, hạ thể âm nhu xuống dưới thì hai thế lực này mới hoạt động nhịp nhàng, đúng theo sở trường riêng của nó.

Cho nên, trong đời sống xã hội từ xưa đến nay không biết bao nhiêu công trình xây dựng được thành tựu và đã đem lại nhiều lợi ích lớn lao về cho đời sống xã hội, đều cũng nhờ vào việc thực hiện tốt công trình này. Ngoài ra đối với muôn ngàn sự việc, sự vật trên khắp thế gian này có những kết cục về: được mất, bại thành, tồn vong, sanh tử… cũng đều được bắt nguồn từ cương lĩnh đó mà ra.

Chính vì thế nên việc tổ chức từ bên trong gia đình, cho đến bên ngoài xã hội, từ ngàn xưa đến nay cũng đều dựa trên cơ sở này để tôn phò, đề bạt người đàn ông lên chủ trì mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống. Nhờ vậy, mà xã hội mới được phát triển liên tục, không ngừng cho đến tận ngày nay.

Thế nhưng ngoài yếu tố này ra, thì dương khí cũng còn cần có một chu kỳ sung mãn nhất, để cho nó có đầy đủ năng lực làm tốt trọng trách của mình. Đây cũng là hiện tượng bình thường trong đời sống của thiên nhiên, cũng như đời sống xã hội, đời sống của gia đình mà ai cũng thường biết và cũng thường nhìn thấy được.

Cho nên trong chu kỳ của một ngày đêm, hiện tượng ánh sáng của dương khí mặt trời trong thiên nhiên chỉ sung mãn và sáng rực lên vào buổi sáng, nhất là từ giờ thìn đến giờ ngọ. Còn đối với dương khí trong một đất nước thì chu kỳ sung mãn nhất của nó được nhìn thấy qua những hiện tượng như: nước mạnh, dân giàu mọi người, mọi nhà đều được ấm no, hạnh phúc. Song song đó thì nền văn minh trí tuệ về tinh thần cũng được phát triển vượt bật và rất nhịp nhàng, theo. Cho nên trong một đất nước, con người có thể dùng những hiện tượng này để thẩm định, xem ở vùng miền này, dương khí có đang ở trong thời kỳ hưng thịnh nhất, hay không?

Vì dương khí có hưng thịnh, thì phong thổ của vùng miền này mới sản sinh ra được những con người trai ra trai, gái ra gái và hầu hết đều bẩm thụ được đặc điểm, tính chất đúng về giới tính của riêng mình. Đồng thời mọi người trong xã hội ai cũng có một mặt bằng chung về nhận thức, có chung một tầm nhìn về những điều chân, thiện, mỷ; những điều tốt đẹp nhất dành cho cuộc sống và mọi người ai cũng ra sức thực hiện... Ngoài ra dương khí thịnh cũng sẽ sản sinh ra nhiều bậc danh tài, trong đó có hàng Vĩ nhân, Thánh nhân … cùng xuất hiện trong các thời ký này. Cho nên, giai đoạn này cũng được xem là thời cơ tốt đẹp nhất, giúp cho mọi người cùng thực hiện những ước mơ, hoài bảo lớn của mình...

Trái lại thời kỳ này, là thời kỳ của âm khí thịnh, dương khí phải bị suy vi.

Do trong thời kỳ âm khí thịnh, nền văn minh vật chất đang được phát triển, còn nền văn minh tinh thần và các yếu tố về đạo đức, nhân bản khác đều phải bị lùi đi. Cho nên hầu hết động cơ của mọi người trong xã hội, ai cũng đều chạy theo chủ nghĩa duy vật, mang đầy tính thực dụng dành cho bản thân mình. Còn những giá trị thuộc về tinh thần, cho dù đó là những giá trị tốt đẹp nhất dành cho cuộc sống của cộng đồng nhân loại, cũng không được mọi người quan tâm hay chú trọng đến.

Cho nên, hiện tượng này không những đã xuất hiện trong các chu kỳ lịch sử của dân tộc, mà nó còn xuất hiện ngay trong bất cứ một xã hội hay một gia đình nào. Và khi xuất hiện, thì nó sẽ tác động tích cực để phò trợ cho thể âm nhu, đồng loại của nó luôn được phát triển mạnh, đồng thời nó cũng sẽ khống chế, bài xích lại với thế lực của thể dương minh.
Từ đó nền văn minh tinh thần, người đàn ông, người quân tử thuần túy trong thời kỳ này sẽ không có điều kiện để phát phát huy và phát triển tài năng và trí tuệ của mình. Ngược lại, nền văn minh vật chất, kẻ tiều nhân, người đàn bà, ai cũng được thời thắng thế… Cho nên, lúc này thể âm nhu của người đàn bà sẽ được mọi người cùng khơi dậy, khiến cho họ không bằng lòng ở yên tại vị trí của của mình. Vì thế, lúc nào họ cũng bị thôi thúc, buộc phải vùng lên để tiến ra mọi trường xã hội, tranh giành quyền lợi cùng với những đàn ông.

Ngoài ra trong thời kỳ này, hầu hết mọi người trong xã hội ai cũng đều bị nó tác động, lôi cuốn vào. Cho nên mọi người ai cũng tự thấy bức xúc, cảm thông trước những đòi hỏi này của người phụ nữ. Và cuối cùng họ cũng đã đồng tình ủng hộ, đặc biệt là những người có thế lực trong hàng ngũ lãnh đạo, điều hành guồng máy của xã hội, của đất nước. Do đó, người phụ nữ đương nhiên họ có đầy đủ tư cách, để danh chánh ngôn thuận cùng nhau đứng lên tranh giành quyền lợi một cách thiệt thòi, không bình đẳng với người đàn ông.

Riêng người đàn ông sống trong thời kỳ này thì trái lại, những đặc điểm về tính chất dương cương tồn tại trong người họ cũng đều bị thế lực của thể âm khí thịnh này, bao trùm và chế ngự. Cho nên, hầu hết người đàn ông cũng đều bị đồng hóa và phải biến thành những người đàn ông mang tính chất của thể âm nhu. Hay nói theo cách khác, họ đã bị đồng nghĩa với những người đàn ông mang tính chất của kẻ tiểu nhân. Do đó, trong thời này họ chỉ biết lo nghĩ đến quyền lợi tư hữu của riêng mình, trái với bản chất của một người đàn ông mà họ đang bẩm thụ. Chính vì vậy, nên họ đã không còn được mọi người tôn vinh, đặt nhiều hy vọng về năng lực xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người trong xã hội.

Đây cũng là thực trạng khách quan của hầu hết những người đàn ông sống trong thời kỳ âm khí thịnh, cho nên về mặc chủ quan, họ cũng không biết phải làm gì để có thể phát huy, phát triển tài năng trí tuệ của mình được.
Do đó, những đòi hỏi của người phụ nữ trong thời kỳ này tuy có phần thái quá so với qui luật của tự nhiên, nhưng xem ra cũng có phần chánh đáng vì người đàn ông hiện nay không còn là chỗ vựa vững chắc để họ có thể yên tâm, gửi trọn cuộc đời mình cho những người này được.

Ngoài ra, còn một điều mà người phụ nữ họ không thể biết và cũng không thể ngờ rằng: Trong thời kỳ âm khí thịnh này, ngoài việc họ được phò trợ cho đắc thời, thắng thế ra, thì nó cũng làm cho thể âm nhu, mềm thuận đang tồn tại bên trong con người của họ cũng bị hao mòn, và suy kiệt…
Do đó, hầu như những đức tính ưu việt của một người phụ nữ, người vợ, người mẹ mẫu mực vốn có của họ cũng không còn giữ được vẹn toàn. Thay vào đó là tính cách của một người phụ nữ mạnh mẽ, năng động như tính cách của người đàn ông, nhưng lại mang nhiều tham vọng, nhiều ham muốn tư lợi, vì họ phải cưu mang thân phận của một người đàn bà.…

Hơn nữa trong thời âm khí thịnh, nó đã triệt tiêu hầu hết những đặc điểm thuần túy của một người đàn ông mà người phụ nữ nào cũng hằng mong đợi. Cho nên việc họ tìm kiếm một người đàn ông đúng nghĩa để làm chồng cũng thật không hề đơn giản. Còn người đàn ông âm nam, mang tính cách ngược lại thì đi đâu cũng gặp, không cần phải ra sức kiếm, tìm. Vì thế, nên sau khi họ thiết lập các mối quan hệ với những người này, thì hiện tượng thường gặp trong đời sống là họ luôn bị những người đàn ông này dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn để lợi dụng, khai thác gần như cạn kiệt sức lực của mình mà hầu hết người phụ nữ họ đều không hề hay, không hề biết…

Điều này, thường có hai trường hợp xảy ra:
- Người đàn ông này lạm dụng quyền làm chồng, làm chủ trong gia đình để thống trị người vợ bằng vũ lực, biến họ thành những người nô lệ, tôi đòi và luôn hành xử ngược đãi rất thô bạo…Nhất là ở vùng nông thôn, mọi người còn bị ảnh hưởng dư âm của Nho giáo, nhưng thực tế đã bị những người này ứng dụng một cách sai lầm, lệch lạc làm mất đi tính chất ưu việt, độc đáo về một gia đình truyền thống của Nho gia.

- Trong khi ở thành thị thì bị ảnh hưởng của xã hội phương Tây, nên người đàn ông họ thường nhằm vào tâm lý yếu mềm của người phụ nữ để khai thác, trục lợi. Nhưng với một hình thức tinh vi hơn, vừa phù hợp với tâm lý của người phụ nữ, vừa phù hợp với thời đại trong thời kỳ âm khí thịnh này.. Đó là những hình thức tôn vinh, ca tụng người phụ nữ hết lời…đồng thời họ cũng dùng những hình thức kính trọng, dùng những lời tỏ tình yêu thương để bài tỏ, để chăm sóc, phục dịch.v.v…

Đây cũng là những yếu điểm nhất của người phụ nữ, cho nên đã làm cho họ bị mê hoặc, bị ngộ nhận trước những hình thức lạm dụng này. Vì vậy nên họ đã tự nguyện, vừa hăng hái hoàn thành thiên chức và bổn phận của mình trong gia đình, lại vừa làm tốt công việc bên ngoài xã hội để cùng với người đàn ông kia lo cho gánh nặng kinh tế của gia đình. Với cách hành xử này, thật là một bất công vì nó không phù hợp với vị trí, cùng sở trường riêng của người phụ nữ là những người tay yếu, chân mềm . Với cách hành xử này, không những làm cho người phụ nữ vốn được cho là nhẹ dạ, nên cả tin, mà hầu hết mọi người trong xã hội cũng chẵng ai hay, ai biết. Nhưng nếu có tinh tế phát hiện ra, thì cũng không có cách gì để lên án, hay can thiệp được, còn đa số thì lại rất đồng tình cổ vũ cho những hành vi bất bình đẳng này.

Cho nên đây quả là một áp lực, một gánh nặng quá sức chịu đựng đối với người phụ nữ có thể chất yếu, mềm còn tinh thần thì rất hiền hòa, nhu thuận, dựa theo đặc điểm về giới tính của họ.
Nhưng đối với những người phụ nữ bị lai tạo về tính chất, thì lại là một thời kỳ tốt nhất, thuận lợi nhất để cho họ ra sức thể hiện tài năng, trí tuệ của mình so sánh, khẳng định với người đàn ông. Nhưng xem ra, điều này chỉ mang tính chất khích lệ, động viên họ là chính…Và điều này có lẽ tự họ cũng có thể kết luận về tài năng, trí tuệ của mình khi so sánh với người đàn ông như thế nào và chính họ, mới là người hiểu rõ hơn ai hết?.

Còn trong suốt thời kỳ này, họ càng nổ lực thi tài, đấu trí với người đàn ông bao nhiêu, thì họ sẽ là người đầu tiên bị thiệt thòi về nhiều mặt bấy nhiêu. Chỉ có người đàn ông kia thì lợi cả đôi đàng dựa trên một trong hai thủ đoạn: Hoặc là đàn áp, bạo hành trong gia đình, hoặc là bỏ ra vài câu tâng bốc, xúi giục là có thể được chia sẻ gánh nặng, ít ra là về kinh tế của gia đình do người phụ nữ, người vợ của họ phải nổ lực làm việc gấp đôi, từ bên trong ra đến bên ngoài cuộc sống mang lại...

Do đó trong thời kỳ âm khí thịnh, thì nó sẽ tác động làm cho trật tự, kỷ cương của xã hội nói chung, nề nếp gia đình nói riêng cũng đều bị xáo trộn, làm cho hầu hết mọi người trong xã hội đều bị ngộ nhận giữa cái đúng và cái sai; giữa cái hư và điều thực. Dẫn đến thực trạng cào bằng vị trí của nam nữ, làm cho mạnh yếu, sáng tối, trong ngoài, trên dưới, trước sau… đều bị xáo trộn, đảo điên trong suốt thời kỳ này vậy.

Cho nên, đạo nhà hưng thịnh chỉ có trong một đất nước mà phong thổ dương khí của vùng miền này hưng thịnh. Còn trái lại, đó là thời kỳ tăm tối ai cũng hướng về quyền lợi vật chất, không còn quan tâm đến những giá trị thuộc về yếu tố tinh thần. Đồng thời, cũng còn chỉ ra đạo nhà trong thời kỳ này đã đến hồi cùng cực, cho nên người trong một nhà cũng không thể đoàn kết được với nhau…
Chính vì thế nên ở vào thời kỳ này, không những khó có thể kêu gọi mọi người xây dựng tổ ấm của gia đình, mà cũng còn khó có thể làm gì để cho họ cùng xây dựng lại đất nước, thành một quốc gia giàu mạnh được...

2/- Sự thiếu hụt (bất cập) về đặc điểm của giới tính.
Như trên đã nói, nếu trong gia đình đặc điểm về giới tính của vợ chồng bị chênh lệch, thì hai người cũng khó mà tìm được tiếng nói chung, nhất là trong việc xây dựng tổ ấm của gia đình.
Trong hoàn cảnh này, nếu chỉ người chồng có đầy đủ đặc tính của thể dương, còn người vợ bị khiếm khuyết thể âm nhu thì trong gia đình người vợ sẽ trở thành kẻ tối tăm, nhu nhược. Điều này sẽ dẫn đến sự phối hợp trong, ngoài của vợ chồng không được nhịp nhàng và vai trò chủ đạo của người chồng sẽ bị đơn độc. Trong tình huống này, vai trò lãnh đạo của người chồng, người cha sẽ không có người thực hiện, giám sát một cách nghiêm nhặt, Điều này sẽ gây bất lợi chung cho đời sống của gia đình, trong đó có ảnh hưởng tiêu cực đến đàn con cái.

Cho dù người cha có cố gắng đưa con cái vào khuôn khổ, nề nếp của gia đình, thì cũng khó có thể duy trì được kỷ cương, gia giáo. Thậm chí còn dẫn đến nguy cơ làm cho con cái sợ hải người cha hơn là tình yêu thương, kính trọng đối với đấng sanh thành. Cho nên, dù môi trường làm ăn bên ngoài của người cha có thuận lợi, gia đình có sung túc, khá giả đi nữa, thì đây cũng là mầm mống tiêu cực của con cái, trong tiến trình hoàn thiện nhân cách do sự thiếu hiểu biết, nhu nhược này của người mẹ…

Trường hợp ngược lại, trong gia đình người vợ có đầy đủ đặc tính của thể âm nhu, còn người chồng lại thiếu đi tính dương cương, quyết đoán thì kết quả sẽ ra sao?
Trong trường hợp này, nếu hai người chung sống với nhau được một thời gian, thì sau đó sẽ dẫn đến hiện tượng người chồng sẽ bị người vợ xem thường. Vì năng lực thật sự của người đàn bà, cho dù đó là người có đầy đủ tính chất của thể âm nhu thuần túy đi chăng nữa, thì họ cũng chỉ có thể thay chồng tần tảo, lo cho cuộc sống của gia đình trong một thời gian nào đó, khi người chồng chẵng may bị sa cơ lỡ vận.

Chứ tài đức của thể âm mềm yếu của người đàn bà, không thể nào làm thay được công việc của một người đàn ông cho đến trọn đời, mãn kiếp được. Đặc biệt là: khi người chồng của họ vẫn còn đó nhưng không thể làm chỗ dựa vững chắc của vợ con, làm trụ cột chính cho cả gia đình?. Vì đối với người phụ nữ, người vợ một khi điều này thực sự sảy ra, thì đó sẽ là một sự tổn thất nặng nề đến hoài bão chính đáng của họ về hình ảnh của một người chồng đúng nghĩa mà trước đây họ đã từng mơ ước. Nhưng hiện tại điều này không thành hiện thực, thì liệu sự tổn thất này sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn của một người đàn bà có còn đủ để yêu thương, kính trọng người chồng của họ được hay không? Chắc chắn là không.

Ngoài ra do thiếu chủ trương sáng suốt của người đàn ông thuần túy thể dương minh, nên định hướng của gia đình cũng không ai hoạch định, cũng như không có người làm chủ để quyết đoán mọi việc trong, ngoài. Chính vì thế nên điều kiện phát triển của gia đình cũng không có nhiều hứa hẹn. Đặc biệt là con cái cũng bị thiếu đi chỗ dựa về mặc tinh thần, nhất là những đứa con trai, sẽ bị thiếu đi tính kiên cường, dũng cảm mà người cha của nó không thể nào thể hiện được. Do đó, những đứa trẻ này về sau sẽ gặp nhiều nguy cơ, trở thành những người đàn ông nhu nhược cũng giống như cha, cho dù nó mang trong người đầy đủ tính chất của thể dương cương, cũng không có điều kiện để phát triển được...

