Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

ĐẶT KINH DỊCH VỀ ĐÚNG VỊ TRÍ CỦA NÓ

(Bài viết và đăng từ 2005}


Có một nền Triết học bao trùm lên mọi hiện tượng của vũ trụ 
Một chân lý bao trùm lên mọi Đạo lý nhân bản của thế gian
Một quy luật tất yếu muôn đời của đời sống tự nhiên và con người trong mọi thời đại
Mặc cho con người có biết nó hay không nhưng nó vẫn tự nhiên và đương nhiên tồn tại, chi phối mọi hành vi vận động của mỗi con người mãi mãi với thời gian...


Năm 2005, một sự kiện được báo chí đăng tải làm khích lệ, phấn chấn lòng người nhất là đối với những người say mê nghiên cứu và tôn vinh kho tàng Dịch học, là nền tảng chính của nền triết học cổ phương đông, hiện thân của nền văn minh tri thức già dặn nhất của con người tồn tại từ năm ngàn năm qua và nó vẫn đương nhiên tiếp tục hiện diện để định hướng cho con người vững bước tiến lên, trên những con đường mòn chân lý của nó.

Đó là sự kiện 1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh Dịch đầu tiên(thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á Việt Nam) đã chính thức được thành lập. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặc mới cho sự tồn tại và phát triển của Kinh Dịch được ứng dụng vào mọi lĩnh vưc của đời sống dân tộc suốt hàng ngàn năm qua. Tuy rằng trước nay nước ta cũng có Hội Dịch học nhưng phạm vi hoạt động của hội còn quá hạn hẹp, công chúng không ai biết được họ đang làm gì, hoạt động ra sao?

Cho nên sự ra đời của 1 trung tâm nghiên cứu, phát triển Kinh Dịch là rất phù hợp với chiều hướng chung hiện nay của thế giới. Hy vọng là Trung tâm sẽ từng bước hòa nhập được vào xu thế tất yếu này, để khai thác mọi tiềm năng to lớn của Kinh Dịch nhằm phục vụ cho mọi nhu cầu về quốc kế dân sinh và tiến tới dùng vào việc thẩm định lại các giá trị đạo đức, quan điểm thiết chế xã hội của nước nhà cho phù hợp với phong thổ, địa lý của 1 dân tộc Á Đông sau bao nhiêu năm du nhập quá nhiều xu hướng mới không phù hợp với truyền thống dân tộc.

Làm được việc này, thiết nghĩ ngoài việc nghiên cứu và phát triển Kinh dịch ra để định hướng thì không 1 ngành khoa học duy tâm, hay duy vật nào có thể làm thay được, vì những giá trị to lớn này đều được bắt nguồn từ việc vận dụng các nguyên lý của Kinh Dịch mà ra. Cho nên với tầm cỡ của 1 trung tâm thì cũng rất khó mà có thể đảm đương công việc. Nên chăng nhà nước ta cần phải lập ra 1 Viện nghiên cứu, ứng dụng Kinh Dịch theo mô hình của Liên hợp quốc như thạc sĩ Trần Mạnh Linh đã đề nghị, thì đó mới thật là điểm đến cho sự kiện khá quan trọng này.

Sau đây, xin được trích 1 số câu hỏi của báo chí và câu trả lời của Thạc sĩ luật gia Trần Mạnh Linh, giám đốc trung tâm để chia sẻ những thông tin này đến cùng các bạn, nhất là những bạn chưa cập nhật được thông tin này: 

- Trước khi trao đổi với Báo Người Lao Động, về mục đích của việc thành Trung tâm, thạc sĩ Trần Mạnh Linh khẳng định “Chúng tôi mong muốn giúp người dân có nhìn nhận đúng hơn về môn khoa học - nghệ thuật này. 