Do đó, trong một gia đình nếu có sự bất cập về tính chất của người chồng hay người vợ, thì phía còn lại sẽ không thể nào bù đắp được những khiếm khuyết này và họ cũng khó mà xây dựng theo khuôn mẫu của gia đình này được.

3/- Sự trái ngược về đặc tính giới.
Có thể nói vị trí của người phụ nữ, người vợ trong mỗi gia đình đều có một vai trò rất cực kỳ quan trọng vì họ có tính chất quyết định đến sự thành công hay thất bại của người chồng nói riêng và con cái trong một gia đình nói chung…Vì vậy nó đòi hỏi người vợ trong gia đình phải đảm bảo cho được tính chất thuần túy của người phụ nữ, thì mới có thể làm tốt được yêu cầu này. Còn trái lại, dù người vợ có đặc điểm bất cập hay thái quá gì đi nữa, thì cũng không thể nào thực hiện cho tốt được.

Ngoài dạng bất cập đã nêu ở phần trên, thì người phụ nữ tiếp theo là có thể âm thái quá. Có nghĩa là người đàn bà này đã bị biến đổi sang trạng thái theo chiều hướng cuả thể dương cương và tất nhiên tính cách thuần túy của họ đã bị thay đổi sang tính cách khác: Tính cách của một người đàn ông.

Cho dù thân phận của họ chính hiệu là một người đàn bà, gắn liền với sức lực và tài năng yếu. Nhưng trái lại tính khí của họ rất cương cường, có mưu đồ lớn lao, đại sự như những người đàn ông khác. Do đó trong cuộc sống họ chỉ chú trọng đến những mục tiêu này và trong thực tế họ cũng có tạo nên được một số thành tựu về kinh tế trong gia đình, cũng như có được địa vị, quyền lực bên ngoài xã hội...
Cho nên đối với công việc sở trường của người phụ nữ là nội trợ, tề gia, làm những công việc lặt vặt, tỉ mỹ trong nhà… thì trái lại họ không hứng thú và trong thực tế họ cũng không thể làm cho khéo, cho tốt được...

Đó cũng vì trong lòng họ lúc nào cũng nuôi ý định sẽ tiến ra bên ngoài xã hội để thi tài, đua sức tạo nên sự nghiệp như những người đàn ông. Cho nên, họ không quan tâm đến những công việc của một người phụ nữ, người vợ phải làm? Chính vì thế, nên sau khi bước vào xây dựng đời sống gia đình, thì hầu hết những người đàn bà này đều cảm thấy không được bằng lòng, mãn nguyện cho dù là chung sống với bất kỳ người đàn ông nào?…

Thế nhưng vì sao một người phụ nữ vốn có một thể chất yếu mềm, một tinh thần nhu thuận, dịu hiền như vậy lại luôn có ý định hành xử trái ngược với thể chất của mình? Điều này cũng thật đơn giản, đó là vì họ bẩm thụ nhằm vào tính khí của người đàn ông. Hay còn gọi theo cách khác là những người đàn bà này, đã được bẩm thụ vào thời kỳ thể âm nhu cùng cực, thái quá nên tính khí của họ cũng bị biến hóa thành tính khí của thể dương cương.

Chính vì thế, nên bên trong họ thường xuyên bị khí của thể dương cương này nhiểu loạn, khiến cho họ không còn hứng thú gì đến việc học tập, hay trau dồi phẩm hạnh của một người phụ nữ, người vợ sau này. Đồng thời họ cũng không ưa thích gì những công việc tỷ mỹ, lặt vặt mà người phụ nữ cần có, cần làm. Vì thế nên mục tiêu, lý tưởng của họ cũng không giống như những người phụ nữ bình thường khác, thậm chí họ còn chê bai, chỉ trích lại cung cách hành xử của những người phụ nữ thuần túy này?.

Dựa theo lý thường một người phụ nữ thuần chất, khi được sanh ra và lớn lên ai cũng đều phải chuyên tâm rèn luyện, học tập để trau dồi phẩm hạnh nhất là về: Công, Dung, Ngôn, Hạnh dựa theo đặc điểm của người phụ nữ để trang bị cho mình một căn bản vững chắc, để sau này làm tốt vai trò của một người vợ, người mẹ và cũng làm một nhà quản lý tốt trong một gia đình. Ngoài ra sự hiểu biết này cũng còn dành để làm người trợ thủ đắt lực, tin cậy nhất giúp cho chồng hoàn thành sự nghiệp, lo cho cuộc sống của gia đình và đời sống bên ngoài của xã hội.

Ngoài ra, với tài đức này họ còn có thể dự phòng khi người chồng bên ngoài bị sa cơ lỡ vận, thì họ cũng có đủ bản lãnh để thay chồng lo cho cuộc sống của gia đình. Nhưng tất cả mọi việc làm này, họ đều có chung thái độ Tất cả chỉ vì chồng con, vì hạnh phúc của gia đình mình.
Vì vậy, những công sức đóng góp này không bao giờ họ so đo hay tính toán với chồng và cũng không hề than thân trách phận, hoặc oán trách điều gì với bất cứ ai .
Đây mới thật là đức độ của một người phụ nữ, người vợ thuần túy, mẫu mực mà người đàn ông nào cũng hằng mong đợi.
Về mặc trí tuệ, đối với người đàn bà này đôi khi còn thông minh, tài trí hơn cả người chồng. Nhưng không vì thế mà họ lại dùng tài trí này để hơn thua, hay áp đặt đối với chồng. Trái lại, họ còn luôn hành xử một cách khôn ngoan và khéo léo để giúp cho chồng tạo dựng nên sự nghiệp. Đồng thời khi sự nghiệp đã thành, thì họ cũng không hề tỏ ra mình tài giỏi, mưu lược hơn chồng, cũng như không hề tự nhận công lao ấythuộc về mình với bất cứ ai…

Vì đối với mẫu người phụ nữ này, làm như vậy không những sẽ làm cho ý chí dương cương đang tồn tại trong người chồng của họ dễ bị tổn thương, mặc cảm, vì đàn ông mà thua tài trí vợ. Và sẽ dẫn đến hậu quả làm cho người chồng thiếu lòng tự tin, không quyết đoán được mọi vấn đề có liên hệ đến cuộc sống...

Cũng nhờ cách ứng xử này, mà nó đã làm cho người chồng tự thấy được tình yêu thương, kính trọng thật sự của người vợ đối với mình và điều này cũng sẽ giúp cho tâm lý của người chồng không còn bị tự ty, mặc cảm nào đối với vợ. Từ đó, họ cũng sẽ đương nhiên đền đáp lại cho người vợ không những bằng tình cảm yêu thương, sự kính trọng mà trong đó còn có cả lòng cảm phục đối với người vợ của mình…

Cho nên với đức độ này, đối với người đàn bà dương nữ họ không thể có được và điều này rất đơn giản, chỉ vì họ không thể nào làm được những việc như thế này. Lý do vì trong cuộc sống, họ thường không có khái niệm và ý thức đúng về phạm trù đức độ cùng với mọi người. Vì vậy nên họ xem sự hy sinh, lòng nhân từ, nhân hậu điều là những thứ trừu tượng và cũng là điều không có thực... Hay nói cách khác, người đàn bà này họ chỉ biết đến quyền lợi trong hiện tại, không cần biết đến tương lai. Cho nên việc họ phải hy sinh bằng tình cảm hay quyền lợi cho người này, kẻ nọ để tích âm đức lại về sau là điều họ không có hứng thú để thực hiện, trái với đức độ của một người phụ nữ thuần túy, mọi người ai cũng đều kính phục.

Nhưng nói chung, người đàn bà này họ thường không bằng lòng với bất cứ ai…Vì họ đang an trụ trong thể chất của một người đàn bà mà tính khí bên trong thì lại là của người đàn ông.

Cho nên, trong đời sống vợ chồng họ thường xuyên bị bất mãn, không bằng lòng với bất cứ người đàn ông nào, cho dù đó là người đàn ông thuần túy dương nam, hay là người đàn ông có tính cách ngược lại…
Trong trường hợp này, nếu họ gặp được một người đàn ông, người chồng đúng nghĩa của thề dương nam, thì gia đình sẽ thường rơi vào sự tranh giành, xô xát giữa hai người về mặc ý tưởng. Vì mọi chủ trương, quyết sách của người chồng đề ra để xây dựng gia đình cho có trật tự, gia giáo thì sẽ bị người vợ này phản đối kịch kiệt. Hoặc có thái độ đối kháng, bất phục và không cộng tác với chồng.
Ngược lại cũng vậy, người chồng cũng không dễ dàng gì chấp nhận chủ trương, quyết sách của người vợ có tính cách trái thường này. Vì thế, cuộc sống của họ khó có thể tránh được sự bất đồng và gia đình cũng không thể nào yên ổn được. Vì đây là hiện tượng của hai khí dương cương không thể hòa hợp được với nhau. Nếu hợp lại là có sự xô đẩy, bài xích, đối kháng nhau khác với sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” đối với tình bạn của 2 người đàn ông, hoặc của 2 người đàn bà có cùng một tính cách…

Cho nên người đàn bà này thường rất khó có thể tìm thấy hạnh phúc thật sự trong đời sống gia đình, do họ có một tính cách quá cương cường trong một thể chất quá yếu mềm, nhu nhược. Do đó khi được kết hợp với ai thì cũng thường tạo nên những biến cố, gây xung đột trong việc xây dựng tổ ấm với chồng và không những thế, tính cách này nó còn tạo ra sự mâu thuẫn, đối kháng nhau, ngay chính trong lòng họ.

Đây cũng là tâm trạng của những người tài yếu mà trí cương, đồng nghĩa với tâm trạng của những người đàn ông bị biến chất, thành những kẻ tiểu nhân. Những người này,họ vốn có đầu óc rất tối tăm mà lúc nào cũng mang ý đồ an bang định Quốc. Và một khi ý tưởng của họ không thành hiện thực do tài hèn, trí mọn, thì họ bèn dùng mọi thủ đoạn để thực hiện cho bằng được ý định của mình, bất chấp đến mọi lý lẽ...

Ở tính cách của người đàn bà này cũng vậy, nhưng có khác nhau do cấu tạo thể chất của họ là thân phận người đàn bà, gắn liền với tài lực yếu mà ý chí lại quá kiên cường. Do đó với ý chí quá lớn lao, trong một thể chất quá yếu mềm, nhu nhược như vậy, thì nó sẽ không thể nào đủ sức để thực hiện được những ý tưởng to tát này. Nhưng trong thực tế, người đàn bà này họ không hiểu hoặc không muốn hiểu, không muốn biết những chông chênh, bất lợi này nên họ vẫn cứ tiếp tục ôm ấp, thực hiện cho bằng được những ý tưởng táo bạo của mình. Chỉ khi nào họ bị trả giá cho những việc làm này, hoặc họ bị một biến cố làm thương tổn nặng nề đến tinh thần, hoặc thể chất thì lúc này họ mới chịu an phận, quay trở về lại vị trí của mình. Còn nếu chưa bị trả giá, thì không ai có thề làm gì khiến cho họ thay đổi bản tính này được.

Cho nên trong đời sống gia đình, không những họ bất phục tài trí của người chồng lẽ ra không đáng có, mà trái lại lúc nào họ cũng muốn dùng mọi cách để chứng tỏ mình khôn ngoan, tài trí hơn chồng. Đặc biệt là lúc nào họ cũng muốn người chồng phải tùng phục và làm theo mọi sự sai khiến của mình, nhằm để thỏa mãn khát vọng quyền lực như những người đàn ông, đang tồn tại ngay trong lòng họ?

Ngoài ra, trong các mối quan hệ bên ngoài họ cũng thường hay dùng lý trí để phán xét, chứ không dễ bị tình cảm chi phối như những người phụ nữ khác. Thế nhưng, khi quyết định những sự việc thì trái lại họ thường dùng thứ tình cảm này tính toán để chọn phần có lợi. Có nghĩa sự lựa chọn này rất là chi li, thực dụng theo tính cách của người đàn bà vốn có nhiều dục vọng, nhiều tham muốn của thể âm... Cho nên đối với các mối quan hệ, họ thường dựa trên nguyên tắc “bình đẳng”, hai bên cùng có lợi như chốn thương trường. Và điều này họ đã có một tư duy, hành xử chung cùng với những kẻ tiểu nhân, nên ngay cả các mối quan hệ thâm tình họ cũng thường đo đếm, cân đong như vậy.

Do đó, tính cách này đối với một người đàn ông thuần túy thì họ sẽ không sẵn sàng và cũng không dễ dàng gì chấp nhận, một người vợ của mình như vậy. Một người mà đồng nghĩa với những kẽ tối tăm, không hiểu biết gì về đạo lý, không ý thức được thân phận mình là ai, đang ở vị trí nào và phải hành xử ra sao? Hơn nữa, trong cuộc sống lại còn chê bai, chỉ trích, không tôn trọng chồng mình. Và một người vợ như vậy, thì làm sao họ có thể chu toàn bổn phận, làm sao có đủ tư cách để giúp đỡ cho chồng, giáo dục dạy bảo con cái được?

Còn một khi họ đã chập nhận người phụ nữ này, thì cũng có nghĩa là họ sẵn sàng chấp nhận bi kịch trong đời sống gia đình, chấp nhận sự đả kích, chấp nhận mọi sự an bài…cũng như tài năng, chí khí của một người đàn ông trong họ cũng bị chôn vùi theo cùng với người vợ như thế này. Cho nên, đối với họ, người phụ nữ này không thể là đối tượng để cho họ bằng lòng và chọn lựa.
Thế nhưng trong đời sống hôn nhân, người đàn bà này họ cũng có thể tìm cho mình một người đàn ông có đặc điểm âm nam, hoặc người bị suy yếu về tính chất như đã nói ở phần trên. Cho dù những người này họ cũng không được bằng lòng, nhưng các đối tượng này mới có thể thỏa mãn được những nhu cầu, những tham vọng riêng trong lòng họ.

Nói về người đàn ông âm nam, là người có cấu tạo thể chất cũng là người đàn ông, nhưng lại được bẩm thụ vào tính khí âm nhu, mềm thuận của người đàn bà. Do đó, người đàn ông này họ không giống như những người vốn bị suy yếu đặc điểm và tính chất về giới tính.Vì những người này, họ luôn có ý thức mình không có đầy đủ năng lực và ý chí để đảm bảo cho cuộc sống của gia đình, cho nên họ đành phải nhờ vào sức lực của người vợ để cùng lo cho gánh nặng kinh tế của gia đình.
Vì thế, họ biết an phận và tự nguyện chấp nhận làm người phụ thuộc, chịu dưới quyền sai khiến của vợ. Cũng như chấp nhận sự xem thường của con cái, khi người mẹ trong nhà luôn luôn được kính trọng, còn người cha thì như một cái bóng của mẹ chúng ở trong nhà.. Cho dù người vợ của họ mang tính cách gì, thì tính cách của người đàn ông này họ cũng đều như vậy.

Trở lại người đàn ông âm nam, thì người đàn ông này trái lại, suy nghĩ của họ không thể nào cam chịu được như vậy, mà lúc nào trong đầu họ cũng có những âm mưu, những nước cờ đen tối nhằm để trục lợi, cho dù họ đang ở bất kỳ vị trí nào trong đời sống xã hội, cũng như trong đời sống của một gia đình ...

Do đó nếu xét về đặc điểm, thì người đàn ông này thường cũng có chung hoàn cảnh xuất xứ, như những người đàn bà dương nữ. Có nghĩa là họ đã bẩm thụ quá thừa đặc tính của thể khí dương cương. Dựa theo qui luật của tự nhiên, khi dương khí đã đến hồi thịnh cực thì nó sẽ tự biến thành âm, cho nên thể chất của họ là đàn ông nhưng tư duy, trí tuệ của họ thì như của người đàn bà. Hay nói theo cách khác, những người này tuy thể chất là đàn ông, nhưng tính khí thì lại thiên về tính chất của người đàn bà.

Vì thế, trong cuộc sống họ thường hay ôm ấp nhiều ý tưởng rất lớn lao, rất đại sự nhằm để thu tóm cho thật nhiều của cải, uy quyền và danh vọng về tay mình. Thế nhưng, họ không dễ dàng gì đường hoàng, minh bạch đem tài năng trí tuệ của mình ra để thi thố với đời. Đó là vì họ luôn phải đương đầu với các đối tượng là những người đàn ông có đầy đủ tính chất của thể dương cương. Cho nên khi đối diện với những người này, thì trí tuệ của họ không thể nào đủ, để giành chiến thắng được …
Dù tự biết được như vậy, nhưng họ đâu chịu cam lòng? Hơn nữa, vì sĩ diện mình cũng là người đàn ông, nên đã thôi thúc họ bằng mọi giá phải đạt cho kỳ được những mục tiêu này. Đồng thời, họ cũng muốn chứng tỏ mình cũng như bao nhiêu người khác, nhằm để tự an ủi và cũng để che đậy lòng tham lam, ích kỷ của riêng mình.

Hay nói theo cách khác, do bẩm thụ vào tính khí của thể âm cho nên họ cũng là người đàn ông, nhưng trí tuệ thì lại rất tối tăm và nông cạn…Vì thế nên trong cuộc sống, họ chỉ biết hành xử theo bản chất tham lam, ích kỷ của mình là phải làm sao cho có nhiều lợi lộc?. Cho nên họ đã hành xử bừa trên các mối quan hệ và đã gây ra nhiều nhiều bi kịch cho đời sống của xã hội nói chung, cho đời sống của gia đình họ nói riêng. Chính vì vậy, nên mọi người mới gọi đó là những kẻ tiểu nhân. Vì trong cuộc sống, ngoài những việc họ đem đến tai họa cho mọi người trong xã hội nói chung, thì các việc còn lại họ chỉ có thể làm được những việc rất nhỏ nhặt, tầm thường. Cho nên địa vị của họ có được trong đời sống xã hội, cũng thật là thấp kém.

Thế nhưng, hầu hết những người trong số họ đều không có ai nhận ra được điều này và vẫn cứ tiếp tục ôm ấp những ý tưởng lớn lao, để thực hiện cho bằng được. Nhưng vì trong cuộc sống, họ không có con đường chân chánh, lớn lao nào để cho thực hiện, nên họ phải chọn con đường khác thuận lợi, dễ dàng hơn. Đó là con đường trục lợi bất chính, làm bất cứ việc gì, không cần biết sẽ có hại đến ai, kể cả những việc làm bỉ ổi, vô liêm sỉ và đốn mạt nhất, miễn sao thỏa mãn được lòng tham muốn của họ là được?.

Cho nên, trong đời sống vợ chồng những người đàn ông này không thể là đối tượng của những người phụ nữ, người vợ thuần túy, mẫu mực được. Còn đối với những người phụ nữ bị suy giảm, khiếm khuyết về tính chất của thể âm nhu, thì đó lại là những người họ rất dễ dàng lợi dụng, sai khiến. Thậm chí họ còn đàn áp, bạo hành cả về tinh thần lẫn thể xác một khi họ được làm chồng, làm chủ trong một gia đình….
Đây là hình ảnh của những người chồng vũ phu và người chủ độc tài, độc đoán trong gia đình, mà người đời thường quen miệng gọi.

Còn đối với người đàn bà dương nữ, người mang tính cách của đàn ông thì lại khác. Người phụ nữ này họ không dễ dàng gì để cho người đàn ông kia bắt nạt, hay biến thành kẻ tôi đòi, nô lệ mà trái lại tiền tài danh vọng của họ còn có thể biến những người đàn ông này trở thành kẻ hầu, người hạ để phục dịch lại cho mình…

Vì tính cách của người phụ nữ này họ thường rất năng động, ưa đi ra ngoài tạo dựng nên sự nghiệp như những người đàn ông. Cho nên họ thường có trong tay một số tiền tài và cũng có người tìm được cho mình một chức phận, địa vị bên ngoài xã hội. Cũng chính vì đặc điểm này mà nó đã trở thành hấp lực, khiến cho những người đàn ông kia đặc biệt quan tâm và tự nguyện làm bất cứ việc gì, để chinh phục cho được người đàn bà này.

Tuy nhiên đối với một người đàn ông, cho dù là kẻ tiểu nhân chăng nữa, thì người đàn bà kia cũng chưa phải là đối tượng có thể dễ dàng làm cho họ bị thất bại. Vì đối với năng lực thực sự của một người đàn ông tiểu nhân, nếu giao cho họ làm những việc gì đại sự, lớn lao thì tài trí của họ không thể nào làm được. Còn đối với những việc mờ ám, tiểu tâm như đi chinh phục, hầu hạ một người đàn bà có tiền, có quyền kia để trục lợi, thì lại là điều quá dễ dàng.

Do đó, khi gặp được các đối tượng này thì họ sẽ lập tức trổ hết các tuyệt chiêu của mình ra để chinh phục. Có nghĩa là họ sẽ không từ một thủ đoạn nào để làm cho người đàn bà kia phải bị mê hoặc, vì đã được toại nguyện, thỏa lòng. Còn đối với người đàn ông, thì xem như họ đã gần đạt được mục đích...

Tuy nhiên đối với những người đàn bà này, bước đầu họ cũng không ưa gì lối hành xử, phục dịch của một người đàn ông như thế, nhưng nhờ bền chí lâu ngày nên cũng đáp ứng được tình cảm của người đàn bà này. Và đến đây thì ý đồ trục lợi của một kẻ tiểu nhân đã được thành tựu.

Thế nhưng, mối quan hệ giữa 2 người có chung một đặc tính trái thường này có thể gọi: đó là một sự câu kết nhau chỉ vì tư lợi bất chính. Do một bên thì có mưu đồ trục lợi, còn bên kia thì muốn được thỏa mãn sự khát khao về tình cảm và quyền lực của riêng mình…Cho nên sự câu kết này là trái với qui luật của tự nhiên, và nó thường dẫn đến những kết cục ngang trái mà cuối cùng thì người đàn bà kia, sẽ là người thường nhận lấy phần thua thiệt…

Từ đó có thể nhìn thấy: một người đàn bà cho dù họ có đầu tư, trang bị cho riêng mình bản lãnh gì chăng nữa, thì thân phận của họ vẫn là một người phụ nữ với bản chất vốn rất yếu, mềm. Còn người đàn ông kia cho dù tâm địa họ có xấu xa, đê tiện đến đâu thì họ cũng vẫn là người đàn ông, thuộc về phái mạnh. Đây cũng là đặc điểm chung của qui luật tự nhiên, con người không ai có thể làm gì để có thể thay đổi được. Chính vì vậy, nếu xét về bản lĩnh trí tuệ thật sự của một người đàn bà, thì không thể nào so sánh được với một người đàn ông. Nhất là đối với hạng đàn ông tiểu nhân thường có tâm địa bất trắc, không ai có thể đo lường trước được điều gì.

Nhưng nói chung, đối vớí người đàn bà mang đặc điểm này trong đời sống hôn nhân, không có người đàn ông, người chồng nào có thể làm cho họ bằng lòng thật sự. Sau cùng, có người cũng đành phải chấp nhận điều này như một định mệnh khi phải chung sống với một người đàn ông nào, hoặc họ phải chọn sống cảnh cô đơn trong suốt cuộc đời còn lại…
Và điều này cũng thường dẫn đến cuộc sống của gia đình họ cho dù có khá giả, thì cũng không tìm thấy hương vị ngọt ngào như bao nhiêu gia đình khác được.

Tóm lại, trong xây dựng hạnh phúc gia đình nếu có sự trái ngược nhau về đặc điểm giới của hai vợ chồng, thì cũng rất khó có thể nói đến việc xây dựng một gia đình thật sự hạnh phúc được.

4/- Đạo nhà của trời Đông không ứng dụng được ở trời Tây và ngược lại đạo nhà của trời Tây cũng không thích hợp được ở trời Đông.
Như trên đã nói, các nguyên lý cấu tạo hình thành nên những nguyên tắc của đạo nhà này là do ứng dụng từ công trình của nền triết học, xuất xứ từ các nước thuộc vùng miền lãnh thổ của Á đông. Do đó, phạm vi ứng dụng cũng chỉ ảnh hưởng đến các vùng miền, địa lý cũng của Á Đông. Cho nên, đối với phong thổ của trời Tây và các vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng, cũng không thể thích hợp để có thể thực hành đạo lý này.

Vì trời Đông thuộc dương, nơi sản sinh ra và lớn lên của Dương khí trước khi nó được phân chia đi khắp các vùng miền của vũ trụ. Cho nên toàn thể khu vực thuộc vùng miền phong thổ của trời Đông, đều được qui nạp vào vùng lãnh địa của dương khí, hay còn gọi trời Đông là nơi dương khí ngự trị vậy.

Ngoài ra, dương khí thuộc về yếu tố tinh thần nên nơi đây cũng là điểm xuất phát, là lãnh địa của nền văn minh trí tuệ của tinh thần. Và cũng là thánh địa, sản sinh ra các nhà bác học về Vũ trụ quan, Nhân sinh quan, cùng các bậc Vĩ nhân đã sáng lập ra nhiều chủ thuyết và tín ngưỡng nhân bản đầu tiên của nhân loại. Nhằm để định hướng cho con người, sống là phải hành xử sao cho thuận theo qui luật của tự nhiên, giúp cho cuộc sống được an lành, tránh được những họa hại, tai ương do hoàn cảnh của thiên nhiên hay do chính con người tác động.

Chính vì thế, nên ở vùng miền này đã sản sinh ra nhiều bậc Chân nhân, tu hành đắt đạo thành Phật, Thánh,Tiên và được “Thọ tề cùng Thiên, Địa”...Cũng như các nhà đạo đức, những bậc hiền nhân, quân tử đã xuất hiện nối tiếp nhau từ thời này, qua thời khác và họ đã để lại cho đời nhiều đại công trình mang lại lợi ích thiết thực, lớn lao dành cho sự sống.
Và cũng nhờ thế mà trật tự, kỷ cương của xã hội mới được thiết lập, cũng như những nguyên tắc dành cho sự sống mới được đề ra, nhằm giúp cho con người hành xử nhau trên các mối quan hệ nói chung và cho mỗi gia đình, mỗi con người nói riêng, được vuông tròn, tốt đẹp...

Ngoài ra, tại khu vực này nam nữ được sanh ra hầu hết ai cũng đều có đặc điểm thuần túy về giới tính, tạo nên tố chất cơ bản của mỗi con người ai cũng đều được như nhau: Nam ra Nam, Nữ ra Nữ, cho nên mọi ai cũng lo tròn bổn phận, người nào cũng đều hoàn thành trách vụ của mình...
Đối với đời sống xã hội cũng vậy, hầu hết mọi người ai cũng có nhiệt tâm yêu nước, ai cũng hết lòng báo quốc tận trung …và ai cũng đều có tinh thần nhân bản, hiểu thấu đạo lý của thánh hiền. Cho nên mọi người ai cũng có điều kiện thuận lợi để ứng dụng, thi hành tất cả các đạo lý này vào các phạm trù có liên hệ đến cuộc sống…

Còn trời Tây thuộc âm, đây cũng là nơi sản sinh ra và lớn lên của khí Âm nhu trong Vũ trụ, trước khi được phân chia đi khắp các vùng miền cũng như dương khí. Cho nên toàn thể khu vực trời Tây là nơi hùng cứ của khí âm và cũng còn gọi, trời Tây là nơi Âm khí rất cực thịnh vậy.
Nhưng do tính chất của 2 thế lực khí này trong vũ trụ đối lập nhau, cho nên trời Tây thuộc âm, và âm thuộc về yếu tố vật chất hữu hình. Do đó ở vùng miền này là thánh địa, sản sinh ra những nhà bác học, chuyên nghiên cứu về các hiện tượng vật thể hữu hình và họ đã khám phá, phát minh ra những thành tựu khoa học lớn, đem lại lợi ích vật chất về phục vụ cho đời sống của mọi tầng lớp người, trong cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, khí Âm còn là hình ảnh của người đàn bà và người đàn ông, nhưng thuộc hạng tiểu nhân. Cho nên, nơi đây cũng là lãnh địa sản sinh ra những người đàn bà, nhưng lại có tính cách của đàn ông và ngược lại, người đàn ông thì hầu hết đều mang tính cách của người đàn bà… Vì thế, nên vùng đất này là trung tâm, là nơi cực thịnh của người đàn bà và hạng trẻ nhỏ, kể cả các loài súc vật cũng được tôn vinh.

Còn người đàn ông thì trái lại, khí dương cương đang tồn tại trong người họ không thể thăng phát được ở vùng miền có âm khí cực thịnh này. Cho nên về bản chất, tư duy của họ cũng đều bị âm khí thịnh thuần hóa và làm cho họ bị biến dạnh đi về tính chất thuần túy của một người đàn ông. Cũng vì thế, nên hầu hết người đàn ông ở đây họ đều tán thành và tự nguyện tôn thờ chủ nghĩa duy vật thực dụng, cũng như họ luôn tôn vinh, thuần phục theo mọi ý tưởng của người đàn bà... Cho nên họ không còn hứng thú gì và thật sự họ cũng không đủ điều kiện để quan tâm, nghiên cứu các giá trị thuộc về yếu tố tinh thần, vốn là sở trường riêng của một người đàn ông, mang đặc tính của thể dương cương, có trí tuệ thông sáng mà mình đang bẩm thụ.

Cũng chính vì vậy, nên đối với cuộc sống gia đình hầu hết người đàn ông ở đây họ thường có tư duy, nhận thức theo chiều hướng thực dụng của người đàn bà, hơn là dùng lý trí để suy xét và hành xử sao cho thấu tình đạt lý như những người đàn ông thuần túy ở phương đông. Cho nên trong cuộc sống, người đàn ông phương Tây họ không được mọi người xem là trụ cột của gia đình, làm chỗ dựa vững chắc về tinh thần và vật chất đối với vợ, con.
Và cũng chính vì điều này, nên cuộc sống của họ chỉ dừng lại ở vai trò phụ họa còn người phụ nữ, người vợ của họ thì mới thực sự là người làm chủ của gia đình, người có quyền quyết định mọi vấn đề có liên hệ đến cuộc sống…

Do đó, người đàn ông ở đây họ chỉ còn lại trong tư thế sẵn sàng và tự nguyện làm theo mọi điều sai khiến của người vợ, cũng như làm tất cả mọi việc lặc vặt để phục vụ cho mọi người còn lại trong nhà …không giống như tính cách của người đàn ông thuần túy ở phương Đông.

Còn đối với việc hành xử trên các mối quan hệ bên ngoài xã hội, thì hầu như người đàn ông ở đây họ đều được tự do bộc lộ tính cách cố hữu của mình. Có nghĩa là, họ chỉ đặt vấn đề về quyền lợi riêng tư của mình là trên hết…Do đó, khi hành xử trên các mối quan hệ, người đàn ông ở đây nói riêng và người dân bản địa nói chung, ai cũng đều dựa trên mối quan hệ kinh doanh mua bán như ở thị trường là chủ yếu… Cũng như họ đều có chung một quan điểm với nhau trong quá trình quan hệ cùng với mọi người là: Tuyệt đối không để cho bất cứ thế lực nào gây cản trở, hay đe dọa, làm ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của họ trên các mối quan hệ này. Và nếu điều này xẩy ra, thì họ sẽ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để trấn áp, tiêu diệt cho bằng được các thế lực mà họ đều cho là thù địch này…

Nhưng nói chung, mọi người sinh sống tại nơi đây hầu như họ chỉ quan tâm đến công việc làm ăn, mua bán ở thị trường là chính. Cho nên trong quá trình này, nếu không xuất hiện những nguy cơ gây bất lợi, thì sự quan tâm chủ yếu của họ là phải nghiên cứu làm sao, để tạo ra cho thật nhiều của cải vật chất, nhằm làm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của xã hội, để họ có thể thu về thật nhiều lợi lộc, là được. Ngoài ra, họ không còn quan tâm đến những điều gì khác, đặc biệt là về yếu tố tinh thần…

Chính vì thế, nên phong thổ này là nơi hùng cứ của chủ nghĩa duy vật thực dụng, là thánh địa của tiểu nhân, là vương quốc của đàn bà và trẻ nhỏ. Cho nên, phong thổ này không thích hợp cho bất cứ yếu tố nào thuộc về văn minh tinh thần, trong đó có các phạm trù thuộc về qui luật của Vũ trụ, của thế giới tự nhiên mà họ đang tồn tại…

Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là người đàn ông ở đây họ không biết gì về giá trị đạo đức, thuộc về yếu tố tinh thần?... Thực sự là biết đấy, nhưng với phạm trù này, thì họ chỉ xem đó là một hình thức siêu linh, trừu tượng vì họ không thể rờ mó hay nắm bắt được. Tuy nhiên về nguyên tắc, thì họ cũng chấp nhận, nhưng với thái độ không tri cứu đến cùng và chỉ dừng lại ở khái niệm, hay ở vào lĩnh vực của đức tin…Do đó, trong cuộc sống họ cũng không thể bỏ mặc hay tỏ ra không chút bận tâm gì. Đặc biệt khi gặp một tình thế bắt buộc nào đó, là họ sẽ ứng dụng ngay lĩnh vực này để nhằm vào tâm lý và thị hiếu của mọi người đang tồn tại song song với sự nghiệp làm ăn, mua bán của họ.

Sau khi ứng dụng thành công, thì kết quả lợi nhuận mà họ thu về cũng được tăng theo cùng một tỷ lệ. Cho nên lãnh vực này, đã được nhiều nơi ứng dụng, không những để cứu nguy những tình thế bắt buộc, mà nó còn có tác dụng phòng ngừa những rủi ro, song song với đòn bẫy kinh tế của họ. Đặc biệt là các thể chế có các nhà tài phiệt lớn đứng đầu, họ đã xây dựng nên những mục tiêu chiến lược lớn, trong sự nghiệp mua bán làm ăn của họ.