Phóng viên: Theo đánh giá của ông, Kinh Dịch có vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa - xã hội và tinh thần của người Việt trong những năm qua? 
- Thạc sĩ Trần Mạnh Linh: Thực ra, Kinh Dịch đã du nhập vào VN từ lâu lắm rồi. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng từ những năm ngay sau Công nguyên, ở VN đã manh nha xuất hiện bộ môn này. Suốt các triều đại phong kiến, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên ở đời nhà Trần đến khoa thi cuối cùng ở đời nhà Nguyễn, Kinh Dịch luôn là một nội dung quan trọng trong các câu hỏi dành cho sĩ tử dự thi. Trong dân gian, ứng dụng của Kinh Dịch cũng cực kỳ rộng lớn…

Dịch học nêu lên những quy luật phát triển và biến hóa của vạn vật. Nội dung Kinh Dịch rất phong phú, phạm vi đề cập rất rộng, gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Kinh Dịch cũng là khởi nguồn của khoa học thông tin. Hàng ngàn năm qua, Kinh Dịch tồn tại và được khẳng định như một phần cơ bản của văn hóa phương Đông. Từ hơn 40 năm nay, Tổ chức UNESCO đã công nhận và đưa ra thành ngành Dịch học.
Chúng ta cũng có rất nhiều học giả say mê nghiên cứu Kinh Dịch và có những đóng góp quan trọng vào việc “giải mã” bộ môn này như các tiền bối Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê... Trước nữa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ứng dụng Kinh Dịch để dự báo bằng nhánh Thái Ất Thần Kinh... 

Vậy có muộn không khi bây giờ mới chính thức thành lập một trung tâm nghiên cứu Kinh Dịch? 
- Trước khi trung tâm ra đời cũng đã có khá nhiều nhóm nghiên cứu Kinh Dịch trong cả nước, nhóm nghiên cứu chuyên sâu, nhóm nghiên cứu ứng dụng..., khiến tình trạng nghiên cứu không thống nhất, tính chuyên môn không cao. Thứ nữa, tôi muốn đặt giá trị đích thực của Kinh Dịch về đúng vị trí của nó. 

Từ nhiều năm nay, những người ham mê nghiên cứu Kinh Dịch vẫn thường tập hợp trong một số CLB như Hội Dịch học (thuộc Hiệp hội UNESCO Hà Nội) hay CLB Thăng Long... Trên cơ sở hơn 200 hội viên của Hội Dịch học, chúng tôi tổ chức lại thành trung tâm này với hy vọng hướng tới những nghiên cứu cặn kẽ hơn. Từ mục đích nghiên cứu, chúng tôi sẽ mở rộng sang những hoạt động khác như tổ chức hội thảo về Kinh Dịch, giao lưu học hỏi với các tổ chức Dịch học ngoài nước, tìm kiếm những ứng dụng của Dịch học vào thực tế cũng như mở lớp đào tạo mang tính phổ cập. Ứng dụng, đưa Kinh Dịch vào đời sống có hiệu quả.

. Việc đào tạo sẽ được tiến hành như thế nào? 
- Khi tuyển sinh, chúng tôi sẽ lập bảng trắc nghiệm nhằm chọn lựa những học viên thích hợp nhất. Trước mắt, mỗi khóa học có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng, sau đó trung tâm sẽ tính tới việc mở các lớp nâng cao. Môn học này không dễ, đòi hỏi người theo học phải có sự kiên nhẫn và đam mê, tìm thấy niềm vui trong nghiên cứu khoa học. Ngoài các chuyên gia của trung tâm, chúng tôi sẽ mời những học giả nổi tiếng về lĩnh vực này để tham gia giảng dạy. 

Thật ra, chưa có những cơ sở đào tạo chuyên sâu nhưng một số trường ĐH của VN cũng đã sử dụng một phần nội dung của Dịch học trong khâu giảng dạy. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội dành 45 tiết học về Kinh Dịch trong phần chiến lược về nhân sự và lý thuyết quản trị kinh doanh (Mai hoa dịch số - PV). Còn Trường Đại học Kiến trúc cũng có một số tiết học, giúp sinh viên làm quen với các khái niệm về thuật phong thủy, địa lý... trong Dịch học. Hiện nay, Kinh Dịch đã được đưa vào chương trình đào tạo từ thạc sĩ triết học trở lên rồi. 

. Khổng Tử đã đúc rút “ngũ thập tri thiên mệnh” - 50 tuổi mới nên đọc Kinh Dịch. Nên việc đưa Kinh Dịch vào học trong nhà trường là không phù hợp? 
Trước khi mất, Khổng Tử có nói “Giá như cho ta sống vài năm nữa để ta nghiên cứu Kinh Dịch thì cuộc đời sẽ ít sai lầm hơn”. Từ đó, sau này khi dịch sang tiếng Việt, học giả Nguyễn Hiến Lê có viết “Kinh Dịch là đạo của người quân tử”. Thực chất, nghiên cứu Kinh Dịch rất khó, nên câu nói của Khổng Tử có ý rằng để thấm nhuần được thì phải đến một tuổi nào đó, khi con người đã trải nghiệm cuộc đời thì mới hiểu được Kinh Dịch; còn nghiên cứu Kinh Dịch thì có thể sớm hơn, từ rất trẻ. 