Và một khi được các nhà tài phiệt đem ra ứng dụng, thì lĩnh vực này cũng được quảng bá không kém gì hình thức kinh doanh mua bán ở thị trường. Có nghĩa là họ phải đầu tư tiền của để quảng bá hình thức này thật vô cùng hoành tráng và cũng rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là họ dùng tư duy lợi lộc bằng tiền của mình ra, để bảo trợ cho các hình thức này, song song với việc quảng bá rầm rộ. Và nhờ thế nên kết quả họ đã hấp dẫn được đa số người dân, cũng như được mọi người ủng hộ sự nghiệp làm ăn lâu dài của họ.

Cho nên mục tiêu này, trước mắt cũng đã phần nào đáp ứng được những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống đối với một số người dân, nhất là những người thuộc tầng lớp thấp. Nhưng đối họ thì trái lại, họ sở hữu được thật nhiều cái lợi to lớn khác.
Điều lợi to lớn thứ nhất là: Hầu hết những người được thọ hưởng hình thức bảo trợ này, ai cũng đều được an tâm và luôn nhiệt thành, gắn bó với sự nghiệp kinh doanh của họ. Còn điều đặc biệt hôn là: nhờ vào hình thức này mà họ đã ngăn ngừa được những nguy cơ gây xáo trộn trong đời sống xã hội. Điều này, cũng có nghĩa là nó sẽ giúp cho họ còn có thể được tiếp tục làm giàu, cùng sự nghiệp của họ cũng sẽ được vững bền mãi mãi.

Còn xét về thực chất, thì lĩnh vực này thuộc về yếu tố tinh thần có tính nhân bản của các dân tộc Á Đông. Cho nên, những người thực hiện các mục tiêu này là chỉ nhằm vào lợi ích của tất cả mọi người dân, xuất phát từ tấm lòng yêu mến dân, vì cuộc sống của mọi người dân chứ không phải vì lợi nhuận dành riêng cho một số người nào?. Do đó, lĩnh vực này không có chỗ để tồn tại trong một thánh đường của chủ nghĩa duy vật này được. Và nếu có, thì cũng đã được con người nơi đây thay đổi đi bản chất ưu việt của nó rồi vậy?.

Từ đó cho thấy, phong thổ của trời Tây người đàn ông không thể phát huy, phát triển được tính cách chân thực của mình và cũng tất nhiên, tinh thần của người quân tử, trí tuệ của các bậc Đại nhân, Hiền nhân, Thánh nhân hay Tiên, Phật gì cũng khó mà hội nhập vào vùng đất này được... Và điều này cũng thật sự đơn giản, chỉ vì vùng đất này được cấu tạo do tính chất, đặc điểm phong thổ của vùng miền tự nhiên, trong vũ trụ vậy.

Vì thế mới gọi trời Tây là nơi âm khí thịnh, âm khí thịnh thì dương khí phải suy, cho nên người phụ nữ thì được thời còn người đàn ông thì bị thất thế. Chính vì vậy nên vị trí của người phụ nữ, người vợ trong nhà mới có quyền tối thượng, còn hầu hết người đàn ông thì không được người nhà và mọi người trong xã hội hoan nghênh…

Do đó mà những nguyên tắc đạo nhà của trời Đông nói riêng và tất cả các phong tục tập quán, truyền thống đạo lý hay bản sắc văn hóa dân tộc gì của trời Đông nói chung, cũng không thể thực hiện được ở trời Tây. Ngược lại, trời Đông cũng vậy, không thể thực hiện đạo nhà, hay những phong tục tập quán và truyền thống văn hóa dân tộc của trời Tây vào đất nước mình được.
Nếu du nhập vào một cách tùy tiện, duy ý chí thì kỷ cương trật tự xã hội sẽ rối loạn, cương thường đạo lý trong nhà, cũng như tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của dân tộc cũng sẽ bị chôn vùi, mai một. Vì mọi người không thể thực hiện và phát huy một nền văn hóa mà bên trong luôn có sự xung đột, đối kháng nhau như vậy được.

Phần II. Ý nghĩa thứ tự và nguyên lý cấu tạo hình thành nên Gia đình trong Gia Nhân quái.

…………………//////////////////////////////////////////……………………..
…………………///////////////////////////////////////////………………………
………………...////////////////…….///////////////////………………………

…………………///////////////////////////////////////////………………………
…………………////////////////…….///////////////////………………………
…………………///////////////////////////////////////////………………………


1/ Ý nghĩa thứ tự của mái ấm gia đình trong tự nhiên giới.

Lời Kinh: Tự quái truyện nói: Di là đau, đau ở ngoài ắt trở về nhà, cho nên tiếp đến là thời Gia nhân quái.

Trong đời sống tự nhiên, định luật Tiến Hóa của Vũ trụ là một định luật luôn song hành và chi phối trực tiếp, toàn diện đến đời sống của muôn loài vạn vật, trong đó có đời sống của con người.
Do đó, cho dù là đời sống của xã hội hay của con người thì định luật này vẫn luôn được hiểu theo nhiều cách, được thể hiện theo các trình tự sau đây: Tiến hóa từ Thô thiển cho đến Tinh vi, từ Trọc tới Thanh, từ Tối tới Sáng, từ nghèo hèn đến giàu sang, từ cực khổ đến sung sướng, từ lạc hậu đến văn minh.v.v...điều này ai cũng nhìn thấy và kiểm chứng được.

Cho nên, cũng có thể gọi đây là một quá trình tiến hóa từ đời sống của vạn vật vô tình, cho đến khi tiến lên thành vạn vật hữu tình và sau đó mới thăng tiến lên được đời sống của một con người. Vậy, con người là tinh hoa của vạn vật sau quá trình dài được thăng tiến. Và cho đến lúc này, thì con người mới được quyền chủ động, được quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn… đó cũng chính là nhờ vào định luật tiến hóa này của vũ trụ.

Thế nhưng đây cũng là một tiến trình đầy cam go, nhiều thử thách. Vì định luật này khi hiện diện, thì bản năng của đời sống sinh vật khi tiến hóa lên thành một con người thì nó cũng sẽ vượt trội hơn, so với các loài sinh vật khác. Cũng chính vì vậy, nên con người mới có được quyền suy nghĩ, quyền hành động độc lập, trong khi các loài sinh vật khác không thể nào có được. Cho nên, khi thăng tiến đến vị trí này thì con người cũng tự nhiên và đương nhiên có thêm quyền hạn: Cùng với trời đất cai quản vạn vật và môi trường sinh thái của tự nhiên. Do đó đối với đời sống của vạn vật, con người đương nhiên trở thành người chủ nhân ông của chúng, tồn tại song hành cùng với Thiên Địa, Âm Dương.

Cũng chính nhờ thăng tiến lên đến hàng thượng đẳng này, nên bản năng của con người luôn đòi hỏi: hễ sống là phải ra sức làm việc để thỏa mãn cho được mọi nhu cầu của cuộc sống. Đồng thời khi cuộc sống căn bản đã được ấm no rồi, thì nó lại thôi thúc con người phải nỗ lực hơn nữa để có được một cuộc sống thật đầy đủ và sung túc hơn: Được giàu sang, quyền quí, có địa vị, có quyền lực hơn người, nhằm thống trị cả thiên hạ dưới bầu trời này...

Do đó khi thăng tiến lên đến giai đoạn này, thì cũng có nghĩa là bản năng của con người đã được thoát ra từ bản năng của loài sinh vật. Nhưng đồng thời, thay vào đó nó cũng tự biến hóa ra thành lòng tham muốn, tồn tại trong mỗi con người, mà chính con người cũng không hề hay biết. Mãi cho đến khi hay biết, thì nó đã thật sự chế ngự và sai khiến được mỗi con người rồi. Từ đó có thể gọi, lòng tham muốn này nó đã đương nhiên trở thành một kẻ vô hình, có đầy đủ quyền hạn để ban ra những mệnh lệnh nhằm để thúc dục, sai khiến và buộc con người phải làm theo mọi đều sai khiến này... Và điều này đã làm cho con người không thể nào chủ động để ngăn dừng lại được, cho dù đó chính là bản thân mình.

Vì thế, đã là con người thì tất cả đều có chung lòng tham muốn và cho dù đó là người nào, chánh hay tà, thiện hay ác gì cũng không ngoại lệ…
Cho nên trong cuộc sống, về cơ bản con người đều có chung một mục tiêu là: tranh đấu để được sinh tồn. Vì thế, nên họ đã tự nguyện đoàn kết nhau cùng đấu tranh với môi trường làm ăn sinh sống, để nhằm giúp cho họ được cùng tồn tại. Thế nhưng, sự đoàn kết này mục tiêu khởi đầu chỉ là để tìm kế mưu sinh, nhưng sau đó thì mọi người quay lại tranh dành, chiếm đoạt lẫn nhau? Vì tất cả mọi người ai cũng có lòng tham muốn và ai cũng đều mong muốn thỏa mãn cho được lòng tham muốn này?.

Cho nên trong suốt quá trình tồn tại, con người luôn phải đối đầu trước những khó khăn và gặp phải rất nhiều gian nan và thử thách, có khi họ còn phải hy sinh đến cả tính mệnh của mình. Còn như có người nào được may mắn hơn, thì họ cũng phải bị chuốc lấy những trở ngại, ưu phiền hay gặp những họa hại, đớn đau gây thương tổn nặng nề đến cuộc sống...

Chính vì điều này, cho nên từ thời cổ đại con người đã ý thức và đã thấu hiểu được những cảnh tượng đớn đau này và họ đã dành ưu tiên hàng đầu để xây dựng cho mỗi con người một tổ ấm gia đình, cùng một mục tiêu chính là: giúp cho con người làm nơi chốn để quay về sau khi bị tổn thất, đớn đau từ bên ngoài môi trường làm ăn sinh sống. Cho nên vai trò của một tổ ấm gia đình đã được con người ý thức và xây dựng rất sớm, ngay sau khi họ bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên, với ý tưởng sơ khai thì hệ thống tổ chức, điều hành trong một gia đình lúc này cũng rất sơ khai. Mãi cho đến khi nền văn minh trí tuệ phát triển thì gia đình mới được tồ chức thành hệ thống, có tôn ty thượng hạ, có thứ tự, trên dưới, lớn nhỏ, trước sau...

Do đó con người sau khi được sanh ra, ai cũng đều được sống trong tổ ấm này, vì đã được các bậc làm cha mẹ dày công xây dựng. Và cũng nhờ thế nên từ tổ ấm này, một sinh vật là con người còn non yếu bé bỏng kia mới được sinh ra, là đã có sự bảo bọc, dưỡng nuôi của đấng sanh thành cho đến ngày khôn lớn. Ngoài ra, khi được sanh ra và lớn lên trong tổ ấm này, thì con người ngoài việc được cha mẹ hết lòng bảo bọc, yêu thương mà chính nơi này còn là một ngôi trường giáo dục, là nơi học tập đầu tiên mang tính quyết định đến nhân cách, đến sự thành công hay thất bại cho mỗi con người, sau khi họ trưởng thành và bước chân vào đời sống tự lập.

Cho nên, chỉ có tổ ấm duy nhất này mới có thể chứa đựng đựơc tình yêu thương vô bờ, xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của cha mẹ dành cho con cái... Từ đó, con người mới có thể được sống an toàn từ lúc sơ sinh, cho đến lúc trưởng thành và hoàn thiện một nhân cách được vững vàng nhất. Đồng thời cũng từ gia đình sẽ cung cấp ra cho toàn xã hội một nguồn nhân lực thật dồi dào và hầu hết đều có đủ đức, đủ tài để lãnh đạo, điều hành tốt trong một đất nước, giúp cho nước mạnh dân giàu xã hội không ngừng được phát triển vậy...

2/ Nguyên lý cấu tạo hình thành nên đạo nhà trong Gia nhân quái
Về nguyên lý cấu tạo hình thành nên Gia nhân quái, cổ nhân đã dựa vào hình tượng của 2 thể Ly và Tốn được chồng xếp lên nhau. Trong đó lấy Tốn quái đặt lên trên, hay bên ngoài có hình tượng là Gió. ( Tốn vi Phong) Ly quái được đặt bên trong hay bên dưới, có hình tượng là Lửa (Ly vi hỏa).

Vì trong thiên nhiên, đây là hình tượng của Gió và Lửa rất gần gủi và không thể thiếu trong đời sống. Cho nên khi nói đến Ly thì ai cũng biết đó là Lửa, nói đến Tốn thì ai cũng đều biết đây là Gió. Nhưng, một khi Tốn quái đã được chồng lên Ly quái, thì tính chất riêng biệt này cũng sẽ được biến đổi đi. Thay vào đó sẽ được biến hóa ra thành một đạo lý khác và ý nghĩa cùng đặc điểm hình tượng, nguyên lý vận hành cũng đều được biến đổi theo…
Cho nên sau khi được biến thành Gia nhân quái, thì đặc điểm hình tượng cùng với ý nghĩa đi kèm, có thể được khái lược như sau:

-Trong từ ngữ của nền ngữ triết học cổ, Tốn mộc có hình tượng bên trong là Gió, còn Ly hỏa có hình tượng là Lửa. Nhưng khi đặt vị trí của Tốn mộc ở bên ngoài, Ly hỏa ở bên trong thì nó được mang tên là Gia nhân quái và có hình tượng là: Gió đi từ trong Lửa ra…Vì thế, Lửa cháy thì Gió sinh và Gió sinh thì Lửa cũng từ trong Gió mà ra. Cho nên hiện tượng trong tự nhiên hễ lửa cháy là sẽ sinh ra gió, lửa càng cháy lớn thì gió càng thêm mạnh và ngược lại: Có gió thì lửa mới cháy, không có gió thì lữa sẽ không thể nào cháy được.
Vì thế, khi 2 thể được phối hợp nhau theo trình tự này, thì cũng có nghĩa là trong đời sống của tự nhiên, gió lửa là 2 vật thể rất cần thiết, rất cực kỳ quan trọng và có mối quan hệ không thể tách rời nhau. Nếu bị tách rời nhau thì đời sống của vũ trụ, cùng vạn vật muôn loài sẽ không thể nào tồn tại được.

Vì trong đời sống của tự nhiên, thể Ly hỏa là ánh sáng và là nguồn nhiệt lượng được cháy lên từ bên trong ánh lửa của mặt trời, được thể Tốn gió mang đi khắp cùng trời cuối đất. Nhằm để soi rọi, ban phát bầu không khí ấm áp, trong lành cho đời sống của vũ trụ nói chung. Cũng như gió đã mang hỏa khí, nhiệt khí này đi khắp mọi nơi để xây dựng, hình thành nên tổ ấm của muôn loài, trong đời sống chung của vũ trụ. Cũng như nó sẽ làm nền tảng vững chắc cho tiến trình sanh hóa, tạo dựng nên đời sống của vạn vật muôn loài. Và nhờ vậy, nên đời sống của muôn loài mới được liên tục phát triển, liên tục được nối tiếp nhau không bao giờ cùng tận...

Ngoài ra trong tiến trình phối hợp nhau của 2 thể, còn có một thế lực khác rất cực kỳ quan trọng vì nó động lực chính, trực tiếp giúp cho 2 thể này cùng phối hợp nhau để tạo thành công dụng lớn cho đời sống chung của Vũ trụ. Đó là 2 đại thế lực khí của âm dương đang tồn tại bên trong và có vai trò chủ đạo, để chủ trì mọi sự vận hành biến hóa ở bên trong.
Cho nên ngoại Tốn có ngôi vị chí tôn của hào 5 là thể dương cương, được trung lẫn chánh… nên nó có đầy đủ năng lực và tư cách lãnh tụ để chánh trị bên ngoài. Còn bên trong nội Ly có hào 2 là thể âm nhu, thuần túy cũng được cả đạo trung lẫn chánh cùng hưởng ứng, phối hợp nhau với hào 5 mà chánh trị được bên trong.

Vì thế các vị trí trên dưới, trong ngoài của âm dương hào nào cũng có ngôi vị chính đáng, phải đạo. Nhờ thế, nên cả 2 mới dùng đức cương nhu, trung chánh của mình để chủ trì cho mọi sự vận hành, biến hóa ở bên trong, giúp cho các hào trong toàn Gia nhân quái tiến lui đều có thứ tự, nề nếp, đảm bảo cho tiến trình liên kết luôn được liên tục và phát triển vững chắc. Cho nên cả 2 thể mới tạo nên được thàng công trạng lớn, phi thường cho đời sống của vũ trụ.

Dựa vào nguyên lý này, cùng với ý nghĩa tốt đẹp của nó dành cho sự sống, nên con người mới ứng dụng để xây dựng, hình thành nên khuôn mẫu của đạo nhà. Đồng thời bên trong cũng dùng nguyên lý vận hành, biến hóa của 2 khí âm dương để làm tôn chỉ cho mọi hoạt động.
Cho nên, trong đời sống tự nhiên nhờ có hiện tượng “Gió từ trong Lửa ra”mà đời sống của vũ trụ mới luôn được vững bền và vạn vật cũng liên tục được phát triển… Còn khi ứng dụng đạo lý này làm khuôn mẫu cho mỗi gia đình, thì nó cũng sẽ giúp cho đời sống của mỗi con người và cộng đồng xã hội luôn được phát triển vững bền hơn.

Vì thế, sau khi cấu tạo hình thành nên tổ ấm thì sự phối hợp trên dưới, trong ngoài của 2 thể Tốn, Ly đã được cụ thể bằng vai trò của nam nữ, vợ chồng cùng nhau ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Cho nên trong đời sống tự nhiên, có ngoại Tốn chính ngôi cửu ngũ đang ở vị trí của hào 5 dương cương, được trung lẫn chánh đang chính trị bên ngoài. Còn trong đời sống của gia đình, thì người đàn ông, người chồng cũng có trong người đầy đủ tính chất thuần túy của thể dương cương. Cho nên khi đứng vào vị trí này, người đàn ông cũng sẽ có đầy đủ tầm nhìn sâu rộng, có trí tuệ minh mẫn, sáng suốt và có đầy đủ năng lực, đủ tài đức để vừa làm chủ một gia đình, đảm bảo cho cuộc sống của gia đình luôn được hạnh phúc, ấm no, vưà tạo dựng nên sự nghiệp bên ngoài xã hội....

Bên trong nội Ly có hào 2 là thể âm nhu, mềm thuận cũng được cả đạo trung lẫn chánh và đang chủ trì vận hành biến hóa bên trong. Thực hiện vai trò này, thì bên trong có người phụ nữ, người vợ cũng mang trong người đầy đủ tính chất thuần túy của thể âm nhu và cũng là một người phụ nữ mẫu mực, hiền đức, dịu dàng luôn là người chia sẻ, ủng hộ thuận theo mọi ý tưởng sáng suốt của người chồng, đang chủ trì mọi việc bên trong. Ngoài ra họ cũng còn là người có đủ tài năng, đức độ để thay chồng trong việc tề gia, nuôi dạy con cái... giúp cho chồng ở bên ngoài yên tâm hoàn thành tốt sự nghiệp…

Do đó khi ứng dụng đạo lý này vào đời sống gia đình, thì con người khi được sanh ra, lớn lên ai cũng đều có một tổ ấm, trong đó có đầy đủ tất cả những người thân yêu nhất của họ.
Ngoài ra, môi trường này cũng là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất để cho con người học tập, trui rèn nhân cách của mình từ trong gia đình, ra đến bên ngoài xã hội. Vì thế, sau khi những con người này lớn lên tiến bước ra bên ngoài xã hội dù là để làm ăn sanh sống, hay tham gia quản lý, điều hành đất nước, thì ở cương vị nào họ cũng là người có đầy đủ đức, tài để có thể đảm đương và hoàn thành tốt được mọi nhiệm vụ.
Cũng chính vì mục tiêu này mà gia đình đã trở thành một địa chỉ rất thiêng liêng của mỗi con người. Do nó đã độc chiếm một vị trí rất cực quan trọng, vô cùng mật thiết đối với đời sống của mỗi con người nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm, khi ứng dụng đạo lý này thì các nguyên lý vận hành, biến hóa của âm dương đều được cả 2 người nam nữ, vợ chồng cùng phối hợp nhau để thực hành mọi việc… Nhưng trong hàm số của triết học thì nam nữ, vợ chồng cũng đều do 2 thế lực khí này sanh thành và biến hóa ra. Cho nên khi 2 người cùng đảm nhận vai trò này, thì cũng có nghĩa: đây là đối tượng để cho 2 thế lực khí này tác động và trực tiếp chi phối vào mọi hành vi tâm thể của mỗi người.

Cho nên, từ vị trí bên trong có hào âm nội Ly, cùng ngoại Tốn của hào 5 dương cương đều đạt cả đạo trung lẫn chánh. Và điều đó cũng có nghĩa là cả 2 hào đều có mang đầy đủ tính chất, cùng đặc điểm thuần túy của 2 thể âm dương. Cho nên trong quá trình phối hợp, nó đòi hỏi cả hai người nam nữ, vợ chồng cũng đều phải có đầy đủ tính chất và đặc điểm thuần túy này, thì cả 2 mới kết hợp nhau tạo được thành công dụng lớn cho đời sống của gia đình và xã hội được. Còn nếu không, thì 2 người khó có thể nói đến việc sẽ cùng nhau hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng này.

Phần III. Nguyên tắc hành xử của đạo nhà trong Gia nhân quái.

Lời kinh viết: Gia nhân, lợi nữ chính.
Có nghĩa là: Trong gia đình, người phụ nữ chân chính thì mới có lợi.

Đây là nguyên tắc đầu tiên và cũng là căn bản nhất, để giúp cho con người dựa theo đó để hành xử, thì đạo nhà sẽ đi vào nề nếp và gia đình được hưng thịnh vậy… Vì nguyên tắc này được xây dựng dựa trên nguyên lý cấu tạo đặc điểm về hình tượng của Gió và Lửa trong đời sống tự nhiên. Đặc biệt nhất là: dùng nguyên lý vận hành, biến hóa của âm dương đang tồn tại bên trong 2 thể Ly, Tốn để hình thành nên nguyên tắc giúp cho con người hành xử trong đạo lý này.

Trong đời sống của vũ trụ, nhờ sự vận hành biến hóa của 2 khí âm dương nên trời, đất cùng vạn vật mới được sanh thành và không ngừng được phát triển. Còn đối với trật tự của đời sống xã hội nói chung hay nề nếp của gia đình nói riêng, thì cũng không thể thiếu đi sự tác động, biến hóa của 2 thế lực khí này mà có thể xây dựng và hình thành nên được.

Đối với đời sống của một con người cũng vậy, cũng phải nhờ đến 2 thế lực khí này ngày đêm liên tục vận hành, để qui động 5 chất cơ bản của vũ trụ cùng liên kết lại với nhau, thì mới cấu tạo, biến hóa thành đời sống của một con người được.
Còn để thẩm định con người là nam hay nữ, thì trong tiến trình này phải dựa vào sự thiên thắng của 2 thế lực này, thì mới biết được kết quả chung cuộc. Tỷ như: Thế lực của dương khí thắng, thì cấu tạo thành người nam, âm khí thắng, thì cấu tạo thành người nữ. Ngoài ra, khi thế lực nào được thiên thắng thì nó sẽ cho ra đời những con người từ tinh thần, cho đến thể chất đều mang đầy đủ tính chất và đặc điểm riêng của thế lực mình.
Chính vì thế nên con người sau khi được sanh ra con trai, là biết rằng dương khí thắng, con gái là âm khí thắng…
Cho nên cùng là một con người, nhưng về thể chất và tinh thần của nam nữ đều có sự khác biệt nhau, đó cũng chính vì tình cờ, tự nhiên mà con người bẩm thụ được khí của âm, hay dương thắng vậy.

Tuy nhiên, sự thiên thắng này không có nghĩa là người nam đơn thuần chỉ độc nhất khí dương cương, còn người nữ thì duy nhất chỉ có khí âm nhu?

Như trên đã nói, đây là tiến trình vận động của 2 khí âm dương nhằm để cấu tạo và hình thành nên đời sống của muôn loài, vạn vật, trong đó có đời sống của một con người. Cho nên, dù là giống đực hay cái, nam hay nữ thì bên trong cũng đều tồn tại đủ 2 thế lực khí này và như thế, thì mới gọi là sự sống.

Riêng đối với một con người, sau khi được cấu tạo thì có 2 vùng lãnh địa dành riêng cho 2 thế lực này tác động, chi phối mọi hành vi vận động trong mỗi con người. Đó là vùng lãnh địa thuộc về tư duy, thần thái là của thể dương minh, còn lãnh địa thuộc về vật chất là do thể âm nhu hùng cứ.
Cho nên trong suốt quá trình tồn tại, con người luôn bị 2 thế lực này trực tiếp tác động và chi phối một cách toàn diện, có trình tự theo tính chất cố hữu của 2 thế lực này, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Chính vì vậy, nên trước khi hành động con người ai cũng phải thông qua suy nghĩ, tính toán trước của tư duy thần thái, rồi sau đó họ mới bắt đầu hành động. Đây cũng là một trong những đặc điểm về thứ tự của nguyên lý âm dương và đặc điểm này có thể khái lược như sau: Dương là chủ, Âm là khách, Dương trước, Âm sau, Dương sáng, Âm tối, Dương chánh, Âm tà...và Âm luôn luôn tùng thuận theo Dương mà tiến .v.v…

Hay nói theo cách khác, cho dù có sự thiên thắng nào thì 2 thế lực này cũng luôn phối hợp nhau để cấu tạo, hình thành nên những con người này. Đồng thời trong quá trình tồn tại, 2 thế lực này cũng cùng trực tiếp tác động, chi phối vào mọi hành vi vận động của con người, thông qua tính chất và đặc điểm của mỗi thế lực.
Cho nên, mọi hành vi vận động của người đàn ông là do thế lực của thể dương cương tác động, người phụ nữ là do thế lực của thể âm nhu tác động…Cũng tương tự như vậy, mọi suy nghĩ thuộc về tư duy thần thái của con người là do thể dương minh tác động, và mọi hành vi vận động thuộc về lợi ích vật thể là do thể âm nhu tác động…

Tuy nhiên, trong sự thiên thắng này con người vẫn còn bị lệ thuộc vào tiến trình cấu tạo, hình thành nên giới tính của nam nữ trong mỗi con người có mang đầy đủ tính chất thuần túy của thế lực khí mình đang bẩm thụ hay không? Nếu có, thì họ sẽ dễ dàng tiếp nhận mọi tác động và chi phối của 2 thế lực này một cách thuận lợi nhất. Có nghĩa là người đàn ông nói riêng và tư duy thần thái của mỗi con người nói chung, đều chịu sự tác động trực tiếp của thể dương cương. Còn người phụ nữ và mọi hành vi vận động của con người là do sự tác động, chi phối từ phía của thể âm nhu.

Cho nên mọi người nam, nữ nói chung từ suy nghĩ cho đến hành động họ đều phải tiếp nhận và thể hiện đầy đủ tính chất cùng đặc điểm của 2 thế lực này. Chính vì vậy nên người nam ra người nam, người nữ ra người nữ cũng như mọi hành vi ứng xử của họ trên các mối quan hệ cũng đều được suy nghĩ chính chắn trước, rồi mới hành động sau ... dựa theo qui luật vận hành, biến hóa của 2 thế lực này.

Còn nếu trong trường hợp con người không bẩm thụ được trọn vẹn tính chất của một trong 2 khí này, thì đó là hiện tượng của âm dương đang trong tìhời kỳ điên đão, cùng cực, sáng tối chưa phân. Cho nên, mới sản sanh ra những con người nam nữ không thuần túy và họ sẽ khó tiếp nhận lực tác động và chi phối theo chiều hướng tích cực nhất từ 2 thể lực khí này. Điều này sẽ dẫn đến tâm trạng bên trong của mỗi người đều bị mâu thuẫn, dày dò đối kháng lại với nhau..

Vì vậy mới sản sinh ra hiện tượng trái ngược: người nam thì mang tính nữ, người nữ thì lại có tính khí của nam. Đồng thời, về 2 lãnh địa của tinh thần và vật chất cũng không ở yên tại vị trí của mình. Điều này, làm cho các nguyên lý vận hành của khí âm dương bị xáo trộn, không theo một trình tự nhất định nào... Do đó, những người này họ thường phải đón nhận sự tác động theo chiều hướng tiêu cực và tất nhiên họ sẽ gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn trong đời sống.

Chính vì thế, nên lời kinh nói: Gia nhân lợi nữ chính . Nữ chính ở đây không đơn thuần chỉ nói riêng về người đàn bà trong gia đình phải là người chân chính, mà trong đó còn chỉ đến tư duy, thần thái của mỗi người cũng đều phải chân chính. Có suy nghỉ chân chính, thì hành xử mọi việc trong, ngoài mới thật sự có lợi, đặc biệt là đối với người đàn ông, người chồng, người chủ trong một gia đình...

Ngoài ra, từ Chân Chính ở đây cũng phải được hiểu theo nghĩa: người nam phải thật sự là thể dương cương, còn người nữ cũng phải thật sự là thể âm nhu…thì mới gọi là Chân. Và khi con người ta đã có Chân rồi, thì sau đó mới có thể trở thành Chính được.
Từ đó cũng có thể hiểu: Mọi suy nghĩ và hành động của từng con người đều phải được chân chính. Và sự chân chính này phải được dựa trên nền tảng của đạo lý, phù hợp với qui luật của tự nhiên, phù hợp với vai trò vị trí trí của mỗi người trong gia đình, cũng như bên ngòai xã hội ... Được như vậy thì người chồng mới ra người chồng, người vợ mới đúng một người vợ… để hai người cùng phối hợp nhau, tạo thành công dụng lớn cho đời sống của chính gia đình mình.

Hay nói theo cách khác, nguyên tắc này được hiểu theo 2 ý:
-Nếu muốn xây dựng cuộc sống gia đình hưng thịnh, thì điều trước tiên người phụ nữ trong gia đình phải là người chân chính trước. Vì có chân chính, thì họ mới có thể phát huy hết thế mạnh của mình vào công việc, làm cho gia đình ngày càng sung túc, hưng thịnh lên dược. Còn nếu không phải là người chân chính, thì trái lại họ là người đàn bà bất chính hay lúc chính lúc tà, tà chính hỗn tạp, thị phi phải trái chẵng phân, thì họ còn biết làm gì để cho cả nhà đều trở thành người chân chính được..

Điều này cũng có nghĩa: Trong gia đình này có một người vợ, người mẹ mơ hồ, hiện tại họ không biết mình là ai, đang ở vị trí nào và cũng không biết mình phải làm gì, thì sao có thể nói đến việc làm tốt vai trò của một người nội tướng. Làm sao có thể chu toàn được thiên chức và bổn phận, thì sao có thể nói đến việc xây dựng cho gia đình mình hưng thịnh được? Cho nên, nếu muốn cả nhà chính, thì trước tiên người vợ, người con gái trong nhà phải là người chân chính trước vậy.

- Ngoài ra nếu muốn người nữ trong nhà chính, thì người đàn ông, người chủ trong gia đình nói riêng và tất cả mọi người nam nữ trong nhà nói chung, đều cũng phải là người chân chính. Có nghĩa là: Sự chân chính này phải được bắt đầu từ bên trong tư duy, thần thái mà tiến ra theo hình tượng của Gia nhân quái, đặc biệt là vai trò của người chồng, người chủ trong gia đình phải là người chân chính trước hết. Vì người chồng, người chủ trong nhà có chân chính, thì mới có đầy đủ ánh sáng trí tuệ và năng lực thực sự để trực tiếp lãnh đạo, làm chủ trong một gia đình. Còn không phải như vậy thì họ sẽ làm chủ và dạy bảo được ai?

Cho nên điều quan trọng nhất là mọi người nam, nữ trước khi bước vào xây dựng đời sống gia đình, thì tất cả đều phải được học tập, rèn luyện về mặc tinh thần cho được vững chắc. Vì tư duy, trí tuệ của con người là vùng lãnh địa, nơi hùng cứ của thể dương minh, cho nên phải thông qua quá trình học tập, rèn luyện thì trí tuệ của mỗi con người mới được sáng bừng lên.

Từ đó, họ mới phân biệt được thế nào là điều hay lẽ phải, và họ cũng biết được mình, hiểu biết được người đặc biệt là họ mới có thể làm chủ được bản thân… Vì bản thân của mỗi con người, cũng là nơi hùng cứ của thể âm nhu mang nhiều dục vọng, nhiều tham muốn. Cho nên nó rất cần đến ánh sáng trí tuệ của thể dương minh soi đường, chỉ lối để cho nó biết mình phải làm gì ?

Do đó, con người sau khi được sanh ra và lớn lên, ai cũng phải được gia đình và xã hội cùng phối hợp nhau đào tạo cho họ về mọi mặc, trên mọi lĩnh vực, từ trong gia đình ra đến bên ngoài xã hội. Dựa theo các nguyên lý vận hành biến hóa của âm dương đang tồn tại bên trong các đạo lý có liên hệ. Nhằm để tác động và khơi dậy vai trò chủ đạo của dương khí, vì đó là động lực khai sáng về tư duy, trí tuệ của mỗi con người.
Đây cũng là một trong những biện pháp, nhằm tôn vinh và tạo mọi điều kiện để cho thể dương minh thăng phát một cách thuận lợi nhất.

Còn đối với thể âm nhu thì ngược lại, vì nó chủ trì về thể chất nên phải được tiết chế và kiềm hãm xuống, đúng như đặc tính vốn có của thế lực khí này.
Được như vậy thì tư duy, trí tuệ của con người mới có định hướng đúng và mọi người đều mới ý thức được đặc điểm về giới của riêng mình. Từ đó ai cũng có thể hiểu được chính mình, hiểu biết được mọi người và họ sẽ cùng hành xử tốt với nhau trên các mối quan hệ từ trong gia đình, ra đến bên ngoài xã hội.

Do đó chương trình này, cần phải được gia đình và xã hội thống nhất đưa vào các cấp học để cùng phối hợp nhau, đào tạo đúng theo chiều hướng này. Trong đó:
- Đối với nam, thì phải học và rèn luyện 3 giềng mối lớn về đạo lý chung của mọi người trong thiên hạ. Vì đó là 3 mối quan hệ cơ bản và chủ yếu nhất, đối với một người đàn ông. Ba mối quan hệ đó là: Đạo vua tôi, tình cha con và đạo vợ chồng … Các đạo lý này, cơ bản cũng đã được ghi trong các đạo lý: Càn, Khôn và Phong hằng quái trong Kinh dịch.