. Thưa ông, cũng có nhiều người tỏ ra dị ứng với Kinh Dịch do chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, lập luận khoa học nên ranh giới giữa khoa học và mê tín rất mong manh? 
- Đấy là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu Kinh Dịch rất muốn làm sáng tỏ, phân biệt rạch ròi. Sự mê tín xen lẫn vào đã làm giảm tính khoa học của Kinh Dịch dưới mắt nhiều người. Đó cũng là một lý do chúng tôi quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh Dịch. Ở toán xác suất, người ta đã chứng minh được tính chính xác và đúng đắn dựa trên các hàm toán cụ thể, còn Kinh Dịch được nhìn nhận theo cách khác, huyền diệu hóa nên chưa được thừa nhận cao…

- ...Hiện nay, Kinh Dịch đang được nghiên cứu rộng rãi ở nước ta. Bởi vì, Kinh Dịch là một trong ba bộ kinh cổ nhất Trung Hoa, sau Kinh Thi và Kinh Thư nhưng rất kỳ lạ: Từ chỗ là sách bói toán, Kinh Dịch phát triển thành sách triết học và vũ trụ học, được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh... 
Thạc sĩ, Luật gia Trần Mạnh Linh, Chủ nhiệm CLB Dịch học Hà Nội, một nhà nghiên cứu Kinh Dịch lâu năm sẽ nói rõ với chúng ta về mối quan hệ giữa Kinh Dịch với cuộc sống.
Kinh dịch không phải là tâm linh 

PV: Thưa luật gia Trần Mạnh Linh, vì sao vài chục năm trước đây, Kinh Dịch không phổ biến ở nước ta?
Luật gia Trần Mạnh Linh: Thực ra có một giai đoạn, do đất nước còn phải làm nhiều nhiệm vụ quan trọng nên Kinh Dịch không được đề cập đến mà thôi, chứ chẳng có ai cấm đoán. Kinh Dịch cũng từng được dịch ra ở Việt Nam với 3 bản dịch quan trọng nhất của cụ Ngô Tất Tố, Phan Bội Châu và Nguyễn Hiến Lê. Từ năm 1990, khi cuốn Chu dịch và dự đoán học của Thiệu Vỹ Hoa-bộ sách từng được bán rất chạy ở Trung Quốc-được dịch sang tiếng Việt đã tạo nên phong trào học Kinh Dịch ở nước ta.

- Vậy, Kinh Dịch là gì?
- Nói về thuật ngữ, dịch là sự thay đổi, kinh là nguyên tắc, ổn định. Vậy, Kinh Dịch là những nguyên tắc, quy luật nói về sự vận động, biến đổi phù hợp với tự nhiên.

- Tôi đọc cuốn “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch” của Nguyễn Vũ Tuấn Anh, thấy học giả này cho rằng Kinh Dịch là do người Việt cổ sáng tạo nên?
- Đó chỉ là một quan điểm thôi. Còn xưa nay chỉ có hai quan điểm cơ bản: Quan điểm chính thống khẳng định Chu Hy và Phụng Hy thời nhà Chu dựa trên Hà Đồ và Lạc Thư mà xây dựng nên Kinh Dịch; Quan điểm thứ 2 cho là do tập thể sáng tạo, thời sau bổ sung thời trước. Ở Trung Quốc hiện nay họ không bàn đến ai là tác giả, mà chỉ kết luận rằng: Kinh Dịch là sản phẩm trí tuệ của phương Đông, mà trực tiếp là của người Trung Hoa cổ đại.
- Không những khuyên mọi người đọc sách, mà với Hội Dịch học Hà Nội, một Hội nghề nghiệp như bao hội khác, các anh còn có nhiệm vụ phổ biến kiến thức về Kinh Dịch đến mọi người…

- Chúng tôi cũng có chức năng tuyên truyền những vấn đề thuộc góc độ khoa học và đúng với pháp luật. Tuy nhiên chúng tôi mới dừng lại ở tổ chức hội thảo, mạn đàm… trong nội bộ Hội, còn với công chúng thì chưa làm được bao nhiêu. Tôi nghĩ, cũng nên đẩy mạnh về vấn đề này, bởi cách nhìn nhận của dân chúng về Kinh Dịch còn rất hạn chế.