Có thể nói, đây là 3 giềng mối chính để cho người đàn ông đặc biệt quan tâm và luôn gìn giữ bên mình ngay từ lúc tuổi đời còn niên thiếu… Nhằm để rèn luyện cho mỗi người đều có được: Lòng trung thành, sự hiếu đễ và tình nghĩa thủy chung...
Ngoài ra, đây cũng là cương lĩnh duy nhất dành cho nam giới, cho người đàn ông trước khi họ thực hành lý tưởng của kẽ sĩ là: Tề gia, trị quốc bình thiên hạ…

Cho nên, người đàn ông sau khi thông qua được cương lĩnh này, thì họ mới hội đủ các điều kiện để thực hành lý tưởng này. Còn trái lại, hoặc họ không tự gìn giữ được một trong 3 cương lĩnh này, thì xem như họ đã bị mất đi nền tảng khi phải hành xử trên các mối quan hệ… Và như vậy, thì cũng có nghĩa là họ sẽ gặp thất bại trong quá trình làm ăn, sinh sống và đồng thời cũng sẽ gặp thất bại trong việc tạo dựng nên sự nghiệp, cũng như hạnh phúc của gia đình mình...

Bên cạnh đó, người đàn ông họ còn phải học tập và trao dồi thêm 5 đức tính tốt, dựa theo 5 đức lớn của trời đất là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, Phu…Căn bản cũng được ghi trong Càn, Khôn và Trung phu quái…Sau khi thông qua học tập, rèn luyện thì người đàn ông họ sẽ có đủ 5 đức lớn này và sẽ được in thành nết, thông qua mọi hành vi ứng xử cùng với mọi người trong thiên hạ.

Năm đức lớn này là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Trong đó Nhân, là để họ giúp cho lòng mình lúc nào cũng biết yêu thương, biết trân trọng mọi người, mọi vật; Lễ là để hành xử với mọi người sao cho thật công bình, liêm chính, thuận theo lẽ phải của tự nhiên; Trí là giúp cho mình thông sáng, bác lãm được mọi vấn đề, phân biệt được lý lẽ phải trái, thấy rõ được hành động đúng sai và cả chính tà, thiện ác; Tín là nói là phải có, làm là phải được để tạo lòng tin đối với tất cả mọi người v.v...

Cho nên, đây là một giải pháp ưu việt và hữu hiệu nhất mà các nhà bác học Thánh nhân xưa đã ban tặng cho mỗi con người nam, nữ nói chung. Đặc biệt, thông qua chương trình này sẽ trực tiếp giúp cho thế lực dương khí của người đàn ông, được thăng phát một cách tốt đẹp nhất.
Từ đó ngoài trình độ chuyên môn, người đàn ông họ sẽ có được một tầm nhìn sâu rộng bằng ánh sáng của trí tuệ, và có thể xuyên thấu được cỏi hư không. Cho nên việc dù có khó khăn, bế tắc gì, thì họ cũng sẽ tìm ra được cách giải quyết, đúng như đặc điểm và tính chất của thể dương minh mà họ đang bẩm thụ. Và như vậy, thì người đàn ông họ mới có đầy đủ năng lực để giải quyết tốt mọi vấn đề có liên hệ đến cuộc sống, cho dù đó là việc của gia đình hay của bên ngoài xã hội.

Cho nên từ xưa đến nay, người đàn ông chân chính bao giờ họ cũng có chung mục tiêu, có cùng một lý tưởng là: sẽ ra sức rèn luyện để trở thành người quân tử… Vì mọi người, ai cũng thấm nhuần đạo lý của kẻ làm vua trong một đất nước, làm chủ trong một gia đình...đều xuất phát từ 3 cương lãnh, cùng 5 đức tính này.

Ngoài những yếu tố này ra, thì người quân tử còn có một kiến thức sâu rộng về Vũ trụ quan và nhân sinh quan một cách rành mạch. Cho nên ai cũng đều hiểu, biết về các qui luật vận hành biến hóa của Âm dương trong Vũ trụ và họ thường coi đó là: Mệnh trời.
Vì là người am tường thấu đáo về qui luật này của tự nhiên, cho nên họ là những người hơn ai hết phải biết tùng phục qui luật vận hành biến hóa này cũng của tự nhiên. Và nếu coi đó là mệnh trời, thì họ là những người luôn luôn biết sợ mệnh trời!
Vì đây là phạm trù về qui luật của tự nhiên, con người không ai có thể làm gì ngoài việc: vừa phải sống thuận tùng theo qui luật của tự nhiên, và vừa phải biết kiên sợ qui luật này cũng của cổ máy tự nhiên. Như vậy, thì cuộc sống mới được thuận lợi, an toàn và phát triển mãi...

Ngoài ra, họ cũng còn biết dựa theo lý lẽ của tự nhiên để ra sức làm việc và hành xử sao cho thật vuông tròn trên các mối quan hệ, để đem lại thật nhiều lợi ích về cho sự sống, khi phải thực hành mục tiêu, lý tưởng của mình.
Và sau khi họ đã làm tốt được việc này, thì Đức của họ sẽ được ngày càng cao lớn lên thêm. Không như kẻ tiểu nhân, là những người thấp kém về trí tuệ, họ chỉ biết làm theo tư lợi và lòng tham ích kỷ của riêng mình, bất chấp đến quyền lợi, đến sự sống còn của những con người khác.

- Còn riêng người phụ nữ họ vốn là thể âm nhu, gắn liền với tài năng mềm và sức lực yếu. Cho nên họ rất cần có ánh sáng trí tuệ của thể dương minh nơi người đàn ông để họ được soi đường chỉ lối, cũng như họ rất cần đến sức lực của người đàn ông để họ được bảo bọc, nương nhờ. Nhưng, nếu họ muốn được sống trong sự yêu thương, bảo bọc của người đàn ông thì trước hết, họ cần phải trang bị cho mình 3 điều thuận, cũng dựa vào đặc điểm và tính chất của thể âm nhu, đang tồn tại trong trong mỗi con người của họ…

Đó là khi còn ở nhà, thì phải phục tòng theo sự chỉ dạy của người cha, khi xuất giá theo chồng thì phải thuận theo mọi ý tưởng của người chồng và khi chồng chết, thì phải thuận tùy theo ý tưởng của người con, đặc biệt là những đứa con trai...
Ngoài ra, họ cũng còn cần phải học tập và trau dồi thêm 4 đức tính lớn, dựa theo tính chất và đặc điểm của người đàn bà là: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Về 4 đức này có thể tóm lược như: Công là phải làm mọi công việc thật khéo léo, tỉ mĩ; Dung là: phải chú ý đến dung mạo của bản thân, hòa nhã trong sắc diện. Ngôn là: lời nói phải dịu dàng, hợp đạo lý, Hạnh là: đoan trang, nhu mì trong tính nết v.v...

Đó là 3 điều thuận và 4 đức tính tốt mà người phụ nữ nào cũng phải có, phải biết để cuộc sống của mình luôn được người đàn ông là thể dương minh chăm sóc, bảo vệ trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, đây cũng là nền tảng căn bản nhất trước khi người phụ nữ nói đến việc phát huy, phát triển hết sở trường riêng, cùng với năng lực thực sự của mình trong cuộc sống...

Nói tóm lại, cả nam lẫn nữ trước khi bước vào đời sống gia đình, thì ai cũng phải được học tập, rèn luyện theo chiều hướng này. Sau đó, mới có thể tiến ra làm việc bên ngoài xã hội, hay lãnh đạo điều hành trong một đất nước đúng theo hình tượng: Ánh sáng trí tuệ của mỗi con người đều phải được thắp lên từ bên trong của chính gia đình mình. Sau đó, mới tiến ra giúp ích cho cộng đồng xã hội được…

Đặc biệt, với chiều hướng đào tạo này, không những sẽ giúp cho những người dương nam, âm nữ hoàn thiện được nhân cách của mình một cách thuận lợi và tốt đẹp nhất, mà nó còn có thể hoán cải được nhân cách của những người âm nam, dương nữ, vốn đã bị thiêng lệch về tính khí của âm dương. Tuy trước mắt, những đối tượng này không dễ dàng gì hoan nghênh và có thể tự nguyện cùng tham gia rèn luện. Vì các đối tượng này, căn bản là họ không thích làm những công việc phù hợp với đặc điển về giới tính của mình. Nhưng nếu có sự đồng thuận của gia đình và toàn xã hội, thì họ cũng đương nhiên được học tập ngay từ khi còn ở ghế nhà trường.
Đây là một giải pháp học tập và rèn luyện hữu hiệu nhất, giúp cho các đối tượng này điều chỉnh, cân bằng lại sự thiêng lệch về tính chất của âm dương, mà mỗi người trong họ đang bẩm thụ để hoàn thiện lại nhân cách của mình.

Tóm lại, đạo lý này được xây dựng dựa trên cơ cấu của 2 thể: Tốn, Ly cùng tất cả nguyên lý vận hành của âm dương nhị khí, đang tồn tại bên trong thân thể của mỗi người. Cho nên đây là nền tảng ưu việt nhất, giúp cho con người tổ chức, xây dựng nên nề nếp trong mỗi gia đình. Còn bên ngoài thì cũng tổ chức được trật tự, kỷ cương cho đời sống xã hội, làm cho nước mạnh dân giàu, nhà nhà đều được ấm no hạnh phúc. Như lời kinh lần nữa đã khẳng định:

Gia nhân, nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại; Nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã.
Gia nhân hữu nghiêm quân yên, phụ mẫu chi dị dã. Phụ phụ, tử tử, huynh huynh, đệ đệ, phu phu, phụ phụ nhi gia đạo chính. Chính gia nhi thiên hạ định hỷ.
Có nghĩa là: Trong hình tượng của Gia nhân quái, có nội Ly được hào âm bên trong ở chính ngôi vị thứ 2, là gia đình đã có người phụ nữ mang đầy đủ tính chất thuần túy của thể âm nhu, mền thuận và có đức trung chính thủ giữ vai trò chánh trị bên trong.

Ngoại Tốn có hào 5 dương cương ở ngôi vị chí tôn, là bên ngoài cũng có người đàn ông mang đầy đủ tính chất thuần túy của thể dương cương, trung chánh và cũng đang chính trị bên ngoài. Đó là hình ảnh bên trong của một gia đình có nam nữ, vợ chồng đều được chính ngôi và cả 2 đang cùng phối hợp nhau để xây dựng nên hạnh phúc của gia đình mình.

Đồng thời hai thể tốn, ly ngoài hào 5 dương cương và hào hai âm thuận ra, thì các hào trên dưới còn lại cũng đều được ở vào chỗ chính, phù hợp với ngôi vị. Đều này, cũng có nghĩa là: trong gia đình đã có lệnh nghiêm đường là cha mẹ đang chủ trì và cai quản mọi việc lớn, nhỏ trong nhà. Cho nên, mọi người còn lại từ lớn đến nhỏ, ai cũng đều ra phận nấy. Nhờ thế, nên cha ra cha, mẹ ra mẹ, con ra con, anh ra anh, em ra em, vợ ra vợ, chồng ra chồng, cả gia đình người nào cũng được chân chính.

Dựa theo lý thường, trong đời sống xã hội khi đã tổ chức và xây dựng được một gia đình, thành viên nào cũng được chân chính, thì tất nhiên cũng sẽ có được: nhà nào cũng đều được chân chính. Đó là hình tượng của cà thiên hạ đều được thái bình, thịnh trị vậy.
Cho nên qua hình tượng này của thiên nhiên, con người đã ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống nói chung, gia đình và xã hội nói riêng được thành tựu. Điều này có thể nói: Đó là một ân nghĩa lớn của trời đất, của thiên nhiên đã dành để ban tặng cho đời sống của mỗi con người, đó vậy.

Cũng chính vì thế, nên đạo lý này không những đã trở thành niềm tự hào thiêng liêng của mỗi con người, mà nó còn là mục tiêu lý tưởng của người quân tử, của kẻ sĩ thời xưa và kẻ sĩ thời nay hay bất cứ người nào có nhiệt tâm yêu nước, yêu nhà cũng đều phải học tập và noi theo truyền thống tốt đẹp này vậy.

Cho nên trong lời kinh cũng không quên phần ghi chú, nhằm để nhắc nhở và cũng là lời răn dạy dành cho các đối tượng này như:
Phong tự hỏa xuất, Gia nhân. Quân tử dĩ ngôn hữu vật, nhi hạnh hữu hằng.
Có nghĩa là: gió từ trong lửa ra mà hình thành nên đạo lý này của Gia nhân quái. Cho nên, người quân tử khi thấy hình tượng này, thì lời mình nói ra là phải có và phải gìn giữ nết hạnh của mình cho được thường lâu, bền bĩ vậy.

Vì đây là cái gốc, là điều cốt lõi để trang bị cho người quân tử có đầy đủ bản lãnh, trước hết là để họ tề gia, làm sung túc, hưng thịnh cho gia đình mình, sau đó mới có thể đi ra ngoài trị quốc được. Nhưng, muốn làm được việc này, thì trước hết họ phải kinh qua một quá trình tu thân, thật nghiêm túc.
Tu thân theo nghĩa thông thường là: phải thường xuyên lo sửa mình.
Nhưng tại sao lại phải sửa mình, và sửa mình theo chiều hướng nào?
Riêng chữ “sửa mình” thôi, thì bên trong cũng đã có ngụ ý : cuộc sống con người là một quá trình bị xa rời nguồn gốc thiện, do lòng tham muốn làm cho nó bị hư hỏng đi, nên cần phải tu thân để níu kéo, uốn nắn, chỉnh gọt lại chính mình để giúp mình hành xử tốt trên các mối quan hệ, cùng với mọi người trong xã hội.

Cho nên muốn làm tốt được việc này, thì người quân tử trước hết phải tự chỉnh đốn cho được bản thân. Vì có tu sửa, chỉnh đốn được bản thân thì mới có thể làm chủ được mình và sau đó, mới có thể nói đến việc dạy bảo mọi người trong nhà, hay người trong thiên hạ được. Còn nếu như mình không tu sửa cho chính được bản thân mình, thì còn đi dạy bảo được ai?

Hay nói theo cách khác: Người quân tử có tu thân rồi mới nói đến việc tề gia, có tề gia rồi sau đó mới nói đến việc trị quốc, hay bình thiên hạ được.
Vì thế trong đạo lý tu thân, lời nói và hành động của mình là điều quan trọng nhất, trong việc chỉnh đốn bản thân mình. Hoặc nói theo cách khác: việc chỉnh đốn thân mình là phải bắt đầu từ một câu nói, từ một cử chỉ và mỗi hành vi vận động...
Cho nên người quân tử thấy hình tượng: Gió tự Lửa ra mà ý thức và hiểu được trong gầm trời này muôn việc, muôn vật đều được sanh thành và biến hóa ra từ chỗ ở bên trong. Chính vì thế, nên mình phải chính cho đựơc thân mình từ bên trong lời nói, trong từng sự việc mình làm và hễ nói là phải có lý lẽ, có sự thật. Còn khi hành động, khi làm việc là phải có kết quả tốt đẹp và phải thường giữ cho được lề lối, phép tắc làm việc tùy theo vai trò, vị trí công việc của mình.

Có như vậy thì đức độ và công nghiệp của mình mới được lan tỏa ra đến bên ngoài, vì đây cũng còn là kết quả của việc tu sửa hết sức cẩn thận để chính đốn bản thân mình. Cho nên, khi đã Chính được thân mình, thì tất nhiên mọi việc trong nhà cũng sẽ đi vào nề nếp, có trật tự, kỷ cương và gia đình cũng sẽ được sung túc, hưng thạnh vậy.

Về đạo lý này, từ ngàn xưa Nho giáo đã ứng dụng và đã tổ chức thành công trong mỗi gia đình, cũng như trật tự kỷ cương của đời sống xã hội…
Bên cạnh đó, Nho giáo cũng đã ứng dụng tất cả mọi đạo lý có liên hệ, trong kho tàng Dịch học để giúp cho gia đình và xã hội giáo dục, đào tạo nên những con người một cách toàn diện nhất. Chính vì vậy, nên con người sau khi được sanh ra và lớn lên ai cũng có đầy đủ nhân cách, đầy đủ phẩm chất đức, tài để đảm đương nhiều trọng trách, tùy theo bổn phận và trách nhiêm của mỗi người...
Điều này cũng đã chứng minh, trong lịch sử các dân tộc của Á đông, Nho giáo là người đã có đại công trong sự nghiệp trồng người, giúp cho đời sống của gia đình, đời sống xã hội luôn được lành mạnh và phát triển liên tục...

Còn đối với các chủ thuyết tín ngưỡng có nguồn gốc nhân bản khác, thì họ chỉ đề cao và khuyến khích cho tín đồ học tập, cũng như thực hành theo khuôn mẫu này. Nhưng, phải thông qua bằng lăng kính của giáo điều, tùy theo tôn chỉ và mục đích của mỗi tôn giáo…
Ngoài ra không có một đạo lý, một tôn giáo hay một thể chế, một chủ thuyết nào có thể thay đổi các tiêu chí tích cực của gia đình và xã hội trong Gia Nhân quái mà có thể đem lại kết quả tốt đẹp cho gia đình và xã hội được…Cho dù người đó là ai, hay dân tộc nào cũng không ngoại lệ…

Còn nữa, đây là kết quả của một công trình khoa học, thuộc về phạm trù khí hóa của Á đông. Cho nên mọi người ai cũng có thể dụng tâm để nghiên cứu, phân tích và so sá`nh. Nhưng muốn phân tích hay lý luận gì, thì cũng phải dựa trên cơ sở của nền triết học của Á đông mà phân tích, lý giải.
Tuyệt đối không thể dùng trí tuệ của một nền triết học khác, một kiến thức của nền văn hóa khác, mà có thể phân tích, hay lý luận vào phạm trù này được?. Đặc biệt là dùng sở học và kiến thức của Tây Âu để luận bàn về một phạm trù thuộc về nền triết học của Á đông, thì lại càng không thể?.

Phần IV (kết). Tiến trình xây dựng gia đình thông qua 6 giai đoạn hành xử cơ bản và những hệ quả tất yếu.

Hào Sơ cửu.

Lời Kinh viết: Nhàn hữu gia, hối vong.
( Ngăn ngừa khi mới có gia đình, thì ăn năn mất)

a/ Tính chất và đặc điểm của hào.
Hào sơ là giai đoạn khởi đầu của thời Gia nhân quái, là hào dương cương ở tại vị trí hào sơ là được ở vào ngôi vị chính đáng, phải đạo. Lại là hào dương minh sáng suốt, cho nên ngay từ đầu nó đã biết dùng kỷ cương phép tắc để xây dựng đạo nhà. Cho nên lời kinh nói: nó biết dùng phương pháp ngăn ngừa khi mới bắt đầu xây dựng đạo nhà, nên cuối cùng không bị ăn năn, hối hận gì.

b/ Hiện tượng của đời sống gia đình
Từ tính chất, đặc điểm và hình tượng của hào sơ cho thấy, đây là công việc khởi đầu của một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng tổ ấm của mỗi gia đình.
Tại vị trí này có hào dương cương, chân chính có nghĩa đây là một người đàn ông mang trong mình đầy đủ tính chất của thể dương cương. Do đó nên họ có đầy đủ ánh sáng của trí tuệ, đủ để phân biệt phải trái, thấy rõ đúng sai, luôn đề cao chính lý và thường xem đó là mục tiêu phải hướng đến của mình.
Cho nên giai đoạn này, lý trí của họ thường chế ngự được những thứ tình cảm thường tình. Do đó khi được ở vào vị trí này, nếu để lựa chọn những công việc nào có lợi nhất cho tổ ấm gia đình, thì họ sẽ cương quyết chọn và sẽ thực hiện theo chiều hướng đó để tránh sau này không bị hối tiếc, ăn năn.

Ngoài ra, đây là giai đoạn khởi đầu của đạo Gia nhơn, cũng có nghĩa là giai đoạn của hai người Nam, Nữ vừa mới kết hợp nhau để cùng nhau xây dựng đời sống của một gia đình. Đối với công việc khá mới mẽ và hệ trọng này, người xưa cũng thường dạy: Vạn sự khởi đầu nan. Có nghĩa là khi con người vừa bắt đầu xây dựng bất cứ một công trình gì, thì giai đoạn đầu lúc nào cũng rất gian nan và nhiều thử thách. Chính vì thế, công việc nó luôn đòi hỏi người chủ công trình phải có đầy đủ năng lực thực sự, có một tầm nhìn trí tuệ xuyên suốt để đề ra những giải pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất và phải hạ quyết tâm thực hiện cho bằng được, thì công trình này mới thành tựu một cách vững vàng.

Trong đạo tề gia, một người đàn ông chân chính đúng nghĩa như vậy, thì họ luôn thừa trí tuệ để hiểu rằng: Tổ ấm của Gia đình là một nơi dừng chân lâu dài nhất của một kiếp người, mà bên trong đã bao gồm hết tất cả những người thân yêu nhất của họ. Đầu tiên là sự hiện diện của tình nghĩa vợ chồng, sau đó sẽ là tình cha con, tình anh, chị, em trong đó gồm có trai, gái, lớn, nhỏ đều có đủ.
Cho nên nếu so với đạo trị quốc, thì giai đoạn này mọi người dân rất cần một vị vua anh minh, hiền đức còn trong một gia đình, thì rất cần đến một người đàn ông bản lĩnh, có đầy đủ trí tuệ để làm trụ cột, làm chủ cho một gia đình.
Cho nên trong một nước, vai trò của một vị vua là làm thế nào để cho quốc thái, dân an, nhà nhà đều được ấm no hạnh phúc.Còn riêng người đàn ông làm chủ trong một gia đình cũng vậy, cũng phải làm như thế nào để cho gia đình mình được hưng thịnh và hạnh phúc dài lâu…

Để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu này, thì điều kiện trước hết là ngay từ đầu nhà vua phải có trách nhiệm ban hành ra luật vua, phép nước. Còn người chủ của một gia đình thì phải xây dựng cho được gia pháp, gia qui và phải thực hiện ngay từ lúc mới bắt đầu xây dựng đời sống của một gia đình. Vì đây là qui luật muôn đời của cuộc sống chung chạ, có bầy đàn của tự nhiên trong Vũ trụ. Cho nên, gia đình cũng là một môi trường sinh sống chung của một tập thể người, thì tất nhiên cũng phải có kỷ cương, phép tắc cho dù trong gia đình chỉ có vài người thôi, cũng vậy.

Hay nói cách khác, người chủ của một gia đình ngoài việc lo cho kinh tế gia đình, thi hơn ai hết phải là người biết nhìn xa, trong rộng để định hướng cho mọi thành viên trong gia đình, được phát triển một cách hoàn thiện nhất. Đồng thời cũng phải đề ra những biện pháp để ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, có thể làm trở ngại cho sự tồn tại và phát triển của một gia đình.
Do đó, ngay từ đầu người chủ phải biết xây dựng cho gia đình mình một trật tự, kỷ cương bằng phép tắc dựa trên những khuôn mẫu tích cực nhất của đạo lý này. Đồng thời cũng phải dựa vào những đặc điểm, tính chất và thứ bậc của mỗi thành viên để xây dựng, định hướng phát triển về nhân cách cho mỗi người. Và từ đó mới đãm bảo được các mối liên hệ thâm tình, mật thiết không thể tách rời nhau để cùng chung xây dựng tổ ấm của riêng mình.

Tuy nhiên như phần trên đã nói, công việc lãnh đạo của một gia đình rất khó khăn hơn nhiều so với lãnh đạo người trong một đất nước. Vì người trong một gia đình toàn là những người thuộc về cốt nhục tình thâm... Cho nên những thứ ân tình này, luôn làm cho con người ta chủ quan, mất cảnh giác trước những đòi hỏi khách quan của những lý lẽ tự nhiên trong cuộc sống.

Nếu chẵng may bị rơi vào tình cảnh này, thì kết quả sẽ làm cho người chủ của gia đình sẽ không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ. Vì bên trong những thứ ân, tình, đức, nghĩa của mỗi thành viên đều đã bị nhàm chán, hao mòn. Trong hoàn cảnh này, thường là do người cha không ra cha, người mẹ không ra mẹ…dẫn đến cào bằng tôn ti, không còn thứ bậc, làm mất hết thứ tự kẻ trên, người dưới; làm xáo trộn sự phân biệt đặc điểm và tính chất của giới tính nam, cũng như nữ trong nhà…
Và tất cả những điều này là nguyên nhân làm tổn hại đến ân tình, làm bại hoại cả luân thường, đạo lý …không còn thiếu những thứ gì. Đây cũng là điều tất nhiên dẫn đến người chủ của gia đình phải bị ăn năn, hối hận về sau vậy.

Nhưng, một khi người chủ gia đình có đủ ánh sáng trí tuệ và đã biết ngăn ngừa những hình ảnh tiêu cực này ngay từ giai đoạn đầu, bằng kỷ cương, phép tắc thì gia đạo sẽ không thể đưa đến những thực trạng đau lòng này. Và như vậy thì người chủ cũng sẽ mất đi sự ăn năn, cho dù đang ở trong môi trướng bầy, đàn có nhiều người cùng chung sống, dựa theo lý thường là phải đưa đến sự ăn năn.

Cho nên, trong một quốc gia hay trong một gia đình việc ban hành kỷ cương phép nước, hay gia pháp gia qui gì cũng chỉ cần thiết và thích hợp ở thời kỳ đầu xây dựng. Vì ở vào thời điểm này họ sẽ được mọi người đồng thuận rất cao và sự thành tựu cũng rất được vững chắc.
Nếu như liên hệ đến tình hình trong một đất nước, thì lúc này tâm trạng của mỗi người đã bị trải qua một thể chế quá lổi thời và nhiều bất công, thì có ngay được một vị vua vừa mới lên ngôi. Điều này cũng đồng nghĩa với tâm trạng của mọi người đang nô nức, đang hân hoan mong đợi vị vua hiền đức này sẽ là người đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Vì thế, sau khi nhà vua ban hành ra kỷ cương phép nước, thì cũng là lúc được mọi tầng lớp người nhiệt liệt ủng hộ, hoan nghênh và tất nhiên họ cũng sẽ nghiêm chỉnh chấp hành, cùng với kỳ vọng là nhà vua sẽ mang lại đời sống tốt đẹp nhất, cho mọi nhà.

Ngoài ra còn một yếu tố quan trọng nữa là: Trong giai đoạn này, sự tôn kính, và ngưỡng mộ của người mọi người đối với nhà vua này, vẫn còn nguyên vẹn. Lý do vì chưa có một tác động nào làm thương tổn niềm tin, làm thương tổn đến sự trông chờ, mong đợi của mọi người đối với vị vua này. Cho nên mọi quyết sách của nhà vua ban ra đều sẽ được mọi người ủng hộ, vì lúc này lòng người chưa bị hoàn cảnh biến dời, làm chi phối đến niềm tin của họ vậy.

Còn đối với phạm vi trong một gia đình cũng vậy, đây là thời kỳ của hai người nam nữ vừa mới bước ra khỏi môi trường sinh sống chung, cùng với gia đình của cha mẹ. Đồng thời trong lúc này hai người lại còn đầy đủ một thứ tình yêu thương, mặn nồng, thắm thiết với nhau. Cho nên đối với họ, có thể gọi đây là một bước ngoặc để chuyễn sang một thời kỳ quan trọng nhất và cũng là cơ hội duy nhất để cho 2 người cùng thực hiện ước mơ, xây dựng một tổ ấm thật sự của riêng mình.

Điều này cũng nói thêm, trong gia đình truyền thống của Á đông, tất cả đều được xây dựng dựa trên nguyên lý cấu tạo và hình thành nên đạo lý này. Do đó, người đàn ông trong giai đoạn này phải là người có đầy đủ khí chất của thể dương cương, sáng suốt và đương nhiên cũng là người chủ, là trụ cột chính của gia đình. Còn người phụ nữ, người vợ ở đây cũng phải là người có đầy đủ khí chất của thể âm nhu, mềm thuận và là người có vai trò nội tướng của gia đình.

Chính vì thế, nên giai đoạn này giữa hai người ngoài thứ tình cảm nồng nàn thắm thiết, thì người phụ nữ luôn luôn tin yêu, ủy thác hết mọi việc cho chồng và họ sẽ là người đầu tiên ủng hộ mọi quyết định của chồng trong đạo tề gia. Cho nên, đây là giai đoạn thích hơp nhất để cho người đàn ông xây dựng nên kỷ cương, nề nếp của một gia đình, khi mà tình cảm của hai người còn đang trong thời kỳ nồng ấm, chưa bị chi phối của hoàn cảnh khách quan.

Ngoài giai đoạn này ra, họ không có giai đoạn nào thích hợp hơn để tạo dựng nền móng thật sự vững chắc cho quá trình sinh sống của một gia đình. Đồng thời, đạo lý này chỉ thật sự thích hợp cho những người nam, nữ có đầy đủ đặc điểm và tính chất thuần túy về giới tính. Cho nên đối với người đàn ông là Âm nam, thì không thích hợp vì họ không phải là một người đàn ông thật sự có trí tuệ của thể dương cương, để có thể làm chủ cho một gia đình.

Lại càng không thể thích hợp đối với người đàn bà, cho dù đó người đàn bà dương nữ do lai tạo bởi tính chất của người đàn ông, đứng ra làm chủ một gia đình.
Tóm lại, đây là giai đoạn quan trọng nhất để cho người đàn ông bắt đầu thực hành đạo lý tề gia, và cũng là giai đoạn tiếp theo quá trình tu thân của họ. Chính vì thế, nên giai đoạn này họ sẽ biết mình phải làm gì cho phù hợp để xây dựng nền tảng thật vũng chắc, cho qua trình tồn tại và phát triển của gia đình.

Vì một khi họ đã xây dựng xong nền tảng này, thì đó sẽ là một thuận lợi cơ bản nhất để họ vừa giúp cho mình hoàn thành nhiệm vụ tề gia, vừa giúp cho tất cả mọi thành viên có đủ điều kiện thuận lợi nhất để phát triển tài năng và nhân cách của mình. Đồng thời đây cũng là nguồn nhân lực cần thiết để cung cấp cho xã hội, phục vụ tốt cho đất nước sau này. Ngoài ra cũng ngăn ngừa được những hiện tượng tiêu cực, dẫn đến những bị kịch trong đời sống xã hội và đặc biệt là cho tổ ấm, của mỗi gia đình vậy.

Hào Lục Nhị

Lời kinh: Vô vu toại, tại trung qui, trinh cát.
(Hào nhị âm, chẵng làm điều gì nên. Ở trong chủ việc ăn uống, chính tốt.)

a/ Tính chất, đặc điểm của hào.
Là hào âm nhu mềm thuận, ở vị trí hào 2 lại được ngôi trunh chính. Có nghĩa tài của nó là âm nhu, lại ở đúng vào ngôi vị mềm trong thời Gia nhơn quái. Cho nên đây là hào âm mềm, lại còn nhu nhược nên nó không biết phải làm như thế nào để trị được đạo nhà. Không những thế, nó lại còn được ở vào ngôi vị trung chánh, nên nó luôn trung thành với ý tưởng: lấy những thứ tình của vợ con làm tôn chỉ, trong việc xây dựng đạo nhà. Cho nên mới gọi nó là kẽ âm mềm nhu nhược, chẵng làm được điều gì cho nên cửa, nên nhà. Vì thế nó không phải là người đàn ông có thể làm chủ được đạo nhà, trong thời kỳ Gia nhân quái, mà đó là đạo lý của một người đàn bà chân chính, đang thay chồng hành xử đạo nhà trong thời kỳ này vậy.

b/ Hiện tượng trong đời sống
1) Đây là giai đoạn tiếp theo, sau thời kỳ xây dựng kỷ cương nền tảng của gia đình. Nếu, ở giai đoạn đầu cần một người đàn ông có đầy đủ tính chất của thể dương cương, thì giai đoạn này cũng vậy, cũng rất cần đến một người đàn ông có đầy đủ trí tuệ và cương quyết, thì mới làm chủ được gia đình trong thời kỳ này vậy.
Thế nhưng, tại đây người chủ trong nhà lại là người đàn ông âm nam đã bị lai tạo về đặc điểm và tính chất, hay cũng có thể,đây là hình ảnh của một người đàn bà đang đứng ra lãnh đạo, làm chủ trong một gia đình.

Riêng đối với người đàn ông bị lai tạo, trong giai đoạn này họ lại ở nhằm vào vị trí bên trong của người phụ nữ, người vợ. Do đó trí dương cương của họ đã bị bị thể âm nhu mềm thuận của người đàn bà kiềm hãm lại. Cho nên, trong hoàn cảnh này họ không biết phải làm gì để thể hiện vai trò của một người đàn ông, người chủ trong một gia đình. Từ đó, về mặt tư duy trí tuệ, bản thân họ cũng không đủ để phân biệt được phải trái, thấy rõ được đúng sai, thì nói gì đến việc hành xử cùng với những người thân thiết trong nhà, hay cùng với mọi người bên ngoài cuộc sống.

Và cũng do bị lai tạo, bị lệ thuộc vào thể âm nhu nên suy nghĩ của họ cũng bị thiêng về chủ nghĩa duy vật thực dụng, còn tình cảm thì cũng nghiên về hướng của nhi nữ thường tình. Cho nên đối với họ chỉ có vật chất và tình cảm chủ quan là trên hết, đồng thời họ cũng còn rất trung thành với mọi ý tưởng của mình.

Còn đối với vai trò là người chủ của gia đình, thì họ không cần quan tâm đến việc thực hiện vai trò đó như thế nào, để cho gia đình cũng như mọi thành viên trong nhà đều được phát triển theo chiều hướng tích cực nhất. Vì theo suy luận của họ, một gia đình hạnh phúc chỉ đơn thuần là mọi người đều phải yêu thương nhau và bằng mọi cách để cho có thật nhiều tiền, có nhà cao cửa rộng, được ăn trên ngồi trước để hãnh diện vời đời, là được. Còn ngoài ra, họ không bận tâm hay quan trọng đến những nề nếp, kỷ cương theo khuôn mẫu của một gia đình nào khác…

Có thể nói, đến giai đoạn này tuy đạo nhà đã xây dựng nên được nền móng bằng kỷ cương, trật tự. Thế nhưng, với vai trò là người chủ của một gia đình lại có tài đức yếu mềm, nhu nhược như vậy thì làm sao họ có đủ sáng suốt và cứng rắng để đưa mọi người cùng vào được khuôn mẫu này?
Hơn nữa, với vai trò là một người chủ họ phải thường xuyên đối diện với những người thân yêu nhất của mình, trong đó toàn là những người đều có cùng một thâm tình, cùng chung một huyết thống. Cho nên với tài đức yếu mềm nhu nhược như vậy, thì họ không thể nào có được dũng khí để hành xử mọi việc trong nhà, sao cho thấu tình đạt lý được.

Vì thế, khi hành xử mọi việc thì họ cũng rất dễ dàng để cho tình thắng lễ, dễ dàng để cho ân đức chiếm đoạt hết nghĩa tình. Cho nên cuối cùng, họ cũng không thể nào làm tốt vai trò của người đàn ông, làm chủ của một gia đình và tất nhiên cũng không thể nào nói đến việc thực hành đạo lý tề gia, ngay trong gia đình của mình được.
Cho nên lời kinh nói: “ Không thửa thỏa” có nghĩa là: họ không làm được điều gì cho nên nhà vậy.
Vì thế, không những ở giai đoạn này mà các giai đoạn sau cũng vậy, chỉ có những người đàn ông thuần túy, thì họ mới có đầy đủ dũng khí để hành xử mọi việc trong gia đình, họ mới không để cho lòng tư ái của vợ con cướp đoạt đi chính lý, và điều này có thể làm bại hoại kỷ cương, nề nếp ngay trong gia đạo của mình vậy.

Cho nên, đối với đạo tề gia đó là công việc của người làm chủ phải thường xuyên đối mặt và xử lý mọi hành vi lệch lạc của những người thân yêu nhất của mình. Cho nên, nếu lấy tài đức của một đấng nam nhi anh hùng thao lược đi chăng nữa, thì cũng có khi còn phải bị đắm đuối vì tình ái mà không thể tự mình giử được. Huống chi đây lại là người đàn ông yếu mềm nhu nhược, hay đó là người đàn bà, cho dù chân chánh đi nữa, thì liệu họ có thắng được những thứ tình của vợ con của họ hay không? Họ có thắng được cái tình của con cái họ hay không?
Cho nên giai đoạn này rất cần đến một người đàn ông mang đầy đủ tính chất của thể dương cương, thì mới là người có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

2) Ngoài ra, giai đoạn này còn mang một ý nghĩa khác:
Nếu như giai đoạn đầu là giai đoạn không có khó khăn gì, khi người đàn ông bắt đầu xây dựng nền tảng gia phong, nề nếp của gia đình, thì ở giai đoạn này họ rất cần có một người vợ mang đầy đủ đặc điểm và tính chất của thể âm nhu, mềm thuận ở bên trong để phụ giúp cho mình trong đạo tề gia.

Vì ở vào thời kỳ đầu, trong gia đình chủ yếu chỉ mới xuất hiện có một thứ tình cảm duy nhất, đó là tình cảm của vợ chồng. Thứ tình cảm này tuy có mặn nồng tha thiết, nhưng lại là thứ tình không huyết thống duy nhất, lúc nào cũng tồn tại ở trong mỗi gia đình. Nếu như có xuất hiện thêm một vài thứ tình cốt nhục khác, thì những thành viên này cũng còn ngây thơ, trong trắng và chưa bị tác động bởi kỷ cương, nề nề nếp của gia đình.

Còn hiện nay tiến đến giai đoạn này, thì những thành viên kia cũng vừa khôn lớn, lại cũng có thể vừa xuất hiện thêm nhiều thành viên khác nữa ra đời. Cho nên giai đoạn này đã tạo nên một áp lực khá to lớn đối với người đàn ông từ bên trong gia đình, lẫn bên ngoài cuộc sống.

Chính vì thế nên hơn lúc nào hết, họ rất cần một người vợ có đầy đủ tính chất và đặc điểm của thể âm nhu đứng ra làm nội tướng, giúp cho chồng trong đạo tề gia, để gia đình và con cái được phát triển một cách có trật tự, dựa theo kỷ cương, nề nếp của gia đình. Được như vậy thì người chồng mới yên tâm bước ra bên ngoài tạo dựng sự nghiệp để lo cho hạnh phúc của gia đình và họ cũng làm tròn được bổn phận đối với xã hội.

Cho nên, thời kỳ này chủ yếu là nói đến mọi hành vi ứng xử của một người phụ nữ, người vợ mẫu mực đang hỗ trợ tích cực cho chồng để dựng xây tổ ấm, hơn là một người đàn ông mẫu mực, đang làm chủ một gia đình.
Vì nếu xét theo tài đức và vị trí của hào này, thì đó là hào âm nhu, mềm thuận lại ngồi đúng vị trí của thể âm. Cho nên đó là hình ảnh của một người phụ nữ có mang tính chất và đặc điểm thuần túy của thể âm nhu, nên họ luôn lấy tài đức nhu thuận của mình ra để hành xử mọi việc trong nhà: từ ăn uống cho đến nuôi dưỡng, giáo dục con cái...

Hơn nữa, đây lại là hào âm được ngôi trung chính của nội quái, là hình ảnh của người phụ nữ, người vợ rất thủy chung, chân chính đang thủ giữ vai trò nội tướng bên trong để quản lý gia đình, giúp cho người chồng yên tâm xây dựng sự nghiệp bên ngoài xã hội.

Cho nên đối với người đàn ông trong giai đoạn này, nếu thiếu đi vai trò nội tướng của người phụ nữ mẫu mực này, thì họ cũng không thể nào làm được công việc: vừa xây dựng sự nghiệp bên ngoài, lại vừa xây dựng hạnh phúc bên trong cho gia đình mình được.

Tóm lại, trong giai đoạn này người đàn ông làm chủ trong gia đình không thể thiếu đi một người vợ mẫu mực, có đức độ, biết hành xử đúng theo bổn phận và trách nhiệm của mình một cách chính đáng và bền bĩ như vậy được? Vì thiếu đi, thì người đàn ông họ không thể chỉnh đốn được đạo nhà, gia đình họ cũng không thể nào được sung túc và hưng thịnh được.
Cho nên lời kinh nói:” …tại trung quỉ, trinh cát” là như vậy.

Còn như người đàn ông làm chủ trong nhà, lại hành xử theo tài đức của người đàn bà như vậy, thì không những sự nghiệp bên trong, mà sự nghiệp bên ngoài họ cũng chẵng làm nên việc gì lớn lao cho được. Vì bên trong họ quá nhu nhược, yếu hèn nên không thể tự giữ được chính mình trước những thứ tình, ái của vợ con trong nhà được, thì nói gì đến việc tạo dựng nên sự nghiệp bên ngoài?.

Hào cửu tam.

Lời Kinh viết: Gia nhân hạc hạc, hối, lệ, cát; phụ tử hy hy, chung lận.
( Hào 3 dương, người nhà nơm nớp, hối dữ, tốt; vợ con hơn hởn, sau chót thẹn tiếc).
a/ Tính chất của hào.

Đây là vị trí của hào dương đang ở trên cùng của nội quái, và cũng là hào chủ trị bên trong của thời Gia nhân.
Là hào dương ở ngôi vị chính đáng, nhưng lại không được đạo trung, cho nên đó là hào chỉ biết lấy sự sáng, cứng đơn thuần mà chính trị bên trong. Cũng có nghĩa, tuy nó hành xử đúng theo phép tắc của đạo nhà, nhưng lại quá thiêng về quá cứng, quá nguyên tắc mà không chú ý đến thâm tình.

Cho nên lời kinh nói: cho dù có lấy làm ăn năn do người trong nhà đều “ nem nép” vì sự nghiêm dữ, nhưng thà như vậy mà đạo nhà vẫn được tốt hơn là phải thẹn tiếc vì vợ con hớn hở, làm mất đi lễ tiết trong nhà vậy.

b/ Hiện tượng trong đời sống.

Đây có thể gọi là thời kỳ quá độ của người đàn ông đang thực hiện lý tưởng Tề gia, trị quốc bình thiên hạ, nhưng hiện họ vẫn còn đang chủ trị mọi việc trong nhà. Do đã trải qua hai giai đoạn đầu xây dựng và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các mục tiêu phát triển, dựa theo tiêu chí của đạo nhà.
Nếu tính ra, giai đoạn này con người cũng đã ngoài tuổi tam thập nhi lập và cũng là lúc họ chuẩn bị tiến ra bên ngoài để xây dựng nên sự nghiệp.

Cho nên, tâm trạng chung của những người đàn ông trong hoàn cảnh này đang tồn tại nhiều áp lực lớn. Trong đó có Áp lực là họ phải làm sao để duy trì sự ổn định về kỷ cương, nề nếp trong nhà để họ có thể được yên tâm bước ra môi trường bên ngoài xây dựng nên sự nghiệp, phục vụ cho đời sống của mọi người trong xã hội nói chung, cho gia đình họ nói riêng. Vì vậy đối với họ trong lúc này, mục tiêu trước mắt là phải quyết tâm thực hiện cho được việc tề gia, làm tốt vai trò, vị trí của người chủ trong một gia đình.

Vì có chủ trị được đạo nhà, thì họ mới có đủ tự tin bước ra bên ngoài để phục vụ cho đời sống của xã hội. Còn trái lại, kỷ cương nề nếp trong nhà chưa ổn định… thì họ vừa không thể yên lòng ra đi, vừa lo ngại về tài năng, đức độ của mình chưa đủ để mọi người trong xã hội tín nhiệm và như vậy, thì đường hoạn lộ của họ cũng khó có thể rộng mở để bước vào.

Ngoài ra, nói về khí dương cương của người đàn ông trong thời kỳ này có thể nói, là đang ở giai đoạn thăng tiến rất sung mãn nhất, cho nên về sức khỏe và trí tuệ của họ cũng được phát triển không ngừng, Cũng chính vì vậy, nên bàn tính của người đàn ông trong lúc này thường hay tự phụ, tự hào về suy nghĩ và hành động của mình trên mọi lãnh vực của cuộc sống.

Từ đó, đối với những sự việc thường ngày, hễ họ suy nghĩ được, nói được là sẽ quyết tâm làm cho bằng được, cho dù có làm thương tổn đến tình cảm của mọi người. Đây cũng là thời kỳ tất yếu đối với những người đàn ông có chí khí và lý tưởng, nhưng vì kinh nghiệm từng trãi chưa nhiều.
Cho nên trong thời kỳ sung mãn này, họ có ôm ấp những ước mơ, hoài bảo gì tốt đẹp, là họ sẽ quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu này.

Trong việc hành xử mọi việc trong gia đình cũng vậy, với cương vị là một người chủ của gia đình, họ cũng sẽ chỉ đạo việc thực hiện kỷ cương, nề nếp trong nhà một cách thật nghiêm khắc và quyết liệt, cho dù đó là những người thân yêu nhất của họ. Và kết quả của việc hành xử này, thường dẫn đến làm cho mọi người trong nhà đều phải nơm nớp lo sợ. Nhưng cũng vì mục tiêu chỉnh đốn đạo nhà và với tư cách của một người chủ, luôn hành xử một cách chính đáng, phải đạo nên mọi người ai cũng không oán trách, hay giận hờn gì.

Trái lại họ còn có lòng kính trọng, khi thấy được sự nghiêm khắc này đã làm cho gia đình ngày càng đi vào khuôn khổ của chính lý, có trật tự, nề nếp, mọi người ai cũng có trách nhiệm để cùng nhau xây dựng đời sống của gia đình.

Dựa theo lý thường, làm chủ một gia đình là người chủ phải thường xuyên giám sát, chỉ đạo mọi hành vi ứng xử của những người thân yêu nhất của họ trong nhà. Dù biết rằng, đây là việc rất cần thiết để giúp cho mọi người trong gia đình ai cũng đi vào nề nếp của gia phong, ai cũng đều ra phận nấy và ai cũng biết mình phải làm gì để cùng nhau dựng xây tổ ấm gia đình.
Nhưng có điều, người trong một nhà ai cũng đều là chỗ cốt nhục tình thâm, cho nên không thể thiêng về lý trí mà hành xử quá nghiêm khắc, quên đi sự khoan dung, độ lượng cùng với mọi người.

Vì nếu cứ tiếp tục hành xử như vậy, thì tuy đạo nhà cũng được chỉnh đốn đâu vào đấy, lòng của vợ con có kính sợ thì cũng là điều tốt đẹp cho gia đình. Nhưng cũng sẽ không tránh khỏi sự thương tổn đến thâm tình, vì sự nghiêm khắc thái quá này và sẽ dẫn đến, người chủ phải bị ăn năn.

Tuy nhiên, giải pháp trên không phải là giải pháp tích cực nhất, nhưng thà như vậy còn hơn là người chủ chỉ thiên về khoan dung mà buông lổng kỷ cương, trật tự của gia đình. Nếu hành xử theo chiều hướng này, thì trước mắt mọi người trong nhà đều rất vui vẽ, vợ con cũng hớn hỡ reo vui. Nhưng hậu quả sẽ làm cho mọi người mất hết lễ tiết… và kỷ cương vì đó mà hỏng, luân lý bởi vậy mà loạn, thì làm sao giữ được nề nếp của gia đình?

Cuối cùng, thì gia đình sẽ không tránh khỏi bị hư mục, người chủ phải bị thẹn thùng, hối tiếc vì tự mình đã bị cái tình của vợ con làm lu mờ hết cả lý trí, nên để cho mọi người đều được tự do, phóng túng, làm mất hết sự tôn nghiêm cần phải có trong một gia đình. Và từ đó nề nếp, kỷ cương cũng đều bị vô hiệu hết vậy.

Cho nên trong hoàn cảnh này, thà người chủ hành xử theo chiều hướng nghiêm mãnh và chấp nhận sự ăn năn. Vì chọn giải pháp này, tuy có phần nào gây thương tổn đến thâm tình của vợ con, nhưng phép tắc kỷ cương trong nhà được thiết lập, luân thường đạo lý từ đó cũng được chỉnh đốn theo… Và như vậy thì Ân, Tình, Đức, Nghĩa đối với vợ con, cũng được hàm chứa ngay bên trong đó.

Còn hơn là để cho vợ con vui cười, phóng túng đi đến thái thậm, thì sẽ dẫn đến hư hỏng cho cả gia đình. Và cuối cùng, thì người chủ phải nhận lấy sự hổ thẹn, hối tiếc cho dù chưa dẫn đến mức độ hung, nguy cho cả nhà này vậy.

Tóm lại, do tính chất và đặc điểm của người đàn ông làm chủ trong gia đình đến giai đoạn này, thường dẫn đến hai trường hợp phải ứng xử:
Hoặc người chủ là người có lý trí của thể dương minh sáng suốt, thì ở vào vị trí và hoàn cảnh quá độ này, họ hành xử mọi việc trong nhà một cách nghiêm khắc. Nhằm cho gia đình đi vào nề nếp để chuẩn bị chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ ổn định và phát triển vững chắc, dài lâu.

Hoặc đây là một gia đình có người chủ tối tăm, hoăc là do người đàn bà là thể âm mềm, nhu nhược làm chủ. Cho nên họ luôn xem trọng thâm tình hơn là thực hành theo lý tưởng: Tu, Tề, Bình, Trị của kẻ Trí sĩ thời xưa mà kẻ Trí sĩ thời nay luôn xem đây là mục tiêu phải thực hiện.
Cho nên họ đã dùng tình yêu thương một cách dễ dãi, đối với mọi hành vi gây phương hại đến kỷ cương, nề nếp trong nhà. Cũng chính vì cách cư xử này, nên họ phải đón nhận những hậu quả đem lại triền miên, từ bi kịch của gia đình, cũng như họ phải đón nhận sự thẹn thùng, hối tiếc do người thân trong gia đình mang lại. Và tất nhiên, họ cũng khó có thể làm gì để cho mình được yên tâm, khi phải bước ra bên ngoài tạo dựng nên sự nghiệp.

Hào Lục Tứ.
Lời kinh viết: Phú gia, đại cát.
( Hào bốn, Âm: Nhà giàu được tốt lớn)

a/ Tính chất của hào.
Đây là hào âm ở vị trí thứ tư của thời Gia nhơn quái.
Là hào âm tại vị trí này là được ở vào ngôi chính đáng, phải đạo cho nên nó luôn lấy chính đạo và đức nhún nhường, hòa thuận của thể âm để hành xử mọi việc trong thời kỳ này.

Hay nói theo cách khác, tại vị trí này nó luôn lấy đức hòa thuận, nhún nhường, lại luôn dựa theo chính lý của đạo nhà để hành xử mọi việc. Cho nên, ngôi vị nó đang ngồi là ngôi vị rất xứng đáng, rất phù hợp, trong thời Gia nhân quái.
Cũng chính nhờ thế, nên dù nó ngồi lên được ngôi vị khá cao, nhưng mọi việc cũng điều được tiến triến thuận lợi và yên ổn, vững vàng.

Tóm lại trong đạo lý này, lấy hào Dương là chủ về nghĩa, hào Âm chủ về lợi. Trong khi hào Âm tại vị trí này được ở vào ngôi vị chính đáng, phải đạo cho nên đây là hào vừa biết dựa theo đạo lý để làm giàu cho bản thân, vừa biết đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho đạo nhà. Cho nên lời kinh mới gọi nó là: Phú gia, đại cát vậy.

b/ Hiện tượng trong đời sống.

Còn tiếp...