PV: Chính vì chữ “bói toán” mà có thời, một số người xem Kinh Dịch là “mê tín dị đoan”. Vậy đâu là yếu tố khoa học của Kinh Dịch và đâu là mặt hạn chế của nó?
Luật gia Trần Mạnh Linh: Bộ Kinh Dịch chứa đựng hai yếu tố: điều chính yếu của nó là bói toán và dựa vào đó, nó chiếm lĩnh các môn khoa học khác như tâm lý học, xã hội học, y học, triết học, đạo đức học…

Bản thân của bói toán không xấu và không gây tác hại gì. Bói toán là do cách gọi thôi, chúng ta phê phán lâu ngày rồi trở thành ác cảm, chứ thực ra đó là một nghệ thuật dùng các ngôn ngữ hệ nhị phân để tạo nên một hàm xác suất, và dựa trên hàm xác suất để dự đoán quá khứ và tương lai.
Còn điều hạn chế của nó là: bởi vì đây là môn toán xác suất nên không phải là ai nắm được nguyên lý của nó là giải đáp đúng ngay. Nắm được nguyên lý, nhưng đòi hỏi người sử dụng nó phải có chút nghệ thuật mới giải đáp được... 

Chính điều đó làm nên tính hai mặt: có người học Kinh Dịch dự đoán rất tài tình, nhưng cũng có người dùng nó để làm bậy, như lợi dụng bói toán để kiếm lợi kinh tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cũng đừng nên đề cao quá vai trò của Kinh Dịch, bởi Kinh Dịch phụ thuộc vào vai trò cá nhân quá nhiều. Hơn nữa, khi dân trí còn thấp, đề cao Kinh Dịch sẽ dẫn đến mê muội…
Nhưng cuộc sống là vậy, bất kỳ cái gì cũng buộc phải chấp nhận tính hai mặt, và nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu… Tôi nghĩ rằng: Nhà nước nên thành lập Viện nghiên cứu Kinh Dịch giống như Liên hợp quốc đã có, nghiên cứu nó dưới góc độ khoa học để ứng dụng trong cuộc sống, chẳng hạn như nghiên cứu về động đất, sóng thần, dự báo thời tiết…

- Nhiều nhà Dịch học khuyên rằng, bộ Kinh Dịch là quá sâu xa, nếu học mà không ứng dụng thì không bao giờ hiểu đúng nghĩa được. Vậy Kinh Dịch có tác dụng như thế nào đối với cuộc sống?

- Kinh Dịch như một bảng mã mà dựa vào đó người ta có 3 nhánh ứng dụng cơ bản: Ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày như dùng Bát tự hà lạc, Tứ trụ tử bình để xem xét sự kiện, đời sống một con người; Ứng dụng thứ hai là trong quân sự, ví dụ như Khổng Minh từng dùng Kỳ môn độn giáp để đánh trận…

- Kinh Dịch quan trọng như thế, vậy theo anh nên chăng chúng ta cần đưa nó vào giảng dạy ở các trường đại học, theo một mức độ nào đó?

- Theo tôi được biết, hiện nay chỉ có Trường đại học Kinh tế quốc dân có dạy hẳn một phương pháp của Kinh Dịch, mà ta gọi thẳng là bói toán (Mai Hoa dịch số) vào chương trình tìm nguồn nhân lực. Còn Đại học Kiến trúc có ứng dụng phần Phong thủy. Tôi hy vọng rằng, sau này hệ thống các trường đại học nước ta sẽ đưa Kinh Dịch và triết học phương Đông vào chương trình giảng dạy, bên cạnh triết học Mác - Lê-nin là cơ bản và chủ đạo.
- Xin cảm ơn anh! "

Xin chúc cho Trung tâm từng bước hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra, giúp cho mọi tầng lớp người trong xã hội có cái nhìn đúng về Kinh Dịch, một di sản quí của nền văn minh trí tuệ phi thường được xuất phát từ các dân tộc Á đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